Phong phú các mặt hàng nông sản
“Phiên chợ 5 nghìn”
Trước đây, nhiều vùng cao như ở Yên Bái được biết đến như nơi “thâm sơn cùng cốc” thì nay quốc lộ 32 được đầu tư nâng cấp, là con đường huyết mạch quan trọng về giao thương.
Ven theo quốc lộ 32C từ thành phố Yên Bái đi vào thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi bắt gặp một phiên chợ đa phần là người dân đồng bào Mông, Dao, Tày tụ họp. Chợ có cái tên khá lạ: “Chợ 5 nghìn”. Sở dĩ có cái tên như vậy là vì những sản phẩm ở đây là hàng 1 giá. Từ củ gừng, mớ rau cải, quả bí ngô cho đến cái bánh chưng hay thang thuốc Hồng Rừng đều chỉ được bán ra với giá 5000 đồng. Bà Vàng Sáy Sơ, người dân tộc Mông ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đã bán ở chợ cách đây 15 năm cho biết: Vì chợ của huyện Văn Chấn quá xa nên khi trên đường xuống chợ, đến đường quốc lộ, họ đã bán hàng ngay cho những người qua đường và cũng vì có thói quen đổi bằng “hiện vật” sang ngang, nhưng nhiều nông sản phải tính ra tiền mặt mới đổi được nên mệnh giá 5 nghìn được người dân vẫn hay dùng làm một giá duy nhất cho dễ tính. Nhiều du khách đi qua đã dừng chân ở khu chợ này để khám phá vì tò mò và kết hợp mua sản phẩm địa phương về làm quà.
Mặc dù có sự khác biệt so với những chợ vùng cao khác, nhưng “chợ một giá” tại Suối Bu vẫn là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn. Hơn thế nữa, những sản phẩm đó còn phản ánh hơi thở cuộc sống và là hình ảnh thu nhỏ về đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc vùng cao huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Chợ cho mọi người…
Tiếp tục đi ngược quốc lộ 32 chúng tôi gặp rất nhiều chợ, với đủ các loại mặt hàng nhưng chủ yếu vẫn là các mặt hàng nông sản. Điều mà chúng tôi quan sát được đó là ở những khu chợ trung tâm như chợ Ba Khe, chợ Mường Lò… có rất nhiều đồng bào dân tộc Thái với phong tục ăn theo nước, định cư ven các con suối lớn nơi hình thành các khu vực dân cư thị trấn thị xã nên họ tiếp cận và tham gia mua bán kinh doanh nhiều nhất. Bà Lò Thị Èn, 86 tuổi, dân tộc Thái cho biết: Trước đây, cả tháng mới có một phiên chợ. Những nhà xa chợ, mọi người dậy sớm từ tinh mơ gùi hàng, dắt ngựa, đốt đuốc náo nức như đi dự hội. Những nhà quá xa ngủ nhờ nhà bạn từ chiều hôm trước. Bây giờ chợ có ở nhiều nơi nên không phải chờ đến phiên mới được đi chợ nữa.
Đến chợ Mù Cang Chải, chúng tôi gặp các phiên chợ của người Mông, những khu chợ này cũng có nét đặc trưng dễ nhận thấy là chủ yếu bán trâu, bò, lợn giống.
Dân tộc Mông ở Tây Bắc có câu nói: “Chia cho nhau về làm giống” vì họ đến chợ chủ yếu là mua trâu, lợn, gà hoặc hạt giống. Người vùng cao vốn chân thật, hào sảng, một lời nói ra như “dao chém đá”, ưng cái bụng thì bán, thậm chí cho không, không nói thách, không mặc cả, khi không ưng thì dù trả đắt mấy cũng không bán. Người bán được hàng cũng thấy nhẹ nhõm vì ngoài giá trị vật chất được đánh giá đúng mức, thì vẫn ẩn chứa cái tình, cái nghĩa, san sẻ giúp nhau trong cuộc sống.
Một trong những cái thú khi đi chợ là ngoài mua sắm những vật dụng cần thiết là được cùng nhau thưởng thức những món ăn ưa thích. Phụ nữ thường rủ nhau ăn phở, ăn kem, dù đã mang theo cơm nắm. Còn cánh đàn ông lại rất ưa thích món thắng cố, họ cùng nhau nâng chén chúc cho tình bạn bền chặt, có khi mải vui say ngả nghiêng cả đất trời, những người vợ Mông nhẫn nại đứng che ô cho chồng. Tan chợ có người quá chén được đặt nằm vắt ngang trên lưng ngựa, người vợ đi sau tay cầm đuôi ngựa vượt dốc.
Đồng bào dân tộc Mông đi chợ mua bán nhàng thổ cẩm
Văn hóa chợ vùng cao có phai nhạt bản sắc?
Đời sống ngày càng phát triển, giao thông đi lại thuận tiện, những phiên chợ vùng cao Tây Bắc truyền thống dần thưa thớt bởi chợ giờ đây đã được xây dựng khang trang hiện đại. Đất ở chợ vùng cao đều được tận dụng hết để xây ki ốt, cửa hàng. Hình ảnh những con ngựa đứng lâu dậm chân, lồng hý vang một vùng thung lũng ngóng đợi chủ gặp gỡ, tâm tình gái bản bên, hay đang ngồi bên chén rượu, thưởng thức các món ăn trong chợ ở nhiều nơi đã trở thành quá khứ. Người vùng cao bây giờ đi chợ, ngoài việc bán con gà, mớ rau để có tiền mua mắm muối cũng đã biết mua đi bán lại những sản phẩm theo thị trường mong “ăn” chênh lệch về giá cả.
Bây giờ, khi có dịp đến các chợ của người vùng cao Tây Bắc, du khách lại sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chàng trai cô gái Mông, Thái ngồi trên xe Win, đầu đội mũ bảo hiểm, tay cầm di động phóng băng băng không theo luật lệ nào. Chợ vùng cao bây giờ khác xưa nhiều lắm, những sản vật từ chai mật ong, gạo nếp Tú Lệ đến cây dược liệu chữa bệnh đều có thể là “không thật”.
Có lẽ “văn hóa” mua - bán đã bị ảnh hưởng của cơn lốc thị trường? Người cầu toàn thì hơi thất vọng nhưng còn nhiều người có cái nhìn khách quan, thực tế hơn thì vẫn mong và tin rằng, nét đẹp văn hóa chợ vùng cao sẽ vẫn được các địa phương duy trì trong bối cảnh đời sống kinh tế- xã hội phát triển mạnh mẽ hôm nay.
Nguyễn Nhật Thanh
(baodulich.net.vn)