Chợ nổi miền Tây. Nguồn: Internet
Với mạng lưới sông rạch chẳng chịt (kéo dài trên 54.000 km) Miền Tây có những con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi, có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông. Cũng chính vì thế, nơi đây đã sản sinh ra một nét văn hoá đặc trưng miền sông nước, đó là chợ nổi.
Chợ nổi nhóm họp cả ngày nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mát, sương giăng bảng lảng mặt sông và nắng hãy còn dìu dịu. Đi chợ nổi phải đi thật sớm. Bởi khi mặt trời lên cao, bắt đầu nắng gắt, là chợ vãn khách rồi. Còn gì thư thái và thoải mái hơn khi giữa tinh sương ngày mới được dập dềnh trên chiếc xuồng ba lá len lỏi giữa chợ họp trên sông đông vui, tấp nập, căng lồng ngực hít không khí trong lành của gió mang hương cây trái và sông nước miền Nam.
Nhiều người lần đầu tiên đến chợ nổi sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy trên mỗi chiếc ghe có cắm một cây sào cao. Bằng sự cởi mở, nồng hậu, các thương hồ sẽ cho bạn biết đó là “cây bẹo”. Người thương lái cứ thế gác trên cây bẹo hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Người mua chỉ việc rẽ nước, xuôi thuyền, lựa chọn hàng hóa cần mua.
Không ồn ào, vồn vã, không níu kéo, mời rao nhưng “bẹo hàng” lại có sức thu hút mạnh mẽ bởi cả một bến sông dài như được khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của muôn vàn cây trái, hoa quả. Đặc biệt nhất là hình thức “bẹo lá bán ghe”, nếu gặp chiếc ghe “bẹo” một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy.
Là một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ, Cái Răng tấp nập người mua kẻ bán cùng hàng trăm thuyền, ghe lớn bé đậu san sát ngay từ sáng sớm. Ngày thường, chợ họp từ 3h sáng đến 9h, đến cận Tết chợ họp gần như suốt ngày.
Được hình thành từ thế kỉ thứ 18, chợ nổi Cái Bè là nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Ngoài cảnh ghe thuyền đi lại như mắc cửi, chợ nổi lâu đời bậc nhất Tiền Giang này còn thu hút du khách bởi bức tranh thủy mặc của thị trấn với những khu vườn nối tiếp vườn, những dãy phố nằm dọc bờ sông, lúc ẩn lúc hiện dưới hàng dừa nước, khung cảnh đặc trưng miền Tây. Ở đây có nhiều sản vật phong phú, đa dạng từ trái cây tới gia cầm, thủy hải sản, thậm chí cả đồ gia dụng, vải vóc. Đặc sản nơi đây có quít đường, kẹo dừa hoặc độc đáo hơn là xà bông từ dừa. Đi Cái Bè, người đi chợ còn phải đi sơm hơn vì chợ họp từ 2h tới 8h.
Chợ nổi Phụng Hiệp, hay còn gọi là chợ Ngã Bảy – nơi 7 tuyến sông gặp nhau, là chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang. Chợ cách thành phố Vị Thanh, Hậu Giang 75km và trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 30km về phía Nam.
Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp, nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn. Trong tương lai có thể có thêm nhiều tàu thuyền buôn được trang bị hiện đại hơn, to đẹp hơn, nhưng chắc chắn vẫn là phương tiện không thể thiếu được ở các chợ nổi, nét văn hóa độc đáo ở vùng sông nước Miền Tây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.