Điện gió Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Xuất phát từ trung tâm thành phố, loanh quanh qua vài con đường nhỏ, xe đưa tôi hướng ra con đường mang tên Cao Văn Lầu - cha đẻ của bản “Dạ cổ hoài lang”, hướng về ấp nhỏ ngoại ô Biển Đông A (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Đoạn đường dài hơn 10km đang được sửa chữa, còn ngổn ngang cát đá. Cách bờ biển chừng 2km đã thấy thấp thoáng bóng của những trụ điện gió sừng sững giữa bầu trời trong xanh của mùa hè.
Một chút bệnh nghề nghiệp khi công việc của tôi đôi khi cũng có liên quan đến những “cánh quạt” phi thường phát ra điện như thế. Tổng cộng 62 tua-bin được xây dựng ven bờ biển. Một vài thông số kỹ thuật như: mỗi trụ cao 80m, nặng hơn 200 tấn, sải cánh quạt dài 42m. Tổng công suất phát điện là 99MW và điện năng sản xuất hòa vào mạng lưới điện quốc gia xấp xỉ 500 triệu kW/năm. Không dừng lại ở đây, tôi còn biết chủ đầu tư đang triển khai thêm giai đoạn kế tiếp với 71 trụ, công suất là 142MW. Ngoài ra, một dự án điện gió khác, công suất 50MW cũng vừa khởi công giữa tháng 4 vừa qua. Các công trình xây dựng khá sôi động này đang đưa Bạc Liêu cất cánh, sớm trở thành “thủ phủ” của ngành công nghiệp điện gió lớn nhất miền Tây và có thể là cả nước.
Mùa xuân của 2 năm trước, khi rong ruổi bằng xe buýt thực hiện tua đi xuyên qua một số nước châu Âu, tôi đã ngẩn ngơ trước vẻ đẹp vô cùng kỳ thú của bức tranh thiên nhiên được tạo ra bởi những cánh đồng hoa tulip đủ sắc màu của đất nước Hà Lan. Điểm xuyết thêm cho vẻ đẹp mê hồn đó là những hàng trụ điện gió dài thẳng tắp, với những cánh quạt khổng lồ, xuyên qua những “dải lụa” hoa, vươn cao vút lên bầu trời… Còn giờ đây, đứng trước một trong những công trình tạo ra điện năng lượng lớn nhất quốc gia nằm ngay trên bờ biển của đất nước mình, tôi thật sự cảm nhận được một vẻ đẹp kỳ vỹ không kém với những gì đã nhìn thấy ở xứ sở châu Âu.
Cánh đồng năng lượng hình thành, tạo nên một điểm hẹn du lịch mới mời gọi khách đến với Bạc Liêu. Từ bao lâu nay, ai về vùng đất này cũng thường tìm đến và ghé qua ngôi nhà xưa của chàng trai nhà giàu hay chơi ngông được mệnh danh “Công tử Bạc Liêu” để thỏa mãn sự hiếu kỳ. Rồi phần lớn khách thập phương, kể cả người Việt định cư ở nước ngoài khi về thăm quê hương, vẫn chịu khó ít nhất một lần vượt chặng đường xa, đến với những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như khu Quán âm Phật đài - nơi hàng ngàn tăng ni phật tử từ mọi nơi đến viếng và dâng hương trước tượng Bồ tát Quán thế Âm cao 11m đứng uy nghi giữa đất trời mỗi mùa lễ hội. Còn với những ai muốn có được khoảnh khắc để trầm mặc với kiến trúc cổ xưa thì chùa Xiêm Cán là nơi dừng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo của các tòa tháp, biểu tượng đặc trưng của phong cách chùa Khmer đẹp và tiêu biểu của miền Tây Nam bộ.
Với điểm hẹn mới trên cánh đồng điện gió, người Sài Gòn hay thích lang thang đó đây như tôi thật sự bị mê hoặc giữa một không gian biển dịu êm trước hoàng hôn. Loanh quanh trên những con đường bê-tông tạo nên những cây cầu nối giữa các tua-bin, bạn sẽ tha hồ ngắm biển, ngắm hoàng hôn phủ xuống trên bãi bùn khi nước triều rút xuống. Dù không có những bãi cát vàng, dù không phải là mặt nước trong vắt và xanh thẳm như những bờ biển đẹp nổi tiếng khác của Việt Nam, nhưng biển Bạc Liêu đã có nét độc đáo của riêng mình khi ôm trong lòng cả một công trình điện năng lớn, làm nên một vẻ đẹp rất lạ cho biển Đông thuộc vùng đất gần cuối trời Nam Tổ quốc.
Tôi trở lại Sài Gòn với một niềm thích thú sau buổi chiều lạc lối giữa cánh đồng điện gió để có được loạt ảnh yêu thích. Tạm biệt những cánh quạt khổng lồ mỗi ngày quay đều trong gió biển. Sẽ có một ngày trở lại để nhìn thấy biển Bạc Liêu rộng hơn, đẹp hơn với những công trình điện năng mới.
Theo Bạc Liêu