Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp Bình Linh
CLB ĐCTT ấp Bình Linh được thành lập năm 2014, hầu hết thành viên là những nghệ sĩ cây nhà lá vườn. Ban ngày bận rộn với công việc đồng áng, tối đến họ tập hợp lại, cùng nhau ca hát.
Lúc đầu, CLB chỉ khoảng 10 thành viên, đến nay đã có trên 25 thành viên, tất cả đều đam mê nghệ thuật ĐCTT. Nhiều người có kinh nghiệm cũng đến hỗ trợ CLB, dìu dắt để những giọng ca vốn “khô cằn” trở nên có hồn, uyển chuyển theo từng điệu nhạc, từng tiếng gõ nhịp song lan. Là một trong những thành viên cao tuổi nhất trong CLB, ông Nguyễn Văn Mười (78 tuổi) ôm trên tay cây đàn kìm, vừa so dây vừa nói: “Tôi biết đàn hồi 15 tuổi, giờ đàn được nhiều loại như ghi ta, kìm, sến, cò, độc quyền. Tham gia sinh hoạt ĐCTT, tôi thấy rất có ý nghĩa. Những người cao tuổi đến đây đều rất vui. Anh em, cô bác nào ca có nhịp mình đàn theo nhịp, còn không có mình cũng đàn theo người ta cho vui, giải trí chứ đâu có chuyên nghiệp”.
Hiện CLB chỉ có vài loại nhạc cụ như: ghi ta phím lõm, đàn sến, đàn kìm, đàn cò do các thành viên trong CLB tự trang bị, nhưng số lượng bài bản mà các thành viên trình bày mỗi lần sinh hoạt khá phong phú, đa dạng bao gồm các điệu kim tiền bản, tây thi, xuân tình, xàng xê, tứ đại oán, nhiều nhất là các bài ca vọng cổ và các trích đoạn cải lương ngắn với nội dung vui tươi, phấn khởi, ngợi ca Đảng, quê hương, đất nước, Bác Hồ kính yêu. Thành viên Trần Văn Nùng bộc bạch: “Khi lập CLB ĐCTT ở ấp, bà con hưởng ứng nhiệt tình, đây là sân chơi rất bổ ích cho nhiều người. Tôi ca Bắc là tây thi, lưu thủy theo chủ đề nói về Bác, về Đảng, về quê hương đất nước...”.
Định kỳ mỗi tháng CLB sinh hoạt 1 lần tại Nhà văn hóa ấp Bình Linh, từ 19 - 22 giờ. Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ, CLB còn phục vụ văn nghệ vào các dịp lễ, ngày hội lớn của địa phương. Mặc dù không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng các nghệ sĩ miệt vườn của CLB vẫn tự tin cất cao giọng hát qua từng câu hò, điệu lý bằng tình cảm dạt dào. Là 1 trong 4 thành viên nữ trong CLB, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, với niềm đam mê dành cho ĐCTT nên từ những ngày CLB mới thành lập, dù gia đình bận nhiều việc, chị vẫn luôn sắp xếp đến sinh hoạt cùng anh chị em để vừa được ca hát thỏa mãn đam mê, vừa góp phần vực dậy phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương mình. Quan trọng hơn nữa là góp phần giữ lửa, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ sinh hoạt tại địa phương, CLB còn thường xuyên giao lưu với CLB ĐCTT ở các địa phương lân cận và tỉnh bạn, nhằm học hỏi thêm kinh nghiệm, có cơ hội để hoàn thiện giọng hát, làm cho ngón đờn, lời ca của các thành viên trở nên du dương, trầm bổng hơn. Anh Bùi Thanh Hiệp (35 tuổi) - Chủ nhiệm CLB ĐCTT ấp Bình Linh cho hay: “Để phát triển mạnh CLB thì nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng. Do đó, CLB sẽ vận động thêm thành viên, đặc biệt là người trẻ, nhằm đưa bộ môn nghệ thuật di sản đến gần hơn với thế hệ sau này. Mỗi lần sinh hoạt CLB, có từ 80-120 người tham gia. Chúng tôi phân công một thành viên lập danh sách người đăng ký bài hát, ai đăng ký trước thì hát trước. Sinh hoạt rất vui vẻ”.
Qua những lần sinh hoạt, CLB ĐCTT ấp Bình Linh đã phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới để tham gia vào các hội thi do huyện, tỉnh tổ chức, từ đó góp phần giới thiệu những giọng ca có tiềm năng làm phong phú thêm lực lượng kế thừa bộ môn ĐCTT.
(Theo Báo Đồng Tháp)