CLB đờn ca tài tử, cải lương huyện Chơn Thành - Tạo sân chơi văn hóa bổ ích

01/11/2016 09:58

Theo dõi trên

Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) hình thành từ bao đời nay, lan tỏa trong cộng đồng và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân Nam bộ. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay ĐCTT đã được khẳng định và trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ở Chơn Thành, ĐCTT ngày càng phát triển, lan tỏa rộng khắp trong đời sống văn hóa cộng đồng với 3 câu lạc bộ (CLB). Nổi bật là CLB ĐCTT, cải lương huyện Chơn Thành, nơi gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nơi hội tụ đam mê

Những năm trước đây, trong các dịp tổ chức kỷ niệm, lễ hội, hội nghị của xã, huyện thường có những nghệ sĩ trình bày các tiết mục ca vọng cổ hoặc hát cải lương. Ngoài ra, tại các khu dân cư trên địa bàn huyện, một số người “mộ điệu” đã tập hợp nhau lại cùng sinh hoạt ca hát để thỏa niềm đam mê ĐCTT, cùng đắm mình vào những làn điệu mang đậm bản sắc dân tộc, quên đi mệt mỏi sau ngày làm việc căng thẳng.


Dịp cuối tuần, các thành viên tập hợp để thỏa niềm đam mê ĐCTT, cải lương

Trên cơ sở đó, cuối năm 2010, CLB ĐCTT, cải lương huyện Chơn Thành được thành lập. Khi đó, CLB chỉ có 10 hội viên là người cao tuổi đam mê nghệ thuật tài tử Nam bộ, nay tăng lên 22 người. Trong đó có ban chủ nhiệm, 11 thành viên người cao tuổi, một số nhạc công có thâm niên trong nghề và các thành viên trẻ đam mê, yêu thích nghệ thuật độc đáo này. Ông Nguyễn Văn Hương, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Chiều chủ nhật hằng tuần, các thành viên CLB đều sinh hoạt, tập luyện, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ ca, diễn, tạo nền tảng vững chắc tham gia các hoạt động giao lưu biểu diễn tại địa phương. Đây cũng là sân chơi lành mạnh để các thành viên giải trí, thư giãn”.

Gắn bó với CLB gần 5 năm nay, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi rất đam mê nghệ thuật ĐCTT. Lúc đầu, tôi sinh hoạt ở huyện bạn, khi biết CLB tuyển chọn thành viên, tôi đã đăng ký tham gia. Tham gia CLB ngoài đam mê, tôi còn tìm được niềm vui sau ngày lao động mệt nhọc. Tôi cũng đang hướng các con học tập, tìm hiểu để giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật này”.

Vươn lên để khẳng định

Không chỉ dừng lại ở niềm đam mê loại hình nghệ thuật độc đáo đậm chất Nam bộ, CLB luôn hướng tới mục tiêu gìn giữ, phát triển nghệ thuật, văn hóa, giao lưu phục vụ nhân dân. CLB đã tổ chức biểu diễn gây quỹ phát triển; phối hợp với Hội Người cao tuổi huyện tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện...Hiện CLB có đa dạng loại nhạc cụ như: đàn sến, đàn kìm, ghi ta phím lõm... do ban chủ nhiệm và các thành viên tự trang bị. Số lượng bài bản ngày càng phong phú, đa dạng gồm nhiều điệu như: Tây Thi, Xuân tình, Xàng xê..., nhiều nhất là các bài ca vọng cổ. Nhiều bài bản được cải biên, đặt lời mới có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ và những đổi thay của quê hương, đất nước.

Để giúp thành viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, hằng năm CLB thường tổ chức các buổi giao lưu với các CLB ĐCTT trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, CLB còn tổ chức nhiều đợt phục vụ hội nghị của huyện, các đoàn khách trong và ngoài huyện... Từ khi thành lập đến nay, tập thể và các cá nhân của CLB đã giành được nhiều giải thưởng như: nhất toàn đoàn liên hoan ĐCTT tỉnh lần thứ III; giải tài tử có nhiều tác phẩm đạt chất lượng nhất (thuộc về tài tử Liên Hoàng Quân của CLB)... Ông Nguyễn Văn Hương cho biết thêm: “Xuất phát từ niềm đam mê cháy bỏng với ĐCTT, các nghệ sĩ trong CLB đã thể hiện hết mình trên sân khấu, đặc biệt là các thành viên trẻ, đã đem đến cho khán giả những tiết mục hay, ý nghĩa và được mọi người ghi nhận”. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu với loại hình nghệ thuật này của dân tộc, CLB ĐCTT, cải lương huyện Chơn Thành đã vươn lên khẳng định mình và góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ của huyện.

(Theo Báo Bình Phước)

Vũ Nam
Bạn đang đọc bài viết "CLB đờn ca tài tử, cải lương huyện Chơn Thành - Tạo sân chơi văn hóa bổ ích" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.