Có gã “nghệ sĩ mù” như thế…

07/02/2017 14:51

Theo dõi trên

Không nhìn thấy ánh sáng như bao người bình thường khác, nhưng anh đang sống những ngày ý nghĩa. Vượt qua nghịch cảnh của số phận, anh đã trở thành chỗ dựa vững chắc giúp đỡ bao người…



Anh Thanh đọc chữ Brai...

Duyên với âm nhạc

Anh tên Nguyễn Hùng Thanh, sinh năm 1976, quê ở xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Lúc lên 7 tuổi, sau một trận sốt “thập tử nhất sinh” thì mắt anh không còn nhìn thấy ánh sáng. Khi ấy, anh đang chuẩn bị vào lớp 1, vẫn còn đang bỡ ngỡ làm bạn với con chữ… Không biết có phải là một sự bù đắp cho số phận nghiệt ngã hay không mà khi ánh sáng đôi mắt mất đi, anh Thanh tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Chính điều này phần nào cứu vớt tuổi thơ anh. 

Đến khi anh lên 12 tuổi, gia đình thấy anh mê nhạc nên đã cho anh đi học… đàn cò. Anh sáng dạ, học rất nhanh. Được một thời gian, thấy anh kéo đàn cò chẳng khác nào dân… chuyên nghiệp, sư phụ của anh - là một nhạc công kéo đàn cò nổi tiếng của vùng dẫn anh đi chơi nhạc ở các… đám tang. Anh bảo rằng, mê thì mê vậy nhưng mình còn con nít mà cứ kéo đàn cò ở đám ma mãi cũng ớn. Sau ấy anh quyết tâm học đàn guitar, rồi dần dần đi chơi ở các đám cưới và tham gia vào nhiều chương trình văn nghệ địa phương, trở thành một tay chơi nhạc nức tiếng khắp vùng. 

Thời gian thấm thoắt, niềm mong ước đi học lại trỗi dậy, anh nộp hồ sơ đi nhiều nơi trong nước nhưng không được nhận vì anh đã lớn tuổi. Đến năm 1992, Bí thư Huyện đoàn Hoài Nhơn khi ấy là ông Huỳnh Thanh Xuân (hiện đang là Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy) thấy anh bị khiếm thị nhưng có tài nên đề xuất chính quyền tạo điều kiện gửi anh đi học trường lớp đàng hoàng. Anh Thanh được học tại trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu tại Đà Nẵng. Vừa học văn hoá tại đây anh vừa học thêm nghề massage. Sau đó, anh theo học Trung cấp sư phạm âm nhạc để thỏa niềm say mê bấy lâu.

Sau khi ra trường, cầm tấm bằng sư phạm trên tay nhưng anh không xin việc làm, mà tự mở cơ sở massage nhằm để giải quyết việc làm cho người mù. Được biết, cơ sở massage của anh cũng là cơ sở tư nhân đầu tiên ở Đà Nẵng. Tuy công việc tại đây ổn định nhưng món nợ ân tình với quê cha đất mẹ cứ làm anh trăn trở...

Khi anh về, người mù còn chưa “mở mắt”…

Năm 2008, anh Thanh trở về quê hương với quyết tâm mang lại diện mạo mới cho những người đồng cảnh ngộ, tri ân tấm lòng của quê hương ngày xưa đối đãi với mình. Sau khi gom hết vốn liếng để dành bấy lâu cùng số tiền vay mượn, anh mạnh dạn thuê địa điểm và thành lập cơ sở massage tại 155 Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn) với tên Cơ sở khuyết tật Vì hạnh phúc người mù, đây cũng là cơ sở massage người mù đầu tiên trong tỉnh Bình Định. Anh Thanh bộc bạch, nghề massage thấy vậy nhưng kì thực không đơn giản, người sáng học đã khó, người mù học càng khó hơn. Phải hiểu biết từng đốt xương, huyệt đạo, bó cơ, người học phải kiên nhẫn, tận tụy thì mới thành nghề được. Để giúp đỡ những người khiếm thị vững tay nghề, anh phải cẩn thận “cầm tay chỉ việc” cho từng người.

Năm 2012, anh mở cơ sở thứ hai tại đường 31 tháng 3. Hiện hai cơ sở đang giải quyết việc làm cho gần 20 người mù, đảm bảo cho họ cuộc sống ổn định với mức lương trung bình hơn 3 triệu/ tháng. Cho đến nay, cơ sở của anh cũng đã dạy và truyền nghề cho hơn 100 lượt người khiếm thị. Nhiều người trưởng thành từ cơ sở và đứng ra mở dịch vụ massage riêng trong nội thành thành phố và khắp các huyện trong tỉnh.

Vừa rồi gặp anh, tôi lại nhớ lần đi cà phê cùng anh cách đây không lâu. Anh em dẫn nhau ra quán cóc trên một con đường ở Quy Nhơn. Mang tiếng ở đây đã 7 năm mà đường cua, ngõ hẻm, tôi lại chẳng rành bằng anh. Anh cười bảo cu em cứ quẹo trái, quẹo phải, rồi đi thẳng... Tôi chợt nảy ra ý nghĩ, nếu sau này lỡ như thất nghiệp, có viết tiểu thuyết kiếm cơm, nhất định tôi phải đưa chi tiết này vào, “đại ca mù” chỉ đường cho thằng “cu em” mắt sáng.

Có lần, tôi đến thăm anh. Thấy anh đang ngồi gõ máy tính. Tôi trộm nghĩ, anh không thấy đường mà sao cứ như người sáng… Sau tôi mới hay, hóa ra, có một phần mềm dành riêng cho người khiếm thị “mã hóa” những con chữ bằng âm thanh. Anh nói với tôi, anh còn hay đọc báo, chính xác hơn là… nghe báo, bởi trong máy tính có phần mềm đọc báo cho người khiếm thị. Bởi vậy, chuyện thế giới, thời sự trong tỉnh, trong nước, anh cập nhật hết. Nói chuyện với anh mà mù mờ thông tin là bị anh… chỉnh ngay. Và tất nhiên, anh mang tất cả những “công nghệ hiện đại” ấy chia sẻ cho mọi người đồng cảnh.

Công bằng mà nói, khi anh về lại mảnh đất Bình Định, người mù còn chưa “mở mắt”, nhưng đến hiện tại, những gì mà anh cống hiến đã góp phần thay đổi rất nhiều bộ mặt sinh hoạt của người khiếm thị, đưa họ đến gần hơn với cộng đồng một cách đầy tự tin.
 


... và matxa cho khách.

Mái ấm của người khiếm thị

Những lúc vắng khách ở cơ sở, anh Thanh cùng mọi người hay ngồi với nhau dưới ấm trà nóng, vui vẻ chuyện trò. Anh Hồ Mạnh Nhân, quê ở Hoài Ân, đã vào làm trong cơ sở của anh Thanh gần 3 năm nay, thủ thỉ: “Anh Thanh siêng làm lắm, lâu lâu ảnh lại còn kiêm luôn… bà mối, nhưng được cái cũng mát tay, mối đâu dính đấy”. 

Quả thật, từ cơ sở này, nhiều người khiếm thị được gặp gỡ, làm việc và tìm được cả hạnh phúc cuộc đời mình. Như chuyện anh Phan Đình Việt quê ở Tây Sơn, trước vốn là một tài xế xe, nhưng một lần bị tai nạn khiến cả khuôn mặt anh bị biến dạng, đôi mắt mù lòa. Anh nhốt mình trong nhà với nỗi u uẩn và xem như cuộc đời của mình đã đi vào ngõ cụt. Nhờ anh Thanh nhiều lần động viên, anh Việt tham gia vào lớp học đào tạo nghề của Hội người mù tỉnh, học chữ Brai (chữ nổi) và được Hội người mù tỉnh quyên góp kinh phí để phẫu thuật khuôn mặt. 

Về sau, Việt được anh Thanh truyền dạy cho nghề massage và nhận vào làm luôn trong cơ sở maasage người khiếm thị. Nhờ vậy mà anh Việt đã dần tìm được niềm vui và ý nghĩa cuộc sống. Được biết rằng, anh Việt cũng đang hạnh phúc với một chị hiền lành làm cùng cơ sở. Vậy đó, ở đây, mỗi người là một góc khuất số phận, nhưng những mảnh đời bất hạnh đã tìm đến nhau để vun vén hạnh phúc bằng tình yêu và sự quan tâm, chia sẻ chân thành.

Anh Thanh vẫn miệt mài với bao dự định giúp người, giúp đời của mình. Ngoài quán xuyến hai cơ sở massage, từ năm 2009 đến nay anh còn đương nhiệm Phó Chủ tịch Hội người mù Bình Định; Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh và Ủy viên Ban chấp hành bảo trợ bệnh nhân nghèo. Được tin cậy bầu giữ nhiều chức vụ, anh càng thêm vững vàng và bản lĩnh, đứng ra kêu gọi, tổ chức nhiều chương trình từ thiện, giúp đỡ nhiều người.

Khi biết đến một hoàn cảnh đáng thương nào đó, anh luôn dốc lòng. Nhắc đến những số phận ấy, gã “nghệ sĩ mù” thêm đau đáu nỗi niềm, anh ôm cây đàn đã cũ sờn, bản nhạc Trịnh ngân lên: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi…”.
 
Nguyễn Văn

Bạn đang đọc bài viết "Có gã “nghệ sĩ mù” như thế…" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.