Chàng trai khiếm thị vươn lên giúp những người khó khăn

12/06/2017 15:39

Theo dõi trên

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Hồng Lộc (Lộc Hà - Hà Tĩnh), chàng trai trẻ Hồ Sỹ Phong (SN 1988) bị khiếm thị từ nhỏ, anh vẫn tiếp tục đi tìm ánh sáng cho tương lại của mình, trở thành cán bộ khiếm thị mẫu mực giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.



Một trong nhiều hoạt động thăm và tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn của anh Phong - Ảnh: NVCC

Xuất thân từ gia đình nghèo, mắc chứng bệnh thoái hóa giác mạc từ nhỏ, cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn vì cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng.

Nhiều người đã tuyệt vọng, buông xuôi và có suy nghĩ tiêu cực vì nghĩ mất đi đôi mắt là không thể nối liền họ vời thế giới bên ngoài nữa. Nhưng anh Hồ Sỹ Phong lại khác, dù không nhìn thấy rõ nhưng anh vẫn muốn được cắp sách tới trường. Thấy anh khao khát được đi học, bố mẹ đã cho anh học tại trường dành riêng cho người khiếm thị ở huyện Can Lộc.

Tại đây anh được học tập và sinh hoạt cùng với những người bạn đồng cảnh ngộ, giúp anh không còn măc cảm nữ mà trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Cũng từ đó anh bắt đầu bộc lộ được những tố chất thông minh và nghị lực sống mãnh liệt của mình. 

Sau khi tốt nghiệp THPT anh được cho đi đào tạo tại Hà Nội. Năm 2012 anh về sinh hoạt tại địa phương và đã được kết nạp Đảng. Cũng từ đó anh bắt đầu cống hiến tuổi trẻ của mình cho quê hương.

Anh Sỹ Phong hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội người mù Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội người mù huyện Lộc Hà. Hiện tại, anh vừa đi học thêm tiếng Anh, vừa hoạt động công tác Hội người mù, luôn cố gắng phấn đấu làm tròng trách nhiệm của một người cán bộ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Từ nhỏ, khi tôi biết mình không còn đôi mắt, tôi luôn mong ước sau này tự kiếm tiền nuôi sống bản thân không là gánh nặng của gia đình. Nhưng thật may lớn lên, tôi còn giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn của trẻ thơ, những cụ già neo đơn, những mảnh đời bất hạnh thì nghị lực trong tôi lại càng cháy bỏng. Tôi góp sức mình vào công tác dạy chữ nổi cho những người khiếm thị trên địa bàn, tổ chức dạy nghề, tổ chức nhiều câu lạc bộ, giao lưu văn nghệ như một cách để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh giống tôi. Tuy rằng, tôi không thể thấy được nụ cười của các em nhỏ, cụ già,… khi được giúp đỡ nhưng tôi cảm thấy lòng mình ấm áp và hạnh phúc vô cùng”, anh Phong chia sẻ.

Ngoài những lúc học thêm ngoại ngữ và hoạt động tình nguyện thì mỗi khi có thời gian, anh lại phối hợp cùng với Hội người mù tỉnh tổ chức gặp gỡ vận động các cơ quan chức năng quyên góp ủng hộ giúp đỡ các đối tượng bị khiếm thị có cơ hội được mổ mắt miễn phí. Ngoài ra, anh thường xuyên chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn trên mạng xã hội để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Với cách làm này, anh đã chung tay góp sức cho rất nhiều gia cảnh neo đơn. Đối với anh, việc san sẻ gánh nặng với những ga đình không may mắn như mình là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời anh.

Anh nói, thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi huyền rủa bong đêm. Khi được hỏi về những ước mơ của mình, anh cho biết, điều anh mong muốn nhất là vẫn ổn định với công việc hiện tại để tiếp tục tham gia công tác Hội người mù. Trước hết giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh nhà và nếu có cơ hội, tôi sẽ đi khắp mọi miền tổ quốc để mang đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người hơn nữa.
 
Diệp Thuần

Bạn đang đọc bài viết "Chàng trai khiếm thị vươn lên giúp những người khó khăn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.