Ở đâu ta cũng thấy hiện diện của chiếc ô. Thuở ban đầu, đồng bào thường lấy những chiếc lá cây rừng khá to và dày để làm ô: “Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi”. Sau đó, người ta tự mình chế tác những chiếc ô từ những nguyên liệu sẵn có như vải thổ cẩm, tre, nứa. Cán ô là cây nứa thẳng nhỏ nhắn, nan ô là một phần trên của cán, làm từ những cật nứa để có thể gập vào xòe ra. Về sau, người ta mua những chiếc ô được bày bán ngoài chợ, cửa hàng về sử dụng. Những chiếc ô mới ngày càng được ưa chuộng vì nó có nhiều khích cỡ, kiểu dáng, màu sắc khác nhau, phù hợp với lứa tuổi và sở thích của từng người.

Chiếc ô - vật dụng để đồng bào Mông che mưa, tránh nắng. Ảnh: Phương Hoa
Khi đi rẫy, chiếc ô che mưa, che nắng, che cho em bé cùng mẹ lên nương. Khi đi chợ phiên hay tham gia lễ hội, chiếc ô là vật trang trí làm đẹp cho người sử dụng. Bộ váy áo mới càng thêm đẹp khi được điểm xuyết chiếc ô trên đầu hay che nghiêng duyên dáng bên bờ vai. Màu sắc của chiếc ô hài hòa phối hợp với sắc màu hoa văn, thổ cẩm làm cho các cô gái nổi bật giữa màu xanh núi rừng. Lúc trời râm mát dịu, chiếc ô được xếp lại gọn gàng trong cái gùi mà cô gái thường cõng sau lưng. Với người Mông, tộc người sống ở miền núi phía Bắc, chiếc ô như người bạn thân thiết, luôn cùng đồng hành với họ trong đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa.
Vật dụng trong nghệ thuật dân gian
Chiếc ô còn là vật dụng được đưa vào trong nghệ thuật dân gian với điệu múa truyến thống lôi cuốn trong các lễ hội cộng đồng. Khi biểu diễn văn nghệ, các cô gái Mông thường sử dụng những chiếc ô có màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Mỗi cô gái cầm một chiếc ô xòe ra gập vào theo điệu nhảy. Những cô gái múa ô thuần thục là còn biết cách xoay cán ô quay tít như làm xiếc, tạo thành những vòng tròn chuyển động linh hoạt rất đẹp mắt. Họ dùng ô che xòe tạo cảm hứng cho các chàng trai thêm say sưa thể hiện tài nghệ múa khèn.

Cô dâu và chú rể người Mông trong lễ rước dâu.
Trang phục Mông, cây khèn và chiếc ô là hình ảnh trữ tình, lãng mạn của các chàng trai cô gái miền rẻo cao trong bao mùa lễ hội. Trong lễ cưới, cô dâu cầm ô che cho mình và chú rể trong lễ rước dâu. Chiếc ô biểu tượng của sự che chở, gắn bó thủy chung của đôi vợ chồng trong ngày tân hôn. Lễ cưới của dân tộc Dao Đỏ không thể thiếu những chiếc ô đen gắn những mảnh vải đỏ trên chóp đỉnh của chiếc ô, tạo cảm giác ấm áp, thân thương, mong mọi phúc lành đến với cô dâu chú rể.

Chiếc ô trong điệu múa truyền thống của đồng bào Mông.
Chiếc ô xòe là nét đẹp của đồng bào miền núi, tạo chất xúc tác, cảm hứng cho thơ ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh… Màu sắc của trang phục, chiếc ô làm cho núi rừng bừng sáng, lưu lại trong mắt du khách vẻ đẹp bình dị nhưng đầy ấn tượng.
(Theo Làng Việt Online)