Búi tóc - nét đẹp văn hóa của đàn ông S’tiêng

31/10/2016 10:50

Theo dõi trên

Theo các họa tiết hoa văn, hình tượng được khắc trên trống đồng Đông Sơn thì con người lúc đó xõa tóc, nữ có thể vấn khăn, nam buộc dây trên đầu và cắm lên vòng dây đó những lông chim dài. Không rõ khi vấn khăn vành tròn thì phụ nữ có tết hay búi tóc không nhưng qua bức tượng cán dao găm cho thấy cổ của họ rất gọn gàng với hai vòng tai lớn, chứng tỏ tóc được vấn gọn trong khăn đầu.

Trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam có lẽ chỉ có người Thái Đen có quy ước về tóc cho phụ nữ chưa chồng và có chồng. Cách búi tóc (tẳng cẩu - tẳng là dựng, cẩu là búi tóc) thẳng đỉnh đầu là chưa có chồng và nghiêng bên phải trên đầu là đã có chồng.



Truyền thống búi tóc của đàn ông S’tiêng được gìn giữ đến ngày nay

Sống trong khu vực rừng mưa nhiệt đới có nhiều lâm thổ sản phong phú nên hoạt động săn bắt và hái lượm đã sớm chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người S’tiêng. Để thuận lợi cho việc săn bắt, từ xa xưa người đàn ông S’tiêng thường đóng khố, ở trần, xâu tai, xăm mình, cà răng, để tóc dài thắt búi cao. Điều này phản ánh nhu cầu thẩm mỹ, ẩn chứa giá trị nghệ thuật, đồng thời chủ động trong hoạt động săn bắt, hái lượm, canh tác...

 Trước năm 1975, đàn ông S’tiêng thường để tóc ngang vai hoặc tóc dài đến đâu sẽ thắt búi cao hay búi ngược một phần lên đỉnh đầu, một phần tết thành đuôi sam thả ra phía sau lưng, dùng lồ ô trong rừng tạo thành vòng tròn đội trên đầu và trên đó còn dắt nhiều lá cây rừng nhằm chống nắng, thỉnh thoảng trang trí một vài lông chim, lông nhím.

 Để búi tóc được gọn gàng, đạt nhu cầu thẩm mỹ cao đàn ông S’tiêng thường được người vợ cài trên búi tóc một chiếc nanh heo rừng hoặc heo nhà giống như trâm cài tóc. Heo được người phụ nữ nuôi lâu năm, khi heo có chiếc răng dài và cong lại thành vòng tròn thì nhổ chiếc răng đó để sử dụng. Điều này thể hiện bàn tay khéo léo, sáng tạo, cần cù lao động, sự quan tâm của người vợ đối với chồng, hướng tới cái đẹp, quyền uy trong cuộc sống hằng ngày đẩy lùi khó khăn, gian khổ.

Ngày nay, ở Bình Phước chỉ còn một vài già làng giữ được truyền thống búi tóc. Điều này, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy nét văn hóa truyền thống của người S’tiêng trên đất Bình Phước.

(Theo Bình Phước Online)

Đình Tâm
Bạn đang đọc bài viết "Búi tóc - nét đẹp văn hóa của đàn ông S’tiêng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.