Chùa Tuyên Linh: Nơi lưu dấu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

17/05/2017 16:34

Theo dõi trên

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc đời hoạt động, nhất là giai đoạn về sau, gắn liền với nhiều địa phương ở Nam Bộ như: Bình Dương, Sài Gòn, Bến Tre, Đồng Tháp… Cụ Phó bảng khi đặt chân đến Bến Tre đã để lại dấu ấn tại chùa Tuyên Linh (nay thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam).



Một tiết mục hát múa về Bác do Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn. Ảnh: A. Nguyệt

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc đời hoạt động, nhất là giai đoạn về sau, gắn liền với nhiều địa phương ở Nam Bộ như: Bình Dương, Sài Gòn, Bến Tre, Đồng Tháp… Cụ Phó bảng khi đặt chân đến Bến Tre đã để lại dấu ấn tại chùa Tuyên Linh (nay thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam).

Chùa Tuyên Linh - lịch sử và hiện trạng

Chùa Tuyên Linh được xây dựng từ năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức thứ 14, phía trước là rạch Tân Hương. Con rạch này dài khoảng 10km, nối thông hai đầu là sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Vị trí của chùa nằm cách chợ Tân Hương 800m, rất thuận tiện cho giao thông cả thủy lẫn bộ. Ban đầu chùa có tên là Tiên Linh, ý gọi cô Sầm - người bị cọp vồ là Tiên, không dám gọi là Tinh, để hàm ý ngôi chùa mang tên cô gái linh thiêng. Qua lời kể của Hòa thượng Thích Giác Mãn, trụ trì chùa Tuyên Linh, được biết người đầu tiên đứng ra lập chùa là anh em ông Chánh bái Nguyễn Duy Đảnh và Nguyễn Duy Trới. Sau khi lập chùa, hai ông sang huyện Ba Tri rước nhà sư Khánh Phong (hiện không rõ tông tích) về tu ở chùa. Vì có công thành lập chùa nên ông Nguyễn Duy Đảnh được làm hộ tự cho đến năm 1904 thì qua đời, con của ông là Nguyễn Duy Quý lên thay.

Năm 1905, Hòa thượng Khánh Phong viên tịch, hai năm sau đó, ông Quý cùng bổn đạo quyết định tiếp tục sang huyện Ba Tri để tìm người về trụ trì ở chùa. Ông đến chùa Khải Tường (thị trấn Ba Tri, giáp ranh với xã Phú Lễ) tìm Hòa thượng Chơn Tánh nhờ giúp đỡ. Trong số các môn đồ của mình, Hòa thượng Chơn Tánh chỉ chọn sư Khánh Hòa vì thấy có khả năng đảm trách. Sư Khánh Hòa về trụ trì tại chùa Tuyên Linh vào năm 1907. Hòa thượng Khánh Hòa, trong thời gian làm trụ trì chùa Tuyên Linh, rất được người dân địa phương kính trọng. Đến năm 1947, Hòa thượng viên tịch; sau đó, tăng chúng trong chùa suy cử đệ tử út của ngài là Thích Thanh Nghiêm làm trụ trì.




Chính điện chùa Tuyên Linh.

Năm 1964, chùa bị bom tàn phá hoàn toàn, nên chư tăng phải di tản về chùa Phước Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam) do Hòa thượng Thích Niệm Nghĩa làm trụ trì, cách chùa cũ khoảng 10km. Lúc này, nơi đây vẫn còn là vùng giải phóng sau phong trào Đồng khởi nên khá an toàn. Mặt khác, trong tông môn lại tiến cử thầy Hiển Thông (thế danh Ba Xã) về chùa Tuyên Linh lập một cái cốc nhỏ để tu tập, nhằm duy trì mạng mạch cho chốn tổ trong thời điểm chiến tranh ngày một khốc liệt ở vùng đất Bến Tre.

Những năm đầu sau 1975, chùa Tuyên Linh chỉ còn là một khu đất hoang tàn, trên nền chùa chỉ có vài am, cốc nhỏ. Năm 1983, Ni sư Diệu Ninh, vốn là đệ tử của Tổ Khánh Hòa, đứng ra vận động phật tử đóng góp tiền và giao cho ông Chơn Huệ về cất lại chùa Tuyên Linh nhưng chùa vẫn còn khá đơn sơ. Ngày 30-7-1994, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận chùa Tuyên Linh là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2001, chùa tiếp tục được trùng tu để có diện mạo khang trang như ngày hôm nay.

Lưu dấu cuộc hội ngộ

Hòa thượng Thích Khánh Hòa (1877-1947) tên thật là Lê Khánh Hòa, pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, vốn là người làng Phú Lễ, huyện Ba Tri. Năm 1895, ông xuất gia cầu đạo tại chùa Long Phước (xã An Đức, huyện Ba Tri). Với tấm lòng quyết chí cầu đạo và chuyên tu, ông sớm được các bậc cao tăng ở nhiều nơi quý mến và tên tuổi vang xa. Trước tình hình Phật giáo ngày một suy, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với nhiều vị cao tăng đương thời như: Khánh Anh, Thiện Chiếu… quyết tâm chỉnh đốn tình hình sao cho đúng theo chánh pháp của đức Phật, đào tạo nhiều tăng tài để phục vụ, cần mẫn dịch kinh ra chữ quốc ngữ để phổ biến cho quần chúng.

Theo Hòa thượng Thích Giác Mãn - Trụ trì chùa Tuyên Linh, vào năm 1917, Tổ Khánh Hòa có mở trường Hương vừa dạy kinh vừa dạy chữ Hán cho tăng ni và phật tử tại chùa. Năm 1920, Tổ sư có tiếp đón một vị khách ngoài Bắc vào đi cùng với ông Vũ Hoành. Tăng chúng trong chùa không biết vị khách đó là ai, nhưng được ngài Khánh Hòa tiếp đãi rất trọng thị, sau này mới biết đó là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trong thời gian lưu lại chùa, cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hòa thượng Khánh Hòa rất hợp ý, trở thành tâm giao. Về sau, cụ Nguyễn Sinh Sắc trở thành thầy dạy chữ Hán cho lớp học do Tổ Khánh Hòa tổ chức. Ngoài ra, cụ Phó bảng còn bắt mạch, kê toa chữa bệnh cho dân nghèo ngay tại chùa.

Đến năm 1927, được dân chúng cho biết bọn quan chức trong làng đã nghi ngờ trong chùa Tuyên Linh có người lạ mặt đang ẩn náu, Tổ Khánh Hòa bèn mướn ghe bầu, nửa đêm đưa cụ Nguyễn Sinh Sắc đi theo rạch Tân Hương ra sông Cổ Chiên để về Cao Lãnh. Cùng đi với cụ Phó bảng còn có ba người nữa là Trần Văn Thoàn, Nguyễn Duy Hòa, Đoàn Văn Ngưu. Sau khi rời khỏi chùa Tuyên Linh, cụ Sắc ở lại Cao Lãnh cho đến khi qua đời vào năm 1929.

Một tài liệu khác cho biết thêm: Trước khi chia tay với Hòa thượng Khánh Hòa, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tặng cho Tổ một câu đối, khi ghép 2 chữ đầu của mỗi câu lại thành pháp danh của ngài là Thích Như Trí:


Như thị như lai, xuất thế khai thông, hướng dẫn mê đồ quy Phật giới

Trí vi trí giả, hiện thân thuyết pháp, hô hào trí thức thượng thiên lai

Ngoài ra, cụ Phó bảng còn tặng cho chùa Tuyên Linh một câu đối, khi ghép hai chữ đầu của mỗi câu thành tên Tiên Linh:

Tiên tức Phật, Phật tức Tâm, bát vạn trần lao đô tĩnh tận

Linh như hư, hư như giác, tam thiên thế giới tổng bao hàm

Sự gặp gỡ giữa Tổ Khánh Hòa và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Tuyên Linh mang nhiều giá trị và có ý nghĩa lớn. Đó là sự tâm giao giữa hai bậc trí thức ưu thời mẫn thế trong cảnh nước mất nhà tan, sự gặp gỡ giữa hai con người đang nung nấu nhiều nhiệt huyết nhằm đóng góp cho quê hương đất nước đang bị kẻ thù cai trị và đạo pháp trong buổi suy tàn, sự tương thông giữa một nhà sư uyên thâm Phật pháp và một nhà nho từng đỗ đạt khoa bảng. Mặt khác, trong suốt thời gian cụ Phó bảng hoạt động ở Nam Bộ, có nhiều ngôi chùa là nơi được cụ chọn tá túc như: chùa Hội Khánh (Bình Dương), chùa Linh Sơn (TP. Hồ Chí Minh), chùa Tuyên Linh (Bến Tre), chùa Hòa Long (Đồng Tháp)… Tại những chùa này, cụ còn tham gia bốc thuốc chữa bệnh cứu người, thực hành nếp sống thiền môn, nghiên cứu và giảng dạy kinh Phật, chữ Hán cho tăng ni và hết lòng giúp sức cho phong trào chấn hưng Phật giáo đang lan rộng ở miền Nam thời bấy giờ. Cho nên, cụ được các bậc cao tăng đương thời như Hòa thượng Từ Văn, Hòa thượng Khánh Hòa… cũng như nhiều tầng lớp nhân dân hết sức kính trọng, quý mến.

Những dấu ấn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Tuyên Linh rất có ý nghĩa, góp phần làm sáng tỏ về cuộc đời của một nhà nho yêu nước, người đã trao truyền lý tưởng cao đẹp của mình cho người con trai mà sau này trở thành nhà hoạt động cách mạng, người anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh. Có lẽ đây là một nét nổi bật trong cuộc đời hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên vùng đất Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng.


Hữu Nghĩa

Nguồn: Báo Đồng Khởi
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Tuyên Linh: Nơi lưu dấu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.