Thanh Chương

Chùa Nam Nhã – Nét đẹp giữa miền Tây sông nước

07/10/2016 15:48

Theo dõi trên

Nằm cách trung tâm thành phố 5km về phía Bắc trong một khuôn viên rộng lớn. Qua thời gian, chùa hiện nay đã không còn vẻ tráng lệ như xưa, nhưng là một trong số ít các công trình kiến trúc cổ có giá trị còn khá nguyên vẹn.

Chùa Nam Nhã tọa lạc trong một khuôn viên khá rộng, và có nhiều cây xanh. Sân chùa lát gạch tàu, được bao quanh bởi một khu vườn lớn trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy.

Giữa vườn là hòn non bộ cao trên 2 m được đặt trong một bồn nước xây bằng gạch. Trong vườn trồng nhiều cây tùng, cây trắc bá diệp và các cây cổ thụ khác. Đan xen dưới những gốc cây này là những cây kiểng quý giá, nhiều tuổi, được cắt uốn rất công phu.




Ảnh: Cinet.vn

 
Chánh điện là một ngôi nhà gạch kiên cố, gồm 5 gian, lợp ngói âm dương, trên có hình lưỡng long tranh châu. Đặc biệt, mặt tiền chánh điện có kiểu kiến trúc Á - Âu kết hợp hồi đầu thế kỷ 20, và khá khác với kiểu chùa truyền thống ở Nam Bộ.

Bên trong chánh điện, ở khu trung tâm được bày trí rất trang trọng dùng làm nơi đặt bàn thờ bàn thờ Tam giáo Thánh nhân (có ba pho tượng thờ bằng đồng là Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử và Đức Lão Tử); Đối diện với bàn thờ Tam giáo là nơi thờ Trấn đàn Hộ pháp Bùi Huệ Đức và nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa; 2 bên có bàn thờ Lịch Đại Tổ Sư, Quan Thánh Đế Quân, và người sáng lập chùa là Thái Lão Sư Nguyễn Đạo Cơ; cùng bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Hai bên tiền điện có 2 bàn hương án đặt bài vị của các nhà sư trụ trì và các vị tiền bối trong Đạo.

Sau chính điện là một hành lang dài có hai căn phòng tiếp khách. Bên phải và bên trái chùa là 2 dãy nhà lợp ngói gọi là Càn Đạo Đường (dãy nhà Đông Lang) dùng cho nam giới và Khôn Đạo Đường (dãy nhà Tây Lang) dùng cho nữ giới ăn thông với nhà bếp. Và sau chùa là cả một vườn cây ăn trái...

Chùa duy trì lối sống giản dị, chủ trương ăn chay, không mặc nâu sồng, mặc áo miễn là trang nghiêm và kín đáo. Chùa chỉ có một cái chuông để thỉnh báo cho thiện nam tín nữ trước khi lễ. Trang phục của nam nữ tín đồ chùa Nam Nhã từ Phật tử cho đến các bậc Lão Sư, Cô Thái chỉ toàn là màu đen, từ khăn áo cho đến quần và dép cũng đen.

Chùa Nam Nhã không chỉ có vẻ đẹp của kiến trúc thanh nhã, khung cảnh tĩnh mịch giúp thân tâm an lạc mà ở đây còn là nơi gắn liền với nhiều hoạt động yêu nước của một số sĩ phu và người dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.


L.L (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chùa Nam Nhã – Nét đẹp giữa miền Tây sông nước" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.