Chiếu mới Long Cang

23/11/2018 09:54

Theo dõi trên

Long Cang nổi tiếng là vùng đất của nghề dệt chiếu ở huyện Cần Ðước, tỉnh Long An. Như bao nghề truyền thống khác, không ai biết rõ nghề dệt chiếu Long Cang có từ khi nào. Chỉ biết rằng nghề đã gắn bó với người dân miền Hạ từ bao đời nay với không ít thăng trầm.

 
Người dân thu hoạch lác để làm chiếu. Ảnh: KIỀU OANH

Ghé xã Long Cang vào một ngày đầu hè. Nắng hào phóng bung đầy trên con đường dẫn vào ấp 3 vừa mới được tráng nhựa.
 
Ghé vào quán nước nhỏ nghỉ chân, chúng tôi tò mò hỏi chủ quán về nghề dệt chiếu nơi đây. Chị chủ quán tên Vân mỉm cười, lắc đầu: “Giờ ít người làm lắm.
 
Người ta đi làm công nhân hết rồi. Ðất trồng lác (cói) nhường làm khu công nghiệp cho nên nhiều hộ cũng bỏ nghề dệt chiếu”.

Chị Vân kể, ngày xưa hầu như nhà nào trong ấp cũng dệt chiếu. Mới 7 tuổi, chị đã biết phụ mẹ dệt chiếu, theo cha ra đồng cắt lác…. “Căn nhà này có được cũng nhờ dệt chiếu.
 
Nhưng hơn 5 năm nay, khi đất trồng lác nằm trong khu quy hoạch xây khu công nghiệp, gia đình tôi không còn dệt chiếu nữa mà chuyển qua làm công nhân, rồi buôn bán nhỏ”, chị Vân chia sẻ.
 
Theo lời chị Vân, ở xã Long Cang giờ chỉ có ấp 1 và ấp 2 là còn nhiều hộ giữ nghề dệt chiếu. Hộ có điều kiện thì sắm máy dệt, một số người điều kiện kinh tế eo hẹp hơn thì vẫn dệt chiếu thủ công như thời xa xưa.
 
Xóm Ðình, thuộc ấp 1, xã Long Cang, hiện vẫn còn nhiều hộ gắn bó với nghề dệt chiếu. Theo con đường đan khá rộng, chẳng cần phải đi xa, chúng tôi đã thấy những tấm chiếu vừa dệt xong được người dân trải ra phơi ở hai bên đường.
 
Mùi lác lẫn vào mùi nắng phảng phất trong không gian yên ắng buổi trưa hè. Có tiếng máy dệt đâu đó vẳng lên.
 
Chúng tôi dừng xe trước nhà ông Lê Văn Ðiều, khi vợ chồng ông đang miệt mài dệt tấm chiếu cuối cùng trong ngày.
 
Ông Ðiều trò chuyện, tay vẫn nhịp nhàng điều khiển khung dạo: “Nghề dệt chiếu ở Long Cang có từ xa xưa. Cứ người đi trước dạy người đi sau mà tồn tại tới bây giờ”.
 
Cả cuộc đời vợ chồng ông Ðiều chỉ gắn với nghề dệt chiếu. Ngày xưa còn trẻ, hai ông bà dệt nhiều loại chiếu, từ chiếu trơn cho đến chiếu hoa.
 
Nay cả hai gần 80 tuổi cho nên chỉ còn dệt tay mỗi loại chiếu trơn 9 tấc. Bà Trần Thị Chép, vợ ông Ðiều kể, mấy năm trước, ông Ðiều định bỏ luôn nghề dệt chiếu đi trồng hoa màu.
 
Nhưng cuối cùng ông bà cũng quay lại cái nghề mà nhờ nó bốn người con của họ đã trưởng thành, ai cũng có công ăn việc làm. Giờ tuổi cao, mỗi ngày hai ông bà chỉ dệt hai đôi chiếu.
 
“Ngày nào cũng thế, gần 12 giờ là vợ chồng tôi dệt xong. Tôi đi dọn dẹp nhà cửa còn ổng thì ra sông đặt lờ kiếm vài con cá cho buổi cơm chiều”, bà Chép chia sẻ.
 
 
Dù tuổi đã cao, vợ chồng ông Lê Văn Ðiều vẫn gắn bó với nghề dệt chiếu.
 
Dường như chỉ có những người lớn tuổi mới còn dệt chiếu thủ công. Họ làm đều đặn như một thói quen đã được hình thành từ mấy chục năm qua. Gia đình ông Trần Văn Ðây cũng thế.
 
Hai vợ chồng ông năm nay đã 83 tuổi nhưng ngày nào cũng gắn bó bên khung dệt để cho ra ba đôi chiếu trơn. Ông Ðây cho biết, ngày xưa nhà nào ở xóm Ðình cũng theo nghề dệt.
 
Cả xóm rộn ràng tiếng khung dệt ngày đêm, chiếu dệt xong phơi kín hai bên đường, trên những hàng rào khiến ai vào xóm cũng hít được mùi thơm của từng chiếc chiếu mới.
 
Bà Lưu Thị Tiếp, vợ ông Ðây kể thêm, ngày xưa dệt chiếu cực lắm. Lác phơi khô phải chẻ ra chứ không để nguyên như bây giờ.
 
Khi đó chưa có sợi gân, phải dùng sợi trân (đay) tạo thành sợi dọc trên khung dệt. Sợi trân hay đứt cho nên người dệt rất vất vả.
 
Vùng chiếu Long Cang, Long Ðịnh từ xưa đã nổi tiếng với nghề dệt chiếu lảy. Những chiếc chiếu được lảy hình, lảy hoa văn, lảy chữ đầy mầu sắc thường được người dân dệt vào dịp Tết và dùng trong lễ cưới hỏi.
 
Bà Tiếp nhớ lại: “Ông nhà tôi có uy tín trong dòng họ, lối xóm, cho nên hay được mọi người mời đi khi có đám tiệc, sự việc gì quan trọng.
 
Biết đôi trẻ nào sắp cưới mà còn khó khăn là tôi tặng chiếu lảy làm quà mừng. Dù có vất vả vì dệt chiếu lảy cực gấp mấy lần chiếu thường nhưng nhìn mọi người vui vẻ, hạnh phúc là vợ chồng tôi cũng vui lây”.
 
Long Cang giờ đã trở mình để lên đô thị. Diện tích trồng lác hẹp dần từng năm. Người trẻ đi làm công nhân cho nên chỉ còn lại những người lớn tuổi âm thầm bên khung dệt.
 
Ông Lê Văn Ðiều cho biết, người con trai ông đang đi làm ăn xa cứ kêu hai vợ chồng ông bỏ nghề dệt chiếu đi. Nhưng bỏ sao được cái nghề đã gắn bó với hai ông bà cả đời. “Nhiều lúc bệnh, nghỉ dệt một ngày là đã thấy nhớ.
 
Cho nên hai vợ chồng lại dệt tiếp. Mỗi khi con trai gọi điện về, chúng tôi đành nói dóc với nó là bỏ rồi để cháu an tâm”, ông Ðiều chia sẻ.
 
Cô Ung Thị Kiếm ở xóm Bờ Xe (ấp 2), xã Long Cang cũng không thể “dứt” được cái nghề chẳng bao giờ mang lại sự giàu sang cho mình.
 
Biết dệt chiếu khi mới hơn 10 tuổi, cô gắn bó với nghề đã tròn 50 năm. “Ngày đó, nhà đông anh em tôi phải nghỉ học đi dệt chiếu để phụ giúp ba mẹ nuôi các em”, cô Kiếm cho biết.
 
Mấy chục năm qua, nghề dệt chiếu đã giúp cô vượt qua đói nghèo, có cuộc sống ổn định. Từ căn nhà lá ọp ẹp, cô dành dụm từ tiền bán chiếu hằng ngày để đến hơn nửa đời người, cô xây được cho mình căn nhà chắc chắn.
 
Không cần thuê mướn, cô Kiếm trồng lác trên đất nhà rồi tự cắt, tự chẻ, tự tay mình chuồi sợi, dệt chiếu từ ngày này qua ngày khác.
 
Cô chia sẻ thêm: “Tôi sống một mình cho nên mỗi ngày kiếm gần 100 nghìn cũng đủ trang trải. Dệt mệt thì nghỉ, khi nào khỏe dệt tiếp. Mình không phụ nghề, thì nghề cũng sẽ mang đến cho mình cuộc sống ổn định”.
 
 
Chị Phạm Thị Thanh Nhàn thôi không làm công nhân để giữ gìn nghề dệt chiếu.
 
Hiện nay, vẫn có những người trẻ ở đất Long Cang chọn nghề dệt chiếu. Từng làm công nhân, nhưng khi có gia đình, chị Nguyễn Thị Tố Quyên, 37 tuổi, ở ấp 1 đã quyết định thôi làm công nhân để trở lại với nghề truyền thống.
 
Khác ngày trước, chị không dệt thủ công mà dùng hết số tiền dành dụm có được để mua hai chiếc máy dệt. Mỗi ngày, chị Quyên dệt vài chục đôi chiếu với đủ loại cung cấp cho thương lái.
 
Không chỉ chị Quyên, chị Phạm Thị Thanh Nhàn ở xóm Ðình, cũng không thể bỏ nghề dệt chiếu được. Chị Nhàn dệt chiếu từ nhỏ, sau đó nghỉ dệt để cùng chị em trong xóm đi làm công nhân.
 
Nhưng nỗi nhớ tiếng khung dệt nhịp nhàng hằng đêm, nhớ những sợi lác thơm mùi nắng đã khiến chị quyết định quay lại nghề dệt chiếu của gia đình.
 
“Dù nghề không mang đến thu nhập cao, nhưng nếu chăm chỉ thì cũng giúp mình có cuộc sống ổn định. Nói chi, dệt chiếu cũng là nghề truyền thống của vùng đất Long Cang, mình là người con ở đây, bỏ nghề sao đặng”, chị Nhàn mỉm cười.
 
Chị Nhàn vừa dệt, vừa cho biết thêm, nghề dệt chiếu này đã đi vào thơ ca rồi đó. Bài ca cổ Ðôi chiếu Long Cang người dân ở đây ai ai cũng biết.
 
Nói rồi, chị Nhàn cất tiếng hò những câu đầu tiên trong bài ca quen thuộc ấy. Tiếng ca mộc mạc của chị hòa lẫn vào tiếng máy dệt nhịp nhàng, nhịp nhàng: “Hò... hơ... chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt/Bấy nhiêu tình em gửi hết vào đây/Chiếu hoa em dệt thật dày/Mong đây với đó... Hò... ơ... Mong đây với đó xuân này nên duyên…".
 
Chúng tôi tạm biệt chị Nhàn và mang theo câu hát ấy khi rời xã Long Cang với một niềm tin rằng, vùng đất ấy vẫn mãi thơm mùi chiếu mới.
 
Theo Nhân Dân

Bạn đang đọc bài viết "Chiếu mới Long Cang" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.