Sinh ra và lớn lên tại huyện Càng Long (Trà Vinh), từ nhỏ Thanh Hào đã mơ ước trở thành một doanh nhân thành đạt. Để thực hiện ước mơ, ngay từ những năm đầu học đại học, Thanh Hào đã làm thêm rất nhiều việc để kiếm tiền khởi nghiệp. Lúc đầu, Hào lập nhóm chuyên đi đãi tiệc cho các nhà hàng, sau đó tiếp tục tổ chức mua vải về may áo blouse bán lại cho sinh viên...
Cách đây 2 năm, sau khi tham gia các khóa học về marketing và được các chuyên gia kinh tế, tâm lý khơi gợi động lực bản thân, Hào bắt đầu thực hiện ý tưởng kinh doanh với nhiều sản phẩm. “Từ các khóa học này, tôi quen được nhiều bạn rất giỏi trong kinh doanh, đặc biệt là sự tư vấn của các chuyên gia kinh tế, mới thấy trong đời sống còn rất nhiều lĩnh vực mình có thể dựa vào đó khởi nghiệp và làm giàu”- Hào tâm sự.
Hào cho biết lúc đầu bạn chọn các sản phẩm như bánh pía, rong biển cháy tỏi, khô gà lá chanh, bánh đậu xanh để bán theo các kênh bán hàng trên mạng Internet hoặc giao trực tiếp; tuy nhiên, việc bán hàng thường rất chậm. “Tuy không thành công nhưng tôi có thêm kinh nghiệm trong chọn sản phẩm để bán, rồi việc nghiên cứu thị trường, chăm sóc khách hàng... Sau khi rút kinh nghiệm, tôi quyết định chọn sản phẩm bánh dừa nướng Quảng Nam để chào bán tại miền Tây. Bởi đây là loại bánh khá lạ với người dân vùng sông nước nhưng rất ngon, thời gian sử dụng lâu, khách được dùng thử nên các đại lý sẵn sàng nhận ký gởi và giới thiệu sản phẩm”- Hào nói.
Sau một thời gian tiếp thị bánh dừa nướng, Hào cho biết kinh nghiệm khi đi bán hàng quan trọng là cần bỏ được suy nghĩ rụt rè, ngại khó. “Nếu không bỏ được tính rụt rè ấy thì không có cách gì thành công được. Phải mạnh dạn, tự tin vào những gì mình có, phải thử mới biết khả năng mình tới đâu”- Hào tâm huyết.
Với vốn kiến thức có được về marketing nên công việc bán bánh dừa nướng ngày một thành công, có tháng đã giúp Thanh Hào đạt thu nhập 30 triệu đồng. Với nhiều người, mức thu nhập đó có thể làm cho họ thỏa mãn nhưng Hào thì không. “Tại sao mình lại không phát triển thành lập một hệ thống bán bánh dừa lớn? Công việc có thể cực nhọc hơn, rủi ro có thể lớn hơn, nhưng chỉ có cách đó mới có thể kinh doanh thành công”- suy nghĩ đó cứ đeo bám và Hào quyết định mở rộng hệ thống bán hàng khắp miền Tây.
Khi ấy, Thanh Hào lặn lội qua Bến Tre, Tiền Giang và các tỉnh khác để bỏ sỉ bánh dừa nướng, ưu tiên hàng đầu là các trạm dừng chân xe khách. Thanh Hào giải thích: “Tại các trạm dừng chân, khách thường mua bánh để ăn dọc đường cũng như làm quà cho trẻ em nên đây là địa điểm thuận lợi nhất để tiêu thụ bánh. Các địa điểm đông người khác như chợ, quán nhậu, cây xăng cũng là nơi tốt, nhưng lượng tiêu thụ không nhiều bằng các trạm dừng chân”.
Bên cạnh những thuận lợi, Thanh Hào cho biết, quá trình khởi nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, từ tìm kiếm khách hàng, đảm bảo nơi cung cấp nguồn hàng, thuê nhân viên, quản lý nguồn vốn… Mọi thứ Thanh Hào đều phải tự học bằng sách vở và đúc kết, rút kinh nghiệm từ thực tế. “Phải nhẫn nại với mọi khách hàng, cho dù là những người khó tính nhất. Đã có trường hợp tôi bị đuổi nhưng rồi chính người đó lại trở thành khách hàng lớn”- Thanh Hào chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của Thanh Hào, với đối tượng khách hàng mua sỉ, phải thể hiện tiềm năng tiêu thụ của mặt hàng để thuyết phục. Lúc này kỹ năng bán lẻ và kỹ năng giao tiếp lại phát huy hiệu quả. Đôi khi, phải trực tiếp đứng ra bán lẻ bánh cho người ta nhìn thấy, rồi đưa tiền bán được cho họ luôn. Khi thấy rằng bánh dừa bán được, người bán sẽ đồng ý lấy hàng. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quyết định cho các chiến lược sản phẩm, nhưng đôi khi bánh được tiêu thụ nhanh quá lại nảy sinh vấn đề về nguồn cung cấp hàng. Lúc này, việc giữ uy tín phải được ưu tiên, và bằng bất cứ giá nào cũng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng và chất lượng sản phẩm.
Vượt qua những khó khăn, thử thách của bước đầu khởi nghiệp, đến nay, Thanh Hào đã tìm kiếm được hàng trăm địa điểm tiêu thụ sản phẩm tại miền Tây với mức thu nhập hằng tháng trên 80 triệu đồng. Để từng bước phát triển công việc kinh doanh, Thanh Hào đang có dự định thành lập công ty. Thiếu kiến thức về luật pháp lại trở thành một trở ngại, nhưng Hào cho biết sẽ tìm hiểu luật thật kỹ để có những bước đi vững chắc vượt qua thách thức.
“Sắp tới tôi sẽ nghiên cứu tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ các sản phẩm khác có thể ra miền Trung, miền Bắc. Riêng sản phẩm chủ lực là bánh dừa nướng sẽ được tập trung phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Phải lấy khách hàng làm trung tâm để phát triển, dựa trên cách đo sự hài lòng của khách. Ngoài ra, tại Trường Đại học Trà Vinh đang có rất nhiều sinh viên Campuchia theo học, nên tôi sẽ kết nối với các bạn để đưa sản phẩm qua đó, không chỉ bánh dừa nướng mà còn nhiều sản phẩm khác...”- Hào hào hứng nói về chiến lược của mình.