Chuyện kể về ông bà lão và hơn 117 cặp mẹ con

29/11/2017 16:14

Theo dõi trên

Đôi vợ chồng đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, được cả đám trẻ hơn trăm đứa gọi là “ông bà ngoại”. Đôi vợ chồng từng gạt nước mắt chôn cất tới 11 ngàn hài nhi, bỏ tất cả vốn liếng để mở mái nhà thiện tâm làm nơi trú ngụ cho 117 người mẹ lỡ làng. Mỗi lần nhìn đám trẻ thơ ríu rít níu chân mình, hai mái đầu đã bạc trắng lại nở nụ cười viên mãn.



Những đứa trẻ bị bỏ rơi được ông Phúc cưu mang.

“Ông bà ngoại”

Cuối đời, ở cái tuổi an nhàn hưởng thụ, nhưng vợ chồng ông Tống Phước Phúc (ở tổ dân phố số 8, phường Phương Sài, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chỉ có một tâm nguyện duy nhất, ấy là giúp những đứa trẻ có được một cuộc sống “an toàn” nhất. Ông bảo: “Tôi nghĩ đến khi chết tôi cũng chỉ làm hai việc, một là chôn cất các hài nhi, hai là cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi mà thôi!”. Từ ý muốn bù đắp chút hơi ấm cho những đứa trẻ không kịp chào đời, người đàn ông có cái tên đầy phước phận ấy quyết tiến thêm một bước, tìm đến những sản phụ đơn độc, đang hoang mang trước ý định phá thai để yên ổn cuộc sống của mình sau những cú sốc cuộc đời. Ông và vợ khuyên nhủ họ, rồi đưa về mái ấm, cưu mang.

Từ những ngày phải tìm đến bệnh viện, bắt chuyện và thuyết phục từng sản phụ, dần dà, vợ chồng ông lại được chính những người cần giúp đỡ chủ động tìm đến, nương nhờ. Không chỉ đi xin được tất cả các bé dù đã tượng hình hay chưa đủ hình hài từ các nhà hộ sinh, bệnh viện về an táng đã là một việc làm đáng nể phục. Nhưng chưa dừng lại ở đó, ông còn xin các bệnh viện, khi gặp các trường hợp đến nạo, hút thai hãy báo cho ông hoặc động viên họ đến nhà ông để ông được cưu mang và nuôi đứa trẻ khi họ sinh ra. Có lần, ông Phúc đến tận bệnh viện dẫn về một cô sinh viên mang bầu tháng thứ 6, đang có ý định vứt bỏ về nhà mình.

Với mục đích ngăn chặn nạn phá thai trong điều kiện hạn chế, mái ấm Thiện Tâm chỉ tiếp nhận những sản phụ mang thai dưới bảy tháng tuổi (khi thai còn nguy cơ bị phá bỏ). Hết lòng khuyến khích người mẹ tiếp tục nuôi con sau sinh, mái ấm cưu mang suốt giai đoạn thai kỳ, chi trả viện phí sinh nở, hỗ trợ tiền thuê nhà với những sản phụ khó khăn khi họ rời đi. 11 năm trời, hết người này đến người khác, có khi, mái ấm cưu mang cùng lúc 117 người, cả mẹ lẫn trẻ. Trong những lượt người “mãn kỳ” mỗi năm, có những người mẹ rời đi một mình, làm lại cuộc đời khi chưa đủ bản lĩnh gánh gồng thêm một cuộc sống nữa. Đứa trẻ được gửi lại cho “ông bà ngoại”, thỉnh thoảng được mẹ đến thăm, rồi đón về hẳn khi đã tạo dựng được cuộc sống vững vàng bên ngoài.

Mái ấm của ông là nơi để những bà mẹ trẻ lỡ lầm nương náu, để những mầm sống mong manh kia có cơ hội được làm người. Từ người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ, cô sinh viên trẻ người non dạ đến cô công nhân nghèo, tiếp viên ở cà phê và cả người bán vé số, người kiếm sống ngoài bãi rác… những ai có ý định bỏ thai đều được ông ân cần khuyên nhủ, thuyết phục họ về sống trong mái ấm, chăm lo chu đáo cho tới lúc khai hoa nở nhụy. Ông Phúc cam kết: “Có sinh có dưỡng thì tốt, nhưng nếu vì hoàn cảnh phải bỏ con lại, chú Phúc nuôi luôn giùm. Khi nào có điều kiện quay về đây, chú sẽ cho nhận lại con!”. Vào mái ấm, mỗi người mẹ đều được yêu cầu nộp bản chứng minh nhân dân photo để làm hồ sơ tiếp nhận, dán vào cuốn sổ quản lý. Thông tin từ cuốn sổ được dùng để làm giấy chứng sinh cho trẻ, và “làm tin”, như dấu hiệu nhận biết để những người mẹ gửi con chứng minh quyền làm mẹ ngày trở lại. Hơn nửa trong số 117 người mẹ đã nương nhờ mái ấm này gửi con lại nhờ vợ chồng ông nuôi hộ. Ra khỏi mái ấm, họ đi kiếm tiền, có người về quê, lập gia đình, thỉnh thoảng lén đến thăm, ấp ủ dự định đón con về đoàn tụ. Có người mẹ quê Nghệ An, vừa sinh một thời gian ngắn đã che mặt, đội nón đi nhặt ve chai, về phụ với vợ chồng “ngoại Phúc” nuôi đứa con khuyết tật đến ngày cứng cáp rồi mới xin đưa con xuống Vũng Tàu, bắt đầu cuộc sống mới.
 


Thư khen của Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết



Ông Phúc trải lòng mình với phóng viên.

Có những đứa trẻ chưa một lần gặp lại mẹ

Mái ấm của ông Phúc hiện còn gần 30 đứa trẻ chưa một lần gặp lại mẹ, hoặc có người mẹ tìm đến để nhìn con nhưng không dám ra mặt. Có những cuộc tái ngộ giữa những chuyến thăm của đoàn từ thiện, khi đứa trẻ quýnh quáng chạy ra mừng vì thấy dáng hình quen thuộc trước ngõ, nhưng người mẹ tỏ vẻ tần ngần, ái ngại, rồi sà vào một nhóm trẻ đứng gần, đợi khi người lạ đi hết mới dám đến gần con, mà không dám gọi con, chỉ xuýt xoa rơi nước mắt, xoa đầu rồi ôm vào lòng để níu lại chút hơi ấm tình mẫu tử. Những lúc chứng kiến cảnh ấy, vợ chồng ông Phúc chỉ biết gạt nước mắt quay đi. Bởi vợ chồng ông hiểu, chẳng người mẹ nào lại muốn bỏ con mình như thế, chỉ vì những hoàn cảnh bất khả kháng mà họ không thể nào làm khác được. Và điều đó, chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu hết được.

Những đứa trẻ sinh ra có số phận không may mắn này được ông Phúc đặt xoay quanh 2 cái tên, con trai tên Vinh, con gái tên Tâm, tất cả đều lấy họ Tống Phước, chữ lót là quê quán hoặc tên của người mẹ. Ông bảo đặt tên như thế để mỗi đứa trẻ sau này lớn lên đều có trái tim yêu thương con người. “Việc gắn quê quán hoặc tên mẹ của tụi nhỏ để sau này mẹ con dễ nhận nhau. Nhìn những đứa trẻ bị bỏ rơi phải sống vất vưởng ngoài đầu được xó chợ, những lúc như thế tôi cảm thấy như nghẹn đắng trọng cổ họng. Là con người thì yêu thương những hình hài bé nhỏ kể cả khi chúng đã qua đời, không nên vứt bỏ chúng. Biết đâu những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian, những nặng nợ kiếp người, những hằn thù nhỏ nhen mà chúng ta lẽ ra phải là người hứng chịu”, ông Phúc tâm sự.

Mỗi khi nhắc đến những đứa con bé bỏng của mình, ông Phúc như trẻ lại, mắt ánh lên niềm tự hào. “Gia tài lớn nhất của vợ chồng tôi ngoài 2 đứa con ruột là cả trăm đứa con gái, cả trăm đứa cháu ngoại nuôi bụ bẫm thế này. Nhìn chúng nó lớn khôn mỗi ngày, vợ chồng tôi mừng lắm”, ông Phúc giãi bày. Bây giờ trong hàng chục đứa trẻ lớn có bé có mà ông đang nuôi dưỡng, có nhiều đứa trẻ đang đến trường. Mỗi buổi sáng, “ông bà ngoại” lại phải thay nhau chở mấy lượt mới đưa hết nhóm trẻ đến trường, tan học cũng phải đón mấy lượt mới hết được lũ cháu bằng chiếc sẽ máy cà tàng mua lại của người ta hơn chục năm nay. Trường tiểu học nơi lũ trẻ theo học không ai lạ gì với đám trẻ con đến trường như thế, tóc cắt một kiểu ngăn ngắn, mỗi trưa mỗi chiều lại “tập kết” thành một đội, kéo nhau ra trước cổng đứng chờ xe. Để cho... gọn, cả người lớn lẫn trẻ con đều gọi bọn trẻ là “đám mồ côi”, rồi kèm theo đó bao trêu ghẹo, kỳ thị. Ngẫm cũng bất bình, ông Phúc chỉ biết ngậm ngùi, im lặng. “Những lỗi lầm trẻ con được quy hết vào cái “tội mồ côi!”, ông nói với tôi, giọng buồn buồn như thế.

Nói về việc làm của ông Phúc, bác sỹ Nguyễn Nam, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cảm kích cho biết: “Nhiều người thấy việc làm của anh Phúc là bình thường nhưng tôi nghĩ đây là việc làm rất hiếm. Ở đây, tôi chứng kiến nhiều cô gái đến nạo phá thai nhưng qua lời khuyên của anh Phúc, các cô đã từ bỏ ý định phá thai. Khi sinh con, không có điều kiện nên nhiều cô để lại con cho ông Phúc nuôi, rồi lặng lẽ đi lấy chồng và có khi sau đó vài năm lại quay về nhận con. Chúng ta lên án những kẻ hèn nhát, rũ bỏ trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Anh, chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế, còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm. Việc làm của anh, chị cùng với rất nhiều việc làm tình nghĩa khác trong cộng đồng vẫn đang nảy nở, sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân, thiện, mỹ, có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của con người được xây dựng trên cơ sở của đạo đức và phẩm hạnh”. 

Việc làm cao đẹp của vợ chồng ông Phúc đã được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm động, đích thân đến thăm, viết thư khen và khẳng định. Chia tay vợ chồng ông Phúc, mới thấy một điều thật ý nghĩa rằng con người chúng ta hôm nay hãy sống chậm hơn để chiêm nghiệm một điều tưởng như bình thường mà bấy lâu nay đang bị quên lãng, rằng thật hạnh Phúc khi được làm người. Còn vợ chồng ông Phúc, mỗi ngày nhìn ra khoảnh sân trước nhà, hai vợ chồng lại tủm tỉm cười theo dõi những mẩu chuyện con con mà lũ trẻ đang tranh nhau kể. Gian nhà rộng thênh rộn rã tiếng nói cười, tiếng bi bô con trẻ, lòng người sao không ấm lại được.
 
Tiêu Dao

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện kể về ông bà lão và hơn 117 cặp mẹ con" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.