Câu chuyện chim đậu, chim bay

29/03/2019 14:34

Theo dõi trên

Trong kho tàng ca dao của ông bà để lại có câu: “Thùng thùng, cắc cắc. Chim đậu không bắt, đi bắt chim bay”. Vậy là, chắc người xưa ý muốn nhắc nhở mọi người rằng, hãy biết giữ gìn, trân quý cái gì gần gũi, thân thuộc chung quanh mình, trước khi ngóng trông những điều xa vời, to tát, hão huyền.

Và trong cuộc sống xung quanh ta, mảnh đất, con người vốn rất đổi thân quen đôi khi lại bị bỏ quên, lãng quên cho đến khi không còn nữa mới thấy tiếc nuối. Vậy, có phải là “bụt nhà không thiêng”?

“Nói vòng nói vo” là để nói về câu chuyện làm du lịch xứ Sen hồng của mình. Người lãnh đạo, đội ngũ chịu trách nhiệm lĩnh vực du lịch và cả người dân bình thường ai mà chẳng choáng ngộp khi nơi này nơi kia có những tổ hợp, phức hợp du lịch hoành tráng, được xếp hạng tầm cỡ khu vực, châu lục và thế giới. Rồi từ choáng ngộp đến mơ ước một ngày nào đó xứ mình có những siêu công trình như vậy để mà “bằng chị, bằng em”. Vậy rồi, khắc khoải khi nhìn chung quanh và nhìn lại chính mình. Vậy là, lại tiếp tục háo hức chờ đợi và rồi quên lãng cái mình đang có.

Nhiều chuyên gia về phát triển du lịch từ nhiều miền đất nước đến xứ mình lại phát hiện ra những tiềm năng khác biệt. Nhiều du khách đến ngỡ ngàng với những vẻ đẹp thuần khiết với khung cảnh làng quê thanh bình, với những con người đôn hậu, hào sảng, với những rung động trong chiều sâu văn hóa của một miền sông nước thể hiện qua những làng nghề, những món ăn đầy hương đồng gió nội. Và họ đã chia sẻ rằng, dường như chúng ta đang bỏ quên những tài nguyên bản địa đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có được, hoặc không biết cách phát huy để thu hút khách du lịch. Không phải người mình thiếu thông minh đâu, có lẽ do mãi mê “nhìn trời để đón bắt những con chim bay” mà thôi!

 


Du khách tham quan Đồng sen Tháp Mười  (ảnh tư liệu). Ảnh: Hữu Nghĩa

Trong lúc người lãnh đạo, cơ quan chức năng mãi mê dõi theo “những đàn chim bay” thì những người nông dân quê mình lại biết chăm chút “từng con chim đậu”. Bà con thầm lặng làm những điểm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Bà con tận dụng ngôi nhà thân thuộc của mình, sắp xếp, sửa sang lại cho ngăn nắp, sạch sẽ để đón khách. Bà con tỉa tót mảnh vườn, liếp hoa, ao sen để cho khách khám phá ra vẻ đẹp làng quê. Bà con bắt đầu học từng “chữ i tờ” để từ người nông dân “tay lấm chân bùn” trở thành người chủ nho nhỏ trên những điểm du lịch nho nhỏ. Bà con tâm niệm mình làm kinh doanh dịch vụ không chỉ đơn thuần có thêm thu nhập, mà còn để tự hào giới thiệu cho khách cái hay, cái đẹp, cái khác biệt của quê hương mình.

Trong khi bà con chăm chút “từng con chim đậu” thì đây đó người lãnh đạo địa phương có lúc không nhìn ra giá trị từ “những con chim đậu” nên lãng quên nó. Tất cả có lẽ do chưa thẩm thấu hết giá trị của du lịch cộng đồng là mang lại sự thay đổi tích cực cho cộng đồng, cho làng quê, cho nền nông nghiệp xứ mình đang “loay hoay” với năng suất, sản lượng. Tất cả có lẽ cũng do nhiều người nhìn du lịch cộng đồng thì nguồn thu “có là bao”, chỉ đếm “bạc cắc” thôi có gì là to tát. Các chuyên gia thì phân tích rằng, nhà đầu tư lớn thì cũng rất cần, nhưng những dự án lớn lan tỏa ra cộng đồng để cộng đồng cùng hưởng lợi thì không nhiều do được tổ chức dịch vụ một cách khép kín. Trong khi đó, du lịch cộng đồng thì cả cộng đồng cùng tham gia, cùng thụ hưởng, cùng giữ gìn môi trường bền vững. Du lịch cộng đồng làm cho cộng đồng gắn bó hài hòa với nhau hơn. Du lịch cộng đồng sẽ phát huy và làm sống dậy các giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử của địa phương. Và đó chính là một trong những mục tiêu mà chúng ta cần hướng đến!

Trong nhiều kế hoạch hành động cũng vậy, mà trong phát triển du lịch cộng đồng cũng vậy, ở đâu người lãnh đạo địa phương “xắn tay áo” kéo theo cả bộ máy của mình cùng đồng hành với bà con thì nơi đó sẽ có thành công. Những bước đầu khởi nghiệp một ngành nghề vốn còn xa lạ, bà con mình rất cần những lời tư vấn, những “hơi ấm” từ những bàn tay của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người lãnh đạo. Vậy, đội ngũ lãnh đạo hãy đến với bà con để vừa truyền cảm hứng, vừa hun đúc tinh thần, vừa hỗ trợ kết nối. Và hãy đến bằng sự nhiệt thành, chứ không phải “chỉ giáo” rồi về. Lắm lúc, đội ngũ lãnh đạo còn phải học chính bà con mình, học về lòng khát vọng, học ở niềm đam mê, học ở tinh thần trách nhiệm với quê hương xứ sở.

Không ít người thường thấy choáng ngộp nơi này nơi kia, rồi so sánh, rồi tự ti về địa phương của mình. Hãy nhìn ngược lại hành trình dẫn đến thành công hôm nay của những nơi đó thì bước khởi đầu cũng như mình thôi. Có chăng là, ở đó, họ có đội ngũ lãnh đạo và những con người mang đầy khát vọng và biết biến khát vọng thành hành động một cách kiên trì, bền bỉ. Trên chặng đường đó, có thể họ cũng có lúc nản lòng do lực cản đâu đó, nhưng rồi họ cùng nắm tay vượt qua và tiếp tục hướng về phía trước của con đường đi đến thành công hôm nay. “Vạn sự khởi đầu nan”, ông bà mình đã đúc kết vậy mà!

Xích Lô
Theo Đồng Tháp

Bạn đang đọc bài viết "Câu chuyện chim đậu, chim bay" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.