
Để phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ, vào những lúc nông nhàn, nghệ nhân điêu khắc Khmer đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc gần gũi với cuộc sống thường nhật như chạm khắc muôn thú, tượng người, cây trái trên những gốc cây có tuổi thọ cách đây hơn 200 năm. Với ý nghĩa thể hiện quan niệm sâu xa của con người về thế giới xung quanh mình, mà theo truyền thuyết vùng đất Sóc Trăng xưa kia là biển cả mênh mông. Sau này được phù sa bồi đắp để lại những giồng đất cao với nhiều rừng rậm hoang vu và động vật sinh sống, về sau được con người khai hoang tạo lập nên những phum, sóc như ngày nay.
Nghệ thuật điêu khắc còn được chế tác trên những chiếc ống điếu, những cây gậy bằng gỗ (kể cả bằng gốc tre) có cách đây hàng trăm năm với công dụng dùng để đi lại, tự vệ, đánh bắt chuột, săn bắt thú… Trong số đó có cặp sừng trâu rừng to vật vã, do một số thợ săn hạ được bằng gậy tại khu rừng Ôlăngka, thuộc huyện Mỹ Tú cách nay hơn 300 năm vẫn còn lưu giữ.
Nơi đây còn có mô hình nhà sàn ngày xưa của người Khmer Nam bộ, ngày nay các kiểu nhà sàn này chỉ còn thấy ở một số ngôi chùa nhưng chỉ mang tính chất bảo tồn văn hóa chứ không còn ý nghĩa thực dụng. Bên cạnh đó là chiếc đèn dùng thả xuống nước trong lễ hội Lôi Protíp diễn ra trong đêm lễ xuất hạ nhằm ngày 14 tháng 9 âm lịch hằng năm. Lễ này mang đậm tính tôn giáo. Đèn nước được cấu tạo như một ngôi đền, làm từ thân và bẹ cây chuối có trang trí hoa lá xung quanh, đầu đèn có treo cờ phướn, xung quanh cắm đèn cầy và nhang, có bày biện các lễ vật cúng như trái cây, bánh kẹo, gạo muối... Mở đầu buổi lễ, sư sãi và người dân sẽ cắm đèn cầy và thắp nhang sau đó tụng kinh để nhớ đến Đức Phật cũng như xin lỗi vì đã làm ô nhiễm thiên nhiên trong quá trình sinh hoạt, lao động suốt một năm qua. Sau đó, người ta rước đèn ra thả trên kênh, rạch sau đó thả trôi theo dòng nước, trẻ con thường đua nhau nhảy xuống tranh các vật cúng để lấy phước. Ngày nay đèn nước được làm bằng gỗ, trang trí thêm màu sắc sặc sỡ hơn.
Ngoài ra nơi đây còn có phòng trưng bày trang phục truyền thống Khmer Nam bộ, nhạc cụ sử dụng trong sân khấu Rô băm và nhiều vật dụng sinh hoạt đời thường khác, như bình bát khất thực làm bằng tre, cà men đựng thức ăn.
(Theo Báo Du Lịch)