Câu chuyện tình của “người khổng lồ” ở Quảng Bình

19/01/2017 15:17

Theo dõi trên

Cơ thể đang bình thường bỗng nhiên lớn nhanh đột ngột khiến cho cuộc sống của ông hoàn toàn bị đảo lộn. Nhưng tình yêu chân thành đã giúp cho hai con người xóa tan mọi dị nghị của dư luận xung quanh để nhìn hai người với một ánh mắt khác.



Vượt giông bão của cuộc đời, vợ chồng ông bà đã hạnh phúc viên mãn bên nhau

"Người khổng lồ" của làng

Sự phát triển bất thường đó khiến những người xung quanh đều nhìn ông với anh mắt ái ngại thậm chí còn xua đuổi. Phó mặc tất cả, ông quyết định sẽ theo đuổi ước mơ về sự nghiệp và xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc bằng chính khả năng của mình. Chính sự quyết tâm và ý chí không bỏ cuộc trước những khó khăn đó đã giúp cho cô gái làng bên đem lòng cảm mến và nguyện gắn bó cuộc đời với ông. Để đến được với nhau, họ đã vượt qua rất nhiều rào cản cũng như sự phản đối quyết liệt từ bên ngoài.

Người dân ở thôn Pháp Kệ (Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình) vẫn thường gọi ông Nguyễn Văn Chính (SN 1955) với một cái tên là “người khổng lồ” của làng. Bởi nhìn bên ngoài, ông Chính có một thân hình to lớn khác thường. Từ bàn chân, bàn tay đều to gấp đôi người bình thường. Vậy nhưng ít ai biết rằng, trước đây ông cũng từng là một thanh niên đẹp trai, thân hình cũng tầm tầm như những chàng thanh niên khác trong làng. Chỉ vì một sự phát triển lạ kỳ vào năm 20 tuổi đã khiến cho ông mang một cơ thể dị thường như bây giờ.

Ông Chính cho biết: “Bố mẹ chỉ sinh được một mình tôi nên ông bà thương yêu tôi lắm, cho tôi ăn học tới nơi tới chốn. Năm 1972, không giống như những người bạn cùng trang lứa khi đến 18 tuổi thì đi bộ đội còn riêng tôi được ông bà gửi vào trường Cơ điện ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) để học nghề. Biết bố mẹ chịu nhiều cực khổ để lo lắng cho tương lai của mình nên tôi cũng cố gắng phấn đấu học thật tốt để sau này ra đường có một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi dự định sau này ra trường sẽ tìm một công việc gần nhà rồi hỏi vợ sinh con để tiện cho việc chăm sóc bố mẹ già. Hồi đó, gia đình tôi cũng chỉ làm nghề nông, cuộc sống khó khăn nên lúc tôi đi học cũng ít khi có cơm gạo mà ăn. Đa phần chỉ ăn ngô sắn thế thôi. Đến năm 20 tuổi không hiểu sao tôi tăng cân vùn vụt mà không thể kiềm chế lại được. Những áo quần cũ mặc đều chật, đến đôi dép ra chợ mua mà cũng không có đôi nào đeo vừa. Vậy là chỉ trong 1 năm, chiều cao của tôi lên gần 2m, nặng đến 80 kg, chân tay phát triển to ra trông đáng sợ lắm”. 

Thấy con trai phát triển một cách kỳ quái, bố mẹ ông Chính hốt hoảng đưa con đi khắp các bệnh viện để chạy chữa nhưng ở đâu cũng nhận được cái lắc đầu của các bác sĩ. Cho dù xác định được nguyên nhân gây ra sự to lớn bất thường của ông là vì thừa hoocmon tăng trưởng nhưng không thể tìm ra được cách chữa trị. Đi đến nhiều bệnh viện nhưng rồi cuối cùng, bố mẹ ông chính lại thất vọng ra về. Từ đó ông Chính chấp nhận sống với thân hình quá khổ của mình. Và cũng từ đây, ông gặp vô vàn rắc rối vì vẻ bề ngoài “khổng lồ” như thế. 

Sau ngày tốt nghiệp, ông đưa hồ sơ đi khắp nơi xin việc nhưng khi nhìn thấy ông họ đều từ chối vì nghĩ rằng ông mắc bệnh nên không làm được lâu dài. Nhiều năm đi tìm việc khắp nơi không được, ông buồn bã trở về làm chân gánh gạch ở lò gạch gần nhà nhưng chẳng được bao lâu lò gạch giải thể, ông Chính phụ cha mẹ làm mấy sào ruộng sống qua ngày. 
 


"Người khổng lồ" đứng gần ngang với cửa chính ngôi nhà

Cái kết có hậu của câu chuyện tình lắm chông gai

Bao nhiêu ước mơ và hoài bão trước đây ông nghĩ tới bây giờ chưa thực hiện được bất cứ điều gì. Nhiều đêm ông trằn trọc suy nghĩ về tương lai mà thấy quá mờ mịt. Lúc này, ông chỉ còn biết nghĩ đến một mái ấm gia đình có vợ con sum vầy, cùng cha mẹ sống trọn những tháng ngày còn lại. Nhưng điều này cũng không phải dễ dàng như ông từng nghĩ. Ai cũng nhìn ông với anh mắt kỳ thị thì huống gì tới việc các cô gái có thể chấp nhận sống cuộc sống vợ chồng với một người “khổng lồ” như ông. “Bố mẹ tôi nhắm cho tôi một vài cô gái trong làng nhưng mỗi lần các cô gái đó nhìn thấy tôi đều khiếp sợ. Để tìm vợ cho tôi thì hai ông bà cũng bị người khác chê cười nhiều lắm. Người ngoài bảo, con trai như thế rồi không biết sống yên phận đi mà còn bày đặt cưới vợ nữa. Ai thèm lấy tôi mà đi hỏi cho mệt. Có khi bố mẹ đưa tôi đến nhà để con gái người ta xem mặt lại bị ông bà bên kia chê cười. Thế là lại muối mặt ra về. Nhìn thấy bố mẹ vất vả, chịu điều tiếng của người ngoài như thế nên tôi càng thương họ nhiều hơn. Tôi quyết định không để bố mẹ khổ vì tôi hơn nữa nên bảo với ông bà là để tôi tự tìm vợ cho mình. Vậy nhưng về sau cũng chẳng khác gì. Lần nào tôi tới nói chuyện với các cô gái thì họ chưa nói được câu gì đã bỏ chạy. Tôi chỉ mong một lần có thể ngồi nói chuyện được với các cô gái để rồi họ có thể hiểu được một chút về tôi và làm quen dần dần nhưng thấy khó khăn quá. Đã có nhiều lúc tôi thật sự thấy chán nản nhưng vì thương bố mẹ mong mỏi tôi được yên bề gia thất nên tôi vẫn không bỏ cuộc”, ông Chính tâm sự.

Năm 25 tuổi, có người quen đã giới thiệu cho ông gặp bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1955), một cô gái làng bên. Trước lúc gặp nhau, bà Hạnh đã nghe nói rằng ông Chính có thân hình khác thường nhưng tới khi gặp bà vẫn cảm thấy bất ngờ. Mặc dù vậy, bà vẫn ngồi lại để nói chuyện với ông Chính chứ không tỏ ra kỳ thị như những người con gái khác. Lần đầu tiên có 1 người con gái không hề sợ hãi mà tiếp chuyện với mình ông Chính vui lắm. Bao nhiêu bầu tâm sự bấy lâu nay dồn nén sâu kín trong lòng đều được ông kể hết cho bà Hạnh nghe. Biết lần đầu tiên gặp mặt trò chuyện thì không dễ gì khiến bà Hạnh chấp nhận làm vợ mình nên lúc đó ông Chính xem bà như một người bạn để chia sẻ những buồn vui, tâm sự của cuộc đời. Nói chuyện càng nhiều, bà Hạnh càng nhận thấy ở ông Chính một nét mộc mạc và sự chân thành khiến con tim bà bất đầu có những sự rung động đầu tiên. Mãi đến 1 năm sau ngày gặp mặt, khi tình cảm của hai người càng thân thiết thì ông Chính mới dám thổ lộ tình cảm của mình. Lúc đầu nghe được lời tỏ tình từ ông Chính, bà Hạnh cảm thấy dè dặt nhưng với thời gian dài quen nhau cũng như đã hiểu rõ về ông nên bà không hề ngần ngại để gật đầu đồng ý. 

“Biết tôi yêu anh Chính, và chấp nhận về làm vợ anh ấy thì ai cũng phản đối kịch liệt, nhất là gia đình tôi. Họ bảo, ai cũng né tránh anh Chính như thế mà tôi con lao vào làm gì để cho người khác nói ra nói vào. Đó là họ ít tiếp xúc với anh ấy nên mới thấy thế thôi chứ nếu hay nói chuyện với anh ấy thì mới hiểu được anh Chính tội nghiệp như thế nào. Anh ấy cao lớn khác thường là do số phận chứ anh ấy cũng đâu có muốn như vậy. Anh ấy cũng muốn có được cuộc sống bình thường như bao người khác nhưng họ không hiểu rồi tỏ ra kỳ thị. Tôi yêu anh ấy không chỉ bởi anh ấy hiền lành mà còn khâm phục nghị lực của anh Chính. Dù bị xa lánh, xua đuổi nhưng anh ấy không hề tỏ ra mặc cảm, bi quan mà vẫn cố gắng chứng minh bản thân mình. Điều đó người bình thường còn khó làm được chứ huống gì anh ấy. Phải cứng rắn lắm mới có thể sống giữ sự xa lánh của mọi người mà không hề căm thù hay tức giận ai cả. Nhiều lần tôi nói với bố mẹ về điều này nhưng họ vẫn tỏ ra không quan tâm. Cho dù họ ngăn cấm thế nào thì tôi cũng sẽ quyết định theo sự mách bảo của trái tim mình. Thấy tôi quyết tâm như thế nên dần dần gia đình tôi cũng đã đồng ý”, bà Hạnh cho biết.

Vượt qua rào cản dư luận, năm 1980 ông và bà chính thức trở thành vợ chồng. Ngày rước dâu, người ta thấy chú rể cao vọt hẳn lên giữa đám đông, đi bên cạnh là cô dâu nhỏ bé. Tình yêu của đôi vợ chồng một thời làm xôn xao cả vùng quê nghèo lúc đó, nhưng dần dần, sự chân thành, mộc mạc của ông bà đã xóa tan dư luận. Sau ngày về chung sống, ông bà không làm ruộng nữa mà chỉ trồng rau màu trong vườn đem ra chợ bán cộng với số tiền trợ cấp tàn tật của nhà nước sống đắp đổi qua ngày. Cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ hàng xóm thấy ông bà nặng lời với nhau dù chỉ một lời. Ông bà không có con, năm 1987 vợ chồng ông nhận một người con gái về nuôi để nương nhờ lúc tuổi già. Cho đến bây giờ, tình yêu của hai ông bà luôn được người dân trong vùng nhắc đến với một sự cảm phục về nghị lực cũng như sự chân thành. 
 
Tiêu Dao - Duy Khánh

Bạn đang đọc bài viết "Câu chuyện tình của “người khổng lồ” ở Quảng Bình" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.