Bồng bềnh chợ nổi Cái Răng

01/04/2017 08:01

Theo dõi trên

Lần đầu tới thăm Tây Đô, con thuyền gỗ cũ kỹ màu nâu sẫm đưa chúng tôi lang thang khắp các ngõ ngách chợ nổi Cái Răng. Một chút bồng bềnh, những thi vị lãng mạn, sự huyên náo của buổi chợ sớm và tính cách phóng khoáng, chân tình của cánh thương hồ nơi đây thực sự đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Chợ nổi có từ bao giờ?



Ảnh minh họa (nguồn internet)

Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, Cần Thơ nói riêng đã quen di chuyển trên các thủy lộ và làm nhà ven theo sông rạch. Đời sống sông nước đã gắn với người dân như máu thịt. Bên dòng sông, chiếc ghe và mái chèo chưa bao giờ vắng bóng trong cuộc sống của người dân nơi đây. Nó không đơn thuần là một phương tiện giao thông mà còn là một nét đặc trưng văn hóa, gắn bó với tiền nhân từ lúc khai hoang, mở cõi. Vì thế, người dân ĐBSCL đã quen với việc họp chợ trên sông, trên ghe, người ta gọi đó là chợ nổi.

Cụ Trương Thái Vinh, 78 tuổi, một thương hồ tại chợ nổi Cái Răng hồi tưởng: "Cụ nội tôi khi còn sống, kể lại: Chợ nổi đã có hàng trăm năm nay. ĐBSCL là xứ nhiệt đới gió mùa, trái cây, khoai, củ, rau quả rất đa dạng và phong phú; bốn mùa dư thừa các mặt hàng nông sản. Những cư dân không có hoặc có ít ruộng đất sản xuất đã nảy ra ý nghĩ mua bán để kiếm lời. Họ có thể sống được với nghề này cho nên đã gắn bó với nó, rồi truyền từ đời này sang đời khác. Lâu dần, người ta đặt cho họ cái tên đặc trưng của nghề - đó là thương hồ".

Nét đẹp Tây Đô

Đến TP Cần Thơ, thủ phủ miền Tây, địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là chợ nổi Cái Răng. Mới tờ mờ sáng, từ bến Ninh Kiều nhìn ra, dòng Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng, ghe xuồng đã tấp nập. Đang là mùa nước cạn, chiếc cầu thang dẫn xuống con thuyền gỗ cũ kỹ màu nâu bám đầy rong rêu trở nên trơn tuột. Bồng bềnh trên sông Hậu, ngắm cảnh vật buổi sáng thật yên ả, thanh bình. Những ngôi nhà của ngư dân ven sông hở cột chống trở nên trần trụi; chiếc ca nô to lao nhanh qua khiến thuyền già chao đảo, tôi ngả người sang trái, vô tình bắt gặp cảnh bình minh đang lên phía xa. Đánh mắt sang phải, tôi kinh ngạc nhìn chiếc ghe to màu xanh chở "núi" thóc vàng ươm, nặng trĩu đang khó nhọc rẽ nước tiến lên.

Khi bầu trời còn giăng một màn sương mỏng, hàng trăm chiếc thuyền của bà con từ các ngả đường đã rộn ràng kéo về chợ nổi Cái Răng với nhiều màu sắc, âm thanh tạo nên một không khí nhộn nhịp, tươi vui… Nào là màu đỏ tươi của chôm chôm, màu vàng ươm của những trái xoài cùng màu xanh tươi của vú sữa hay mùi vị thơm lừng của những trái chuối chín cây… Đến khu vực trung tâm của chợ, những chiếc ghe, thuyền đầy màu sắc đi lại xung quanh khi nhanh, lúc chậm giống như đang biểu diễn một điệu múa, trông thật vui mắt. Tôi hít thật sâu để giữ lại những dư vị đẹp đẽ ấy.

Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5-6 km, chợ nổi Cái Răng là đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng là chợ nổi "hoành tráng" và ấn tượng bậc nhất vùng Tây Nam Bộ. Chợ cũng đang trở thành địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách đến với miền đất Tây Đô. Nhiều người cho rằng, đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết gì về thủ phủ Tây Đô. Chợ thường họp từ 2 đến 9 giờ sáng, như lời một nhà thơ đã viết: "Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng/ Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn/ Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng/ Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ".

Nét độc đáo, riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức "bẹo hàng". Trước mỗi mũi ghe thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Đây là một nét văn hóa giao thương độc đáo chỉ có ở chợ nổi, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo khách nhưng lại có sức hút kỳ lạ.

Chợ nổi Cái Răng trước đây chỉ bán các loại trái cây và nông sản. Để phục vụ người mua, kẻ bán chợ có thêm các thuyền bán: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi... Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lỏi rất thiện nghệ áp mạn phục vụ khách đi chợ tận tình và chu đáo. Tôi cũng mua cho mình một ly cà phê sữa đá, ly cà phê to hơn ngoài Bắc, như tính cách hào phóng của người dân nơi đây. Dân thương hồ ăn to nói lớn nhưng sống mộc mạc, tình cảm. Đối với những người khách từ miền Bắc như chúng tôi họ rất đỗi quý trọng, yêu thương.

Bất chợt, tôi có cảm giác, khách đến đây không chỉ để mua mà để hòa mình vào cái không khí tất bật của cảnh mua bán. Còn người bán thật hồn nhiên, dung dị, không thách giá. Từ dáng vẻ, khuôn mặt đến giọng nói của họ đều toát lên sự chân chất, dễ dãi, khách hàng có thể thử đồ thoải mái, nếu ưng thì mua, không mua vẫn nở nụ cười tươi rói.

Ngạc nhiên hơn, khi chúng tôi đến gần chiếc thuyền bán xoài, một chú trong đoàn hỏi: "Xoài bán bao nhiêu tiền một ký cô?" Cô gái trả lời: "Trên thuyền khó cân lắm anh ạ. Em bán chục". Chục mà cô đếm cho chú mười sáu quả. Thực tế, người mua muốn lấy thêm một hai quả nữa (tức mười bảy, mười tám quả...) cũng không sao. Thấy tôi ngạc nhiên, cô gái mỉm cười: "Bán sao cũng được, vui là chính". Văn hóa chợ nổi, phong cách mua bán nơi đây thật thú vị. Bây giờ tôi mới hiểu sự phóng khoáng của người miền Tây tôi đã từng được nghe kể.

Đi chợ nổi Cái Răng thích nhất là bắt gặp cảnh thương hồ giao hàng: người bán đứng trên ghe lớn giao từng túi, giỏ hàng... cho thuyền nhỏ. Kẻ chuyền, người nhận nhịp nhàng, điệu nghệ như những cầu thủ bóng chuyền thực thụ. Tôi như được hòa mình vào thế giới thu nhỏ giữa mênh mông trời, nước; ấm lòng với những nụ cười hiền hậu, thân thương.

Đời thương hồ cực mà vui

Suốt một thời gian dài, di chuyển trên sông nước là một phần hoạt động chính của người dân vùng châu thổ, từ đó hình thành đời sống thương hồ. Một đời sống đầy lãng mạn và cũng lắm nhọc nhằn, hiểm nguy nhưng họ vẫn không chia tay dòng sông. Chợ nổi là một biểu hiện thăng hoa của đời sống thương hồ, là tầng sâu văn hóa sông nước bản địa và là niềm cảm hứng sáng tạo của nhiều loại hình nghệ thuật.

Đối với những người mua bán ở chợ nổi, chiếc ghe dùng để chở hàng hóa cũng là căn nhà di động. Mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt của gia đình họ đều diễn ra trên ghe. Khoảng không gian tuy hẹp nhưng cũng đủ gói ghém những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ông Lê Văn Út, cư dân sát chợ nổi tâm sự: "Những đứa bé theo cha mẹ bán hàng đêm trong chợ đã quen tới nỗi quả xoài rơi vào người vẫn không tỉnh giấc".

Để hành nghề ở chợ nổi, người ta cần một chiếc ghe và vài chục triệu đồng tiền vốn mua hàng. Ông Huỳnh Văn Ba thổ lộ: "Làm cái nghề này cũng có dư nhưng hơi cực". Mỗi ngày, thương hồ phải có mặt ở chợ lúc 2 giờ sáng với mong muốn lựa được nông sản tươi ngon, không đụng hàng với những thương lái khác. Cụ Trương Thái Vinh cho biết: "Khổ nhất là khi mưa gió bão bùng, nước sông động mạnh, ghe thuyền chao đảo, đồ đạc rơi liểng xiểng. Mấy đứa trẻ con khóc thét. Nếu cái mái che trên đầu nó sập xuống, người không chết cũng thành tật mà hàng cũng hỏng hết".

Bỏ qua những khó khăn, những mối nguy hiểm, người ta vẫn thấy nụ cười nở trên môi các chủ ghe chở hàng. Họ vẫn gắn bó hằng ngày với chợ nổi vì cuộc sống và cũng để lưu giữ một dấu ấn đẹp trong văn hóa của mảnh đất Tây Đô. Khi chiều về, nhàn nhã sau một ngày bon chen mua bán hoặc rong ruổi trên sông nước tha phương, họ tụ họp bên tách trà, ly rượu cùng nhau đờn ca tài tử. Vài câu vọng cổ quyện trong tiếng đàn kìm, đàn ghi ta ngân vang trên sông nước hữu tình, làm cho lòng người mềm lại.

"Đành giã từ nhau chợ nổi Cái Răng/ Cô Sáu cười nụ đồng tiền lúng liếng/ Anh Bảy dùng dằng cưa ly rượu đế/ Giá mà ta treo bẹo được lòng nhau". Con thuyền già quay lưng mà lòng tiếc nuối. Những ấn tượng đẹp về chợ nổi Cái Răng, về những thương hồ phóng khoáng, chân tình của mảnh đất "gạo trắng, nước trong" sẽ mãi in sâu trong trái tim người về./.


P.V

Nguồn: kinhtedothi.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bồng bềnh chợ nổi Cái Răng" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.