Sản phẩm khô được chọn lọc kỹ
Nơi hội tụ đặc sản khô, mắm
Nằm ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện nuôi trồng và khai thác, đánh bắt thủy sản thuận lợi. An Giang còn được biết đến là một trong những “thủ phủ” khô, mắm nổi tiếng ở ĐBSCL.
Những ai đã từng thưởng thức đặc sản từ cá của An Giang sẽ nhớ mãi hương vị tự nhiên của khô cá lóc Thoại Sơn, vị đậm đà của khô cá lóc Chợ Mới, khô sặc bổi Khánh An (An Phú), khô cá tra phồng Châu Đốc, mắm Châu Đốc, mắm cá mè vinh Tân Châu, khô nhái Tịnh Biên… Nếu cần mua đặc sản khô, mắm, khách hàng không nhất thiết phải đến tận địa phương sản xuất, mà chỉ cần ghé qua chợ khô ngay trung tâm TP. Long Xuyên là gần như có đủ tất cả.
Hiện nay, chợ khô nằm khiêm tốn bên ngoài nhà lồng chợ Long Xuyên, đối diện với những vựa trái cây cũng đã hình thành lâu đời. “Hồi trước, có đến mấy chục hộ kinh doanh mặt hàng khô, mắm nhưng giờ chỉ còn 3 hộ. Nguyên nhân do nhiều hộ buôn bán không có lời nhiều nên chuyển sang mặt hàng khác” - anh Cổ Thanh Giang (chủ sạp khô Phương Loan) mở đầu câu chuyện có vẻ không mấy lạc quan.
Sạp khô Phương Loan là một trong những gian hàng kinh doanh lâu đời, gắn với lịch sử thăng trầm của chợ khô Long Xuyên. Khi những hình thức thương mại điện tử, kinh doanh online, ship hàng tận nơi bùng nổ, khi nhiều cửa hàng tiện ích mọc ra khô, mắm được đóng bao bì bán trong siêu thị nhiều hơn thì số người ra chợ truyền thống để mua hàng dĩ nhiên giảm sút. Số lượng hộ kinh doanh ở chợ khô Long Xuyên teo tóp dần cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có một số hộ vẫn tồn tại được nhờ chăm chút vào yếu tố uy tín, chất lượng.
“Ngoài đặc sản khô, mắm trong tỉnh, tôi còn lấy hàng ở các địa phương khác như: sặc bổi Cà Mau, tôm, mực, khô biển Kiên Giang, cá tra phồng Biển Hồ (Campuchia), khô rắn, khô nhái Campuchia… Đối với cơ sở cung cấp, chúng tôi đòi hỏi sản phẩm phải được chế biến từ nguồn nguyên liệu tươi sống, chất lượng thơm, ngon nên giá đầu vào cũng như bán ra luôn cao hơn nhiều nơi khác. Những người biết ăn thì chọn mua khô nơi đây, còn ai ham rẻ thì hay lắc đầu chê mắc”- anh Giang chia sẻ.
Món quà quê quý giá
Tuy sống ở Việt Nam nhưng các con đều đã định cư ở Singapore và Úc nên cô Trần Bích Ngọc (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) thường xuyên đi nước ngoài thăm con. Trước mỗi chuyến bay xa, cô Ngọc đều đến chợ khô Long Xuyên mua hàng đặc sản, đóng gói mang theo cho các con. “Bên mình ăn khô thì bình thường nhưng các con tôi ở nước ngoài quý lắm. Tụi nó nói, ăn khô mẹ mang sang, cứ gợi nhớ mùi vị quê hương” - cô Ngọc bộc bạch.
Khách hàng Việt kiều là một trong những mối quen giúp một số gian hàng ở chợ khô Long Xuyên tồn tại. “Buôn bán nhiều năm, nhìn tới nhìn lui phần nhiều là khách quen. Những ngày cuối tuần hoặc thời điểm lễ, Tết, nhiều người tới đặt mua số lượng lớn để tặng người thân, bạn bè, mang theo ra nước ngoài. Cùng với bán tại chỗ, chúng tôi còn cung cấp khô cho các nhà hàng, quán ăn, quán karaoke lớn trên địa bàn TP. Long Xuyên. Thấy nhu cầu về khô, mắm truyền thống vẫn còn nhiều nên chúng tôi vẫn cố gắng giữ sạp khô tồn tại” - chủ sạp khô Phương Loan nhấn mạnh.
Mới hoạt động được khoảng 8-9 năm, không có nhiều mối quen như sạp khô Phương Loan nên sạp khô Tám Chí kế bên kinh doanh có phần khó khăn hơn. Ngoài các mặt hàng khô trong và ngoài tỉnh, sạp khô này còn kinh doanh thêm sản phẩm mắm Bà Giáo Khỏe 55555 (Châu Đốc).
“Các mặt hàng khô cứ lên xuống giá hoài, trong khi mắm ổn định hơn. Mắm được vô keo sẵn, đóng kín nắp, bao bì nên vận chuyển cũng dễ. Đối với mặt hàng khô, khi cần bao nhiêu cứ điện thoại cơ sở sản xuất giao đến, tiền thì thanh toán qua chuyển khoản nên cũng tiện”- cô Nguyễn Thị Minh Tâm (chủ sạp khô Tám Chí) thông tin. Tương tự, dù phải chịu áp lực cạnh tranh từ các phương thức kinh doanh mới nhưng sạp mắm Hiệp Lợi vẫn tồn tại nhờ giữ được lượng khách hàng truyền thống…
Theo Báo An Giang