
Một ngôi nhà 3 tầng với đủ các loại kèo cột được lắp ghép từ những mảng gạch, vôi vữa, tập lô, sắt thừa, thép vụn, gổ tạp… Ngôi nhà đặc biệt với kiểu thiết kế không giống ai, không một trật tự mô típ. Không gian căn nhà là những ngăn vách, lối đi tối om, ẩm mốc như hang động.
“Nội thất” không có tài sản gì đặc biệt, đồ đạc là một mớ lộn xộn những nồi niêu soong chảo, các thùng cactong giấy và rất nhiều giẻ rách vải vóc, báo chí các loại được ông “trưng dụng” về với mục đích “khi nào cần thì sử dụng”. Căn nhà 3 tầng, nhưng tầng 3 chỉ được ông xây lên để tránh mưa dột và nắng nóng cho tầng hai và hoàn toàn không sử dụng. Ông Hộ nghỉ ngơi trong gian “hầm” tầng 1, nơi ông đặc chiếc giường củ kỹ, tầng 2 là không gian sinh hoạt giải trí nấu ăn của ông. Tại gian tầng 2 này, hàng ngày ông đọc báo, xem tivi theo dõi tin tức thời sự.
“Nghĩ chi đâu, cái nhà sẵn rồi mình sửa thêm thôi, nó vốn có hai cái cột thôi, rồi mình xây thêm cho chắc. Lụt nên làm thêm cái gác nữa để ở thôi”, ông Huỳnh Hộ cho biết.


Người dân xung quanh thị trấn Nam Phước gọi vui căn của ông Huỳnh Hộ là “công trình lịch sử đời người” hoặc “biệt thự ông Hộ”. “Biệt thự” này được ông Hộ bắt tay vào xây dựng từ những năm 1950, và hoàn toàn tự tay ông thực hiện lẫn thiết kế. Ông Hộ cũng cho biết, công trình đến thời điểm hiện tại đã ngừng thi công. “Giờ xây chi nữa, già rồi, ăn không có ăn, làm chi nữa!”, ông Huỳnh Hộ chia sẻ.
Để có vật liệu xây dựng căn nhà, hàng ngày ông Hộ kéo chiếc xe bò đặc biệt của mình đi chở hàng hoá cho các chủ tiệm gần nhà với công cán 15 - 35 ngàn đồng/ngày. Chiếc xe bò cũng đặc biệt y như chủ nhân của nó với các dây dợ bùng nhùng chẳng chịt, lốp xe được bọc kỹ bẳng các thớ vải nhằm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với nền đường để… khỏi mòn. Số tiền ông kiếm được cộng thêm tiền tuất của người cao tuổi 180 ngàn đồng hàng tháng, tiền cho thuê lại gian nhà mặt tiền 1 triệu đồng/tháng được ông trích một phần để mua thức ăn hàng ngày, phần lớn còn lại ông dùng để mua vật liệu xây dựng.
Nằm ở giữa trung tâm thị trấn, và thuộc khu mặt tiền tỉnh lộ 610, khu đất của ông Hộ được nhiều người định giá và hỏi mua với giá hơn 5 tỷ đồng thế nhưng ông vẫn cương quyết không bán.
Xây nên ngôi nhà lập dị này, những người trong gia đình ông Huỳnh Hộ đều ra sức phản đối, dù vậy, trước sự cương quyết của ông, vợ và các con đành bất lực để mặc ông làm. Hiện nay vợ ông Hộ đang sống cùng 3 người con đã lập gia đình và đang làm việc tại Đà Nẵng. Mặc dù những người con của ông đều mong muốn ông về sinh sống cùng họ để tiện chăm sóc, thế nhưng vì chỉ chỉ thích cuộc sống tự do tự tại nên ông chấp nhận ở lại một mình trong căn “biệt thự” của mình.
Mặc dù thiết kế một ngôi nhà kỳ dị, nhưng theo đánh giá của mọi người tin thần của ông Huỳnh Hộ hoàn toàn minh mẫn. Thú vui hàng ngày của ông là theo dõi nắm bắt tin tức thời sự trong nước và thế giới, giải sodoku, giải toán hình học và làm thơ.


Tầng 2 là không gian nơi ông giải trí, ăn uống, sinh hoạt và giải toán.

Ông đặc biệt thích sử dụng định lý “đồng dạng”, “đối đỉnh” trong hình học và “tính chất bắc cầu” để giải những bài toán khá hóc búa mà các em học sinh THPT đến nhờ ông giải. Anh Chín, hàng xóm ông Hộ cho biết: “Toán lớp 10, 11 ông giải rẹc rẹc!, ông có những cách giải vô cùng sáng tạo không giống ai cả”.
Không chỉ giải hình học, ông còn thường sáng tác thơ và làm thơ tặng mọi người vào mỗi dịp tết lễ. Thời gian sát tết Nguyên Đán, nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh (nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng) qua đời, ông Huỳnh Hộ đã xúc động làm bài thơ chia sẻ nỗi đau cùng gia đình và toàn thể người dân Đà Nẵng.
“Tin đau đớn Đài tiếng nói đưa lại
Trước khi tạm biệt ông và được ông tặng cho một bài toán hình học để về “giải làm kỹ niệm”, phóng viên hỏi ông tại sao lại xây ngồi nhà đặc biệt như vậy, ông cười xoà nói: “Thì phải làm ngôi nhà mà thế giới không ai có mới tài chứ!”.
Huyền Trang