Thanh Chương

Chưa đến Long Sơn là chưa đến Bà Rịa - Vũng Tàu

11/10/2016 14:54

Theo dõi trên

Long Sơn là xã đảo của thành phố Vũng Tàu,nơi đây người dân sống chủ yếu bằng nghề đi biển và nuôi trồng thủy sản, những năm gần đây ở Long Sơn xuất hiện các quán ăn hải sản ngay trên khu vực nuôi trồng. Cũng có lẽ do hải sản ở đây tươi ngon, giá cả lại vừa phải và ở nơi cách xa sự ồn ào náo nhiệt nên du khách đi Vũng Tàu thường ghé vào đây thưởng thức hải sản, dần dà trở nên nổi tiếng, đến nay nếu ai chưa đến thăm long sơn thì coi như chưa đến Vũng Tàu.



Du lich teambuilding đảo Long Sơn Vũng Tàu 2

 

 
Khi còn cách thành phố Bà Rịa khoảng 8km, từ thành phố Hồ Chí Minh về Vũng Tàu, bạn  hãy rẽ vào ngã ba Long Sơn, đi chừng 4km, sẽ đến xã đảo Long Sơn. Nơi đây nổi tiếng về nghề nuôi hàu, nuôi cá lồng bè và hiện là địa điểm thưởng thức hải sản hấp dẫn với giá mềm hơn nhiều so với nhiều nơi khác. Xã đảo Long Sơn lâu nay nổi tiếng bởi nét đẹp thiên nhiên, người dân Long Sơn cũng rất đỗi hiền hòa, hiếu khách, sống chủ yếu bằng nghề đi biển, nuôi hải sản, làm muối. Long Sơn có diện tích 92 km², trong đó có đến 54 km² là đất liền, còn lại là đất mặn. Xã được bao bọc bởi kênh rạch, sông biển. Xã Long Sơn gồm một đảo chính nằm men theo triền của núi Nứa, đoạn cuối của dãy núi Phước Hòa đâm ra biển và đảo nhỏ là đảo Gò Găng. Tại đây có Nhà Lớn của ông Trần rất được nhiều người lui tới viếng thăm nhất là vào dịp lễ Trùng Cửu 9/9 âm lịch hằng năm.


 
Đến Long Sơn trước khi thỏa mãn thú ẩm thực, du khách sẽ được đi tham quan các nhà bè nuôi hải sản của chính những chủ nhân các quán du khách ghé. Nhà bè được kết cấu gồm 2 phần, phần nổi dùng để ở, sinh hoạt và mở quán. Phần chìm dùng để nuôi cá. Ngoài ra còn có các bè lộ thiên để nuôi các loại hải sản khác…Nhà bè được chia thành nhiều ô với lối đi lát gỗ, mỗi ô là một lồng nuôi cá bớp, cá chẻm, cá mú… quẫy nước đòi ăn văng tung tóe, cẩn thận kẻo ướt quần áo, máy chụp hình. Các bè nuôi hàu được buộc vào nhau, nổi trên mặt nước nhờ những thùng phuy nhựa, phía trên đầy ắp giàn cây treo những tấm tôn. Bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy những con hàu bám chặt vào các tấm tôn, to cỡ con sò điệp... Tận mắt nhìn thấy các loại hải sản và lúc này tùy vào nhu cầu cũng như ví tiền của mình, bạn chỉ việc chỉ vào con cá, con tôm hay con ốc.., thỏa thuận giá cả là xong, yên tâm vào bàn ngồi để chuẩn bị thưởng thức. Loáng một cái, người phục vụ đã cầm vợt ra tay bắt ngay những chú cá cớ hơn ký giãy đành đạch đưa lên cân và cũng chỉ sau khoảng 15 phút trước mắt bạn đã có ngay một món cá nóng hổi, thơm lừng. Còn gì thú vị hơn khi buổi chiều tà gió biển thổi mát rượi, phảng phất mùi thơm thơm của cá tôm nướng, của các loại rau ghém, cùng hương vị đậm đà tỏa ra từ chung rượu trắng…mỏi mệt tan biến, cảm giác thụ hưởng lâng lâng làm ta quên hết mệt mỏi và thêm yêu đời…


 
Ra làng bè Long Sơn
 
Hải sản ở đảo Long Sơn không chỉ tươi sống, thịt chắc mà còn có hương vị riêng, ngọt thơm hơn hẳn những nơi khác, có lẽ nhờ được tự nhiên ưu đãi về vùng nước, khí hậu. Hải sản được chế biến theo nhiều hình thức như: nướng, hấp sả, tái chanh, tái mù tạt, sốt me… Các loại cá, ghẹ, tôm, cua hay ốc móng tay được làm thành nhiều món đặc sắc như cá nâu nướng muối ớt, ghẹ nướng, cua rang me, lẩu canh chua cá dứa, cá tráp hấp hành, ốc móng tay nướng mỡ hành…Tuy nhiên để giữ nguyên hương vị của hải sản tươi sống, ăn tái hoặc hấp là hai cách thường được chọn lựa. Sò huyết mập, chỉ cần nướng sơ trên bếp than hoặc nhúng vào nồi nước sôi cho vừa chín tới để giữ được trọn vẹn vị ngọt đậm đà. Đặc sản trứ danh không thể không nhắc chính là hàu. Hàu ở đây luôn tươi, thịt ngọt, đa phần khách chọn ăn sống chấm mù tạt, ngon nhất là loại hàu sữa mập ú, được lấy khỏi vỏ nặm chút chanh rồi chấm với mù tạt, dầu hào kèm mấy lá rau thơm, nhấp chút rượu tắng thì thôi rồi, đã đời một chuyến đi biển. Cũng con hàu đó sẽ được chế biến thành hàu nướng phô mai béo ngậy. Ngoài ra, món “ruột” ở Long Sơn còn là con vọp, hình dáng tương tự nghêu nhưng lớn gấp ba, thường được chế biến thành món vọp nướng mỡ hành hấp dẫn, đễ ăn. Đa phần những người đến Long Sơn đầu mong được thưởng thức những món hải sản tươi sống, chế biến theo cách dân dã, đậm đà mà vẫn giữ nguyên hương vị của biển. Để có một bữa hải sản đẫm đà cả về số lượng cũng như chất lượng ở Long Sơn, bạn chỉ cần chi khoảng trên dưới 200 nghìn đồng cho một người với khoảng 5 đến 6 người đi cùng…


Nhà Lớn Long Sơn

Đến Long Sơn không chỉ thưởng thức hải sản tươi ngon có một không hai, bạn còn có thể ghé tham quan kiến trúc đặc sắc của khu nhà Lớn độc đáo do ông Lê Văn Mưu, người Hà Tiên  dân trong vùng gọi là ông Trần xây dựng từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành. Câu chuyện về ông Trần và khu nhà Lớn được lưu lại như sau: Năm 1900, ông Trần cùng khoảng 20 người trong gia tộc đi bằng thuyền buồm dừng chân ở chợ bến Long Điền. Sau khi nhận thấy phía Nam đảo núi Nứa (Long Sơn) chưa có người khai phá, ông bèn chọn nơi này mở đất lập nghiệp và truyền đạo. Đạo của ông Trần tập trung giáo dục con người theo Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín. Khoảng năm 1909, ông Trần đề  xuất với nhà cầm quyền Pháp ở Bà Rịa cho lập ra nhà thờ Khổng Tử để làm nơi thờ cúng cho người dân ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Đề nghị của ông được chấp thuận, năm 1910, ông Trần cho xây dựng Nhà Thánh để thờ Khổng Tử, đây là khu chính điện. Sau đó, ông tiếp tục xây dựng Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật, và sửa lại Nhà Hậu vốn có từ trước cho rộng lớn và khang trang hơn. Năm 1927, Ông Trần lại cho cất thêm Lầu Cấm (làm tiền điện), hai ngôi nhà khách, cổng tam quan, khu vườn hoa, hai cổng ra vào khu vực thờ cúng. Năm 1928, ông cho dựng tiếp Lầu Dài, phần dưới để trống làm nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng, lễ bái; tầng trên bày các bàn thờ. Những năm tiếp theo, ông Trần cho xây cất 5 dãy phố cho dân cư ngụ khi mới đến lập nghiệp trong vùng. Ở đây còn có nhà Long Sơn hội (nơi hội họp), trường học dạy chữ quốc ngữ cho trẻ, nhà chợ, khánh thành năm 1929; nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, nhiều hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt, v.v… Vì những công trình do ông Trần tổ chức xây dựng đều nằm chung một khu vực nên nhân dân quen gọi đó là Nhà Lớn. Sau khi ông Trần qua đời và được đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn thì khu di tích này lại có thêm một tên gọi nữa là Đền ông Trần. Ngày 20/2 âm lịch hàng năm và ngày Tết Trùng cửu 9/9 âm lịch tại đây tổ chức lễ hội long trọng, thu hút hàng vạn người đến chiêm bái tạo nên khung cảnh đông đúc vui tươi cho cả vùng.

(Theo Báo Du Lịch)                                                        

Bích Trâm
Bạn đang đọc bài viết "Chưa đến Long Sơn là chưa đến Bà Rịa - Vũng Tàu" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.