Hoàng Thị Liên và Tẩn Thị Mủi (Từ phải qua trái) mua bán trẻ em, bị công an Lai Châu bắt giữ
Từ những mối quan hệ thân tình, chúng tôi được Bội đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn nhờ đưa em gái Lò Thị Ngà, quê ở xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) về nhà. Hành trình từ Lạng Sơn về Điện Biên phải trải qua nhiều lần chuyển xe, song Ngà vui lắm. Vui vì em thoát khỏi cảnh khổ cực nơi xứ người, từ nay được đoàn tụ gia đình. Vì quá sốt ruột, Ngà không muốn dừng nghỉ, nên ngay trong đêm chúng tôi quyết định bắt tắc-xi xuyên đường rừng về đến xã Chiềng Đông. Từ đó lại phải đi bộ vào bản Nôm, đến nơi thì gần 4 giờ. Cả nhà Ngà không ai ngủ. Lúc cô con gái bước vào, cả nhà ôm con gái, òa khóc. Ông Lò Văn Thiện, bố của Ngà cảm động không nói được nên lời, lát sau bình tĩnh lại, ôm con và nhìn sang chúng tôi: “Cảm ơn cán bộ lắm!”.
Gia đình ông Thiện và em Ngà khớp nối, kể lại sự việc. Vào khoảng tháng 7-2012, khi đang làm trên rẫy là Ngà được bà Quàng Thị Diêu rủ lên Lào Cai bán hàng quần áo, mức lương tháng bằng làm nương rẫy cả năm. “Bà ấy bảo cứ đi, rồi gọi điện về xin phép bố mẹ sau. Vậy là em đi”, Ngà nhớ lại. Tại cửa hàng bán quần áo ở cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai), nhưng không được trả lương mà chỉ bao ăn ở. Tiếp theo, bà Diêu đưa tin mẹ ở quê ốm nặng, nhưng lại cấm em về thăm. Ngà nhớ lại: “Bà ấy bảo cứ đi sang Trung Quốc lấy chồng là có tiền. Em thường xuyên bị đánh, ép buộc nên đành phải theo”.
Bẵng đi ba tháng sau kể từ khi Ngà mất tích, một người chuyển số tiền 30 triệu đồng cho ông Thiện, nói là con gái đi lấy chồng xa gửi cho. “Nó theo người ta đi bán hàng, rồi mới gọi về xin phép chứ có nói đi lấy chồng đâu. Tôi cảm thấy có chuyện chẳng lành. Bà Diêu đã đưa nhiều cô gái đi bán hàng rồi. Tôi nghĩ có vấn đề gì đó nên đi báo công an. Vợ chồng tôi cuống hết cả lên, sống chẳng được yên. Nó là đứa con gái xinh xắn, tốt nết. Vợ chồng tôi rất kỳ vọng. Bây giờ về, nó bị mang tiếng, cuộc sống sau này sẽ khó khăn lắm”, ông Thiện mếu máo nói.
Ngà chỉ là một trong hàng trăm em gái vùng cao bị lừa bán. Qua những năm tìm hiểu đời sống bà con, nạn buôn bán trẻ em, hình ảnh những xóm làng hoang vắng và lo sợ, những em bé ngơ ngác vì mất mẹ ám ảnh tôi. Lẽ ra mọi người đều có thể sum vầy, sống vui vẻ, nhưng tất cả đã bị một loại tội phạm tước mất: bọn buôn người. Hành vi chống lại quyền con người, xâm phạm phẩm giá, coi con người như một món hàng của bọn chúng khiến ai cũng phải bất bình.
Người ta vẫn nói, chung dòng máu hay là người bạn đời trăm năm sẽ thương nhau hơn, vậy mà chuyện anh bán em, cô bán cháu chẳng còn là chuyện hiếm hoi nữa. Nhiều bị cáo trong phiên xử án thành thật khai nhận tội, trong đó có người đưa ra lý do bán người thân rất đơn giản: “Mình đang cần tiền thì bán thôi!?”.
Đại tá Nguyễn Văn Hiện - Phòng PC45 (Công an Lai Châu) thống kê từ năm 2005 đến nay tỉnh Lai Châu đã xảy ra 127 vụ buôn bán người, 203 đối tượng, 214 nạn nhân (phụ nữ 144, trẻ em 70). Hiện trên toàn tỉnh có 940 phụ nữ, trẻ em vắng mặt khỏi địa bàn không rõ đi đâu, nghi bị sang biên giới lấy chồng Trung Quốc. Hay tại Điện Biên, thống kê 5 năm gần đây, lực lượng chức năng phát hiện 48 vụ mua bán người với 115 nạn nhân, chủ yếu số nạn nhân này bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo và bán sang Trung Quốc
Nhận định về hệ lụy của nạn buôn bán trẻ em qua biên giới, Thượng tá Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng phòng PC45 (Công an tỉnh Sơn La) cho biết: “Vấn nạn buôn bán người có tính chất và hệ lụy lâu dài ảnh hưởng xấu đến mọi mặt đời sống xã hội. Những nỗi ám ảnh, tổn thương về tinh thần, thương tích trên thể xác của các nạn nhân là nỗi nhức nhối, phức tạp. Cuộc chiến chống lại loại tội phạm nguy hiểm này không thể một sớm một chiều mà giải quyết được hết. Đây là cuộc chiến lâu dài, dai dẳng cần nhiều sự phối hợp hỗ trợ từ nhiều cơ quan chức năng và người dân”.
Thật có lý, khi những cán bộ các tỉnh miền núi đã đề xuất những phương án hợp lý, là cùng với các cơ quan chức năng tạo việc làm cho người vùng núi, để họ có cái ăn, cái mặc, lưu tâm đến con cái hơn. Đó là một vấn đề, ở cùng núi, việc tuyên truyền vận động để người dân hiểu ra vấn cũng rất dễ “thấm”, hiệu quả như mưa rừng thấm rất lâu. Dẫu quyết tâm, nhưng trên khuôn mặt những người có trách nhiệm, vẫn hằn lên nỗi lo lắng, bởi cuộc chiến giành giật mạng người trong tay những kẻ buôn người.
Hệ lụy mà trẻ em phải gánh chịu, không chỉ là chuyện thiếu thốn tình cảm gia đình, phải bỏ học, mất việc làm… mà cao hơn là khủng hoảng tâm lý, hoang mang. Các em gái là nạn nhân của bọn buôn người dễ rơi vào trầm cảm, lầm lũi, không muốn cố gắng cho tương lai, gây ra sự bất ổn lớn ở vùng cao.
Chia sẻ kinh nghiệm, bác sĩ tâm lý Vũ Thiện Toàn cho biết: “Hiện nay, vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về vấn đề phân tích tâm lý của nạn nhân thoát khỏi những "ổ tệ nạn" nói trên. Tuy nhiên, chỉ có thể tóm gọn trong vài vấn đề sau: Nạn nhân sợ phải đối mặt với sự kỳ thị xã hội ở địa phương nơi cư trú; lo sợ sự trả thù; sợ bị trừng phạt vì những hành vi bất hợp pháp họ đã thực hiện do hậu quả của việc bị trở thành nạn nhân buôn người”.
Giữa đêm gặp nhau, hai mẹ con Ngà (Điện Biên) òa khóc

Công an Sơn La lấy lời khai các đối tượng trong một vụ mua bán người
Chặn ngay từ gốc
Chắp nối các thông tin từ công an tỉnh Hà Giang, tôi được biết rất nhiều vụ án ban đầu chỉ một gia đình trình báo, trong quá trình điều tra đã khai mở cả một đường dây lớn có nhiều mắt xích liên quan đến nhau. Trường hợp em Sải Thị Liêm là một điển hình. Sau khi em mất tích, qua sàng lọc thông tin, cộng với sàng lọc các tin nhắn trong điện thoại Liêm bỏ ở phòng trọ, các trinh sát đã xác định được đối tượng nghi vấn là Hứa Văn Trưởng. Qua Trưởng, bốn đối tượng khác cũng rơi vào “tầm ngắm” và chẳng bao lâu đường dây mua bán người, trẻ em đưa sang Trung Quốc làm vợ và gái mại dâm, gồm năm đối tượng là: Hứa Văn Trưởng, Đinh Thị Lan, Lù Văn Xanh, Đinh Thị Bình đều trú tại huyện Vị Xuyên) và Vinh Triều Binh, trú tại Vân Nam (Trung Quốc) đã bị chặt đứt. Các cơ quan chức năng đã giải cứu sáu em gái đều ở tuổi vị thành niên là nạn nhân của Trưởng.
Phải nhìn nhận, dù “đổ tội” cho cái nghèo, lạc hậu và địa bàn phức tạp, thì chính công tác phối hợp vẫn chưa đạt kết quả cao như Đại tá Hầu Văn Lý – Giám đốc công an tỉnh Hà Giang từng nói. Theo nhiều ý kiến đồng thuận, biện pháp giảm bớt nạn mua bán người chính là giải bài toán xóa đói giảm nghèo và lạc hậu cho bà con. Bởi khi ấy, bà con sẽ có thêm nhiều điều kiện để tự bảo vệ mình và những người dân lành hiền cũng không vì đói nghèo mà ra tay làm liều. Trong nhiều chuyến đi vùng cao Hà Giang, gặp gỡ những người nông dân hay lam hay làm, da dẻ xạm nắng, tôi từng nể phục sức sống quật cường của họ. Thế nhưng cũng có người nghĩ dại tham gia vào những đường dây phạm tội. Chính những phạm nhân trong trại giam đã từng thốt lên những lời ân hận: “Chúng tôi biết làm vậy là vi phạm, nhưng đói thì hóa liều”. Đại úy Hoàng Văn Sơn, Đội trưởng đội 3, Công an huyện Mộc Châu (Sơn La) nêu quan điểm: “Nếu “đánh” được cái đói, cái nghèo và lạc hậu sẽ mang lại hiệu quả”.
Ở một khía cạnh khác, như lãnh đạo công an tỉnh Sơn La đã nhìn nhận khá thấu đáo về công tác này. Rằng một số đơn vị chưa thực sự quyết tâm vào cuộc trong phòng chống tội phạm mua bán trẻ em, chưa đề ra được các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện. Việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời. Công an tỉnh Sơn La cũng chỉ ra, trình độ dân trí không đồng đều, khu vực biên giới còn thấp, một bộ phận đồng bảo không biết chữ và tiếng phổ thông; một số địa bàn đường sá đi lại khó khăn nên công tác tuyên truyền cũng gặp khó khăn.
Bởi thế, lãnh đạo công an tỉnh Sơn La đã đề ra phương hướng công tác những tháng cuối năm 2017, là thực hiện tốt Kế hoạch của Ban chỉ đạo 138/CP về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016-2020; đồng thời chủ động trong sự phối hợp, phòng chống, ngăn chặn ngay từ gốc của vấn đề là giải quyết tình trạng đói nghèo, trình độ dân trí thấp, hướng tới bảo vệ tốt hơn trẻ em vùng cao trước nanh vuốt của bọn tội phạm buôn người.
Nguyễn Văn Học