Chuyện người giữ hồn trống đồng

11/07/2017 09:46

Theo dõi trên

Đất Thiệu Trung (Thiệu Hóa) may mắn có được những nghệ nhân tài năng và tâm huyết với nghề đúc trống đồng thủ công truyền thống. Trong số đó, người được nhắc đến nhiều hơn cả là nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Bá Châu.

Chuyện nghề 17 năm về trước

Vào năm 16 tuổi, Nguyễn Bá Châu đã biết đúc đồng qua người ông, người cha của mình. “Cha truyền con nối”, nghề cứ đi theo người và người cũng cứ cuốn vào đam mê để có một Nguyễn Bá Châu của ngày hôm nay với những thành tích đáng tự hào.




Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Bá Châu.

Tôi muốn nhớ đến một dấu mốc quan trọng của ông, ấy là chuyện 17 năm về trước, Nguyễn Bá Châu là người đầu tiên gây dựng và phục hồi trống đồng thủ công truyền thống. Khi ấy, ông 38 tuổi.

NNƯT Nguyễn Bá Châu nhớ lại: “Nghề đúc đồng ở làng tôi đã có một thời kỳ khủng hoảng dài, nhiều nhà đã phải chuyển đổi công việc. Vào năm 1997 - 1998, tôi đi sưu tầm đồ cổ. Trong khoảng thời gian ấy, tôi có nảy sinh ý tưởng làm lại trống đồng vì dường như ai cũng cho rằng trống đồng không thể có trên thị trường. Tôi cứ tự hỏi: Vì sao ngày xưa làm được mà ngày nay lại không thể làm. Từ đó, tôi đi nghiên cứu về trống đồng”.

Cuộc hành trình với trống đồng của Nguyễn Bá Châu cũng bắt đầu từ đấy. Nung nấu, trăn trở và dường như ông không cho phép mình ngưng nghỉ tìm tòi, khám phá. Ông đi đến các bảo tàng, đồng thời tham khảo ở một số anh em buôn bán đồ cổ để lấy được họa tiết, hoa văn trống đồng. Vào năm 1998 - 1999, sau những cuộc lăn lộn vì trống đồng, ông đã đúc thử nhưng tiếc là không thành công. Ông tiếp tục nảy sinh ý định đi làm thuê ở tỉnh ngoài để học nghề vì ở Thanh Hóa lúc bấy giờ chưa có ai làm trống đồng. Sau những thất bại, những kiên trì, năm 2000, Nguyễn Bá Châu đã khôi phục thành công chiếc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống với chiều cao 12 cm và đường kính 15 cm.

“Đúc thành công mà tôi vẫn chưa hết run vì mừng quá, vì không tin là mình đã làm được” - NNƯT Nguyễn Bá Châu bồi hồi nhớ lại.

Là người đầu tiên đúc thành công trống đồng thủ công truyền thống, một quãng thời gian không quá dài (2 năm) nhưng điều này đã khẳng định về tài năng, tâm huyết của một con người. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, cũng từ sự thành công này đã mở ra cho Nguyễn Bá Châu bao ước vọng, bao kỳ tích...

Sống với nghề bằng chữ tâm

Tôi dám chắc rằng, ở đất Thanh này, nói về nghệ nhân đúc đồng, chưa ai vượt được Nguyễn Bá Châu về thành tích. Sau khi làm nên tiếng vang khôi phục trống đồng thủ công truyền thống, ông tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong nghề với những thành quả đáng nể phục và trân trọng: 3 lần được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập với tác phẩm: Đôi tượng đồng phiên bản “Cây đèn hình người quỳ” lớn nhất Việt Nam, Trống đồng đánh ngang hai mặt đúc bằng phương pháp thủ công đầu tiên ở Việt Nam và tác phẩm "Trống đồng" lớn nhất Việt Nam với chiều rộng 2,4m, cao 1,65m, nặng 2 tấn. Hiện chiếc trống đồng này được đặt tại khu dã ngoại Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều giải thưởng cao quý khác.




Đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống. (Ảnh: Đỗ Đức).

Không chỉ dừng ở đây, NNƯT Nguyễn Bá Châu còn mở lớp đào tạo nghề đúc đồng cho 600 học viên và trong số đó có người đã "đứng" được với nghề và cũng đã khẳng định được tên tuổi. Ông nói: “Nghề thủ công quý ở chỗ đó là từ những vật liệu thô sơ, đơn giản chỉ là phế liệu, đồng nát, than củi, rơm rạ, qua bàn tay của người thợ để trở thành những vật vô giá, có giá trị về văn hóa, lịch sử... Với nghề đúc đồng thì hãy kiên trì, khéo léo, nghiên cứu, tìm hiểu và quan trọng là lúc nào cũng phải học”. Và những sản phẩm ông luôn có một phong cách riêng không thể lẫn lộn. Nhìn vào sản phẩm là nhìn thấy sự hiện diện của ông ở đó. Ông có kỹ năng đặc biệt xuất sắc trong nghề từ khâu lựa chọn nguyên liệu, dựng khuôn, nung khuôn, kỹ thuật tạo hoa văn, kỹ thuật đúc. Nguyễn Bá Châu vốn là người cẩn thận với nghề. Ông không tự cho phép sự cẩu thả trong nghề và càng không cho phép sự gian dối.

“Nếu để làm kinh tế thì tôi chỉ cần một thời gian ngắn là đã giàu. Trong nghề, cũng có nhiều cách để làm giàu bằng chính khả năng, tài năng của mình mà nếu những sản phẩm đó được làm ra sẽ bán được rất nhiều tiền vì có nhiều người đặt hàng với tôi nhưng tôi không làm. Tôi biết nên dừng ở chỗ nào bởi tôi là người làm nghề chân chính. Tôi sống với nghề bằng Tâm của tôi” - ông Châu.

Được biết NNƯT Nguyễn Bá Châu đang còn nhiều kế hoạch, dự định mà trong đó ông đang ấp ủ những ý tưởng lớn, đó là tiếp tục những cuộc hành trình dù có gian khó nhưng đầy những niềm vui, tự hào như ông đã làm nên tiếng vang trong suốt những năm tháng qua...


Hoàng Việt Anh

Nguồn: vanhoadoisong.vn
Bạn đang đọc bài viết "Chuyện người giữ hồn trống đồng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.