
Chùa Ông - Di tích Phước Minh Cung - Ảnh: vhttdlkv3.vn
Ngôi chùa được kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Chùa gồm 3 tòa nhà nằm ngang song song với nhau gồm Tiền điện, Trung điện và Chính điện.
Dọc hai bên ngôi chùa là hai dãy Tả điện, Hữu điện hướng vào 3 tòa nhà tạo thành một công trình khép kín hình chữ Khẩu.
Mái chùa được thiết kế theo kiểu “trùng thềm điệp ốc” lợp ngói âm dương, diềm mái bằng ngói táng tráng men màu xanh ngọc. Trên các gờ mái, mặt dựng đầu hồi được trang trí Lưỡng long tranh châu, Bát tiên, tứ linh, muông thú...
Khung sườn chịu lực đỡ lấy ngôi chùa là những cột tròn và vuông bằng loại gỗ quý. Chân các cột được kê bởi những tảng đá hình cánh sen, bát giác.
Tiền điện của Phước Minh Cung có thể nói là đặc sắc về tính mỹ thuật với 3 cửa ra vào: Chính môn, Tả môn, Hữu môn.
Cửa chính hơi lùi vào trong được thiết kế theo kiểu ô hộc, phía trong 2 bên có 2 cửa phụ tạo thành “Ngũ môn kín”.

Bên trong chùa Phước Minh Cung - Ảnh: Nguồn internet
Phước Minh Cung thờ các vị thần: Quan Thánh Đế Quân, Chúa Sinh Nương Nương, Phước Dức Chính Thần, Ngọc Hoàng Thượng Đế,… Tiền sảnh, trên mái, trên vách và nội thất chùa trang trí nhiều hoành phi, liễn đối, phù điêu với các đề tài khác nhau; đây là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang bản sắc văn hoá dân tộc.
Tháng 11 - 2005, Phước Minh Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia về loại hình kiến trúc nghệ thuật. Nhiều năm nay, Phước Minh Cung đã đón khá nhiều khách đến tham quan cúng bái, nhất là vào dịp lễ, hội của đồng bào Hoa, Tết Nguyên đán.