Thi sĩ nửa mùa với nghệ danh Đầu Đất hay Bờm xứ Đoài và máu văn chương bất tận
Ở tuổi chớm Thu, chưa già nhưng cũng không còn trẻ, anh thường tự bạch với các bạn văn về chuyện xin hưu non và kế hoạch chuyển trạng thái toàn phần của mình, mỗi khi có ai hỏi tới bằng hai câu thơ:
Hùng sinh sinh ở đất Phùng/ Tài năng chớm nở đánh đùng về hưu.
Quán thơ xứ Đoài có vị trí thuận tiện, nằm ngay trung tâm thị trấn Phùng, gần trường học đặt tượng nhà thơ xứ Đoài mây trắng Quang Dũng và điểm dừng xe buýt QL32. Đó là căn nhà 3 tầng trong ngõ sau, yên tĩnh, tại một khu tập thể huyện, trước cửa nhà chủ nhân treo mành tre, chơi lan, trồng trúc, đặt đá và lũa,..tạo nên một không gian pha chút thuỷ mặc, tao nhã và yên bình. Gợi ta liên tưởng đến những vần thơ của nữ thi sĩ xứ Đoài Ngân Giang xưa: “Nhà tôi nghèo nghèo lắm/ Gia tài mấy cuốn thơ/ Trước cửa vài khóm trúc/ Gió về bay phất phơ.”
Trên chiếc biển vẫy bên phải, treo trước cửa có in lôgô cùng các dòng chữ: XỨ ĐOÀI THI QUÁN, XỨ ĐOÀI BOOKS. Tên “Xứ Đoài Thi quán” do nhà văn Khuất Quang Thụy Tổng biên tập báo Văn nghệ, gợi ý đặt, còn lô gô quán do cố họa sĩ nổi tiếng xứ Đoài Lưu Yên Thế - 50 năm vẽ tranh cổ động, tư vấn thiết kế. Logo nhận diện có hình tròn bao quanh khối hình tháp gắn trên vương miện, giữa có ngòi bút và các nét vẽ núi Ba Vì và dòng sông Đà.
Trên tấm phên lứa vách cửa có treo biển đề thơ:
Ca dao, Tục ngữ hàng đầu
Lục bát là món đứng sau thứ nhì
Bút tre món gọi bất kỳ
Tự do đặc sản dùng đi cả làng.
Trong tập thơ trào phúng, thơ vui, giễu mình - chép tay ( mang tên thơ Đầu Đất - 36 bài ) anh ghi trích ngang lý lịch tại ngay trang đầu gồm “Sơ yếu lý lách - Tên cúng lạc: Ranh nhân (thay cho Doanh nhân) Đầu Đất; Bút danh: Thôi nhân (thay cho Thi nhân ) Bờm xứ Đoài”, và than :
Người ta đầu óc thông minh / Còn tôi đầu đất nên sinh họ Bờm .
Khi mới nghỉ hưu năm 2017, anh mượn bố mẹ vợ mảnh đất 27m2 đầu làng Đông Khê, huyện Đan Phượng, ngoại ô Hà Nội, rồi tự tay dựng quán, kê bàn ghế bán trà đá vỉa hè, để tủ bày bán vàng mã hương nhang cho người bác trong quê làm. Khi cơn sốt đất ở ven đô ngoại thành Hà Nội diễn ra bởi các dự án khu công nghiệp, làng nghề đi vào hoạt động, từ một làng quê yên bình, thị trường mua bán, thông tin nhà đất nở rộ, văn phòng nhà đất mọc lên như nấm sau mưa, anh không nằm ngoài cuộc, hăm hở gia nhập làng cò, treo thêm biển thông tin nhà đất, hỗ trợ vay vốn ngân hàng và đích thị trở thành đầu đất. Hàng ngày đi đi, lại lại hỏi nhà nhà, người người xem ai bán đất, thu thập sổ đỏ và đăng báo mua bán, facebook,…tìm khách mua.
Ngay cửa quán, Bờm in bạt làm đôi câu đối: BÁN ĐẤT, BÁN NƯỚC, KHÔNG BÁN QUỐC/ BUÔN TIỀN, BUÔN BẠC, CHẲNG BUÔN QUAN
Sự tìm tòi, sử dụng ngôn ngữ khá thú vị độc đáo bởi “Đất ; Nước” cũng là (Tổ) Quốc, và “Tiền; Bạc” cũng là Quan (tiền) !!!
Sau một vài vụ môi giới thành công, anh đổi hai bánh lên bốn bánh, mua chiếc mẹc, sắm máy đếm tiền, két sắt và lên đời điện thoại Vertu – loại dành cho doanh nhân VIP. Từ một cựu chiến binh anh trở thành một “ranh” nhân bất đắc dĩ lúc nào không hay.
Thế rồi sẵn máu văn chương, tập thơ Đầu Đất (Thơ vội, thơ vui, thơ hài hước, giễu mình) của anh ra đời với bút danh Bờm xứ Đoài. Những đứa con tinh thần lục bát, bút tre, tự do của Bờm xứ Đoài chào đời.
Kinh thi, kinh lễ gia truyền nay bổ sung thêm hương vị kinh tế, cùng các hot trend thời đại, ngôn ngữ thơ có lẽ cũng trở nên khác lạ, hóm hỉnh, hấp dẫn hơn:
Xưa Bờm có cái quạt mo/Nay Bờm có mảnh ruộng to sổ hồng…
Trong bài Cò súng - cò đất, Bờm giật mình thảng thốt: …Trước đây là khu nuôi gà/Sau ra mặt phố thành nhà “Bác Kim”/ Xưa là chỗ để chuồng chim/ Nay thành cơ sở biển ghim tên trường…
Các ngón nghề kiếm tiền từ đất, tham nhũng “cạp đất để ăn”, lợi ích nhóm làm giầu bất chính từ đất, lấn chiếm đất công biến thành của riêng, chuyển đổi đất kẹt, giải phóng đền bù…của một số cán bộ lãnh đạo và địa chính tha hoá biến chất tại các địa phương, qua thông tin đài , báo và truyền hình đều được Bờm tìm hiểu và tổng kết: Phong bì làm đạn bọc đường/ Không cần dùng khẩu súng trường ngày xưa/Cò súng vất vả nắng mưa/Cả đời cống hiến vẫn chưa có nhà/Cò đất chỉ mỗi la cà/Bằng trăm cò súng ở nhà cỏn con…
Hệ luỵ của dự án về làng, bán đất được nhiều tiền, tự dưng có rất nhiều tiền, giầu có, nhà cao tầng, nhà nghỉ đua nhau xây lô nhô, nhiều gia đình có con cái phạm vào cờ bạc, nghiện hút…gây bao đau khổ, kẻ tóc bạc đưa tiễn kẻ tóc xanh, rồi bồ bịch tùm lum cũng được Bờm đưa vào thơ: Ao xưa nay biến mất đâu ?/ Khách sạn, nhà nghỉ xây sau chùa mình/Ngày xưa phơi phới sân đình /Ngày nay ý ới đi rình đánh ghen.
Xót xa nhưng anh vẫn hy vọng và tin yêu vào cuộc sống, tin vào tấm lòng vị tha của những người phụ nữ ba đảm đang, chân quê: Mỗi sợi bạc, một mối tình/Lẫn trong số đấy một mình tóc sâu/Tất cả rồi sẽ qua mau/Bạc sâu ôm nó đổi màu sang xanh.
Và nhận thức, yêu cái chân quê vẫn được anh ủng hộ: Tóc rối đổi kẹo khi xưa/Vẫn là tóc thật bỏ bùa tim anh/Bây giờ tóc giả long lanh/Sao anh chẳng thấy tim anh phập phồng.
Trong đại dịch Covit 19 của thời đại, Bờm có những phát ngôn hài hước dìm cho đất cát chìm nghỉm, ca ngợi tình người, tình quê và nói lên mơ ước cho bao người dân: Nhà ngoài mặt phố Hàng Ngang/Không bằng bố có khẩu trang để dùng...Hoặc: Ngày xưa mơ ước rất nhiều/Hai không mười chín, mơ liều vắc xin.
Tình quê, tình người Việt mãi đẹp sao, cần tôn vinh, còn đây: Phố phường đóng cửa đã lâu/Đoàn người tấp lập qua cầu về quê/Quê nghèo trước bỏ làm thuê /Giờ cô vit hại, về quê chọn nghèo.
Đau lòng trước thực trạng bỏ quê, lên phố, tranh chấp đất đai, một lần nữa Bờm than: Sống thì con nó bỏ bê/Chết thì chúng nó gọi về chia nhau/Tiền âm chúng nó đốt mau/Sổ đỏ cãi cọ, đưa nhau ra toà.
Bàn về giải pháp phân chia đất đai, tránh hệ luỵ con cháu tranh giành đất cát, Bờm đưa ra ý kiến: Hãy mang sổ đỏ bán chơi/Tránh cho con cháu máu rơi vì tiền/Lo xa trừ bỏ mối phiền/In thơ con cháu hết tiền không hư.
Từ Buôn đất, Buôn tiền tới “Buôn người, Buôn thơ”
Nhà đất đến chu kỳ lao dốc, với tính gàn dở của kẻ văn chương, nhiều tình tính tang và ít tang tính tính, anh giữ không bán cắt lỗ mà ôm như kẻ đánh bom cảm tử, cho dù hàng tháng trả lãi ngân hàng vẫn phải đều đều. Đến hẹn lại nên, đều như vắt chanh, mỗi tháng tiền trả lãi ngân hàng đã cắt đi 1m2 của mỗi mảnh đất anh mua đầu tư. Tài chính lúc rủng rỉnh do giao dịch mua bán thuận lợi, do đi vay, rồi chưa dùng tới cho anh em bạn bè mượn thì sau đấy cũng hồi âm thưa dần do cũng bị chôn vào đất.Và báo cáo tổng kết của Bờm cho thấy những kết cục phải gánh của việc buôn đất, buôn tiền:
Đất lên một tý/Xong lại giảm sâu/ Tiền cũng qua cầu/Mất toi nhà ở.
Khi phong trào du học, lao động nước ngoài nở rộ, nhà nhà người người cho con đi du học tại các nước Nhật, Hàn, Úc, Anh, Đức, Mỹ với hy vọng con cháu sẽ thành đạt, kiếm nhiều tiền, Bờm lại chỉ ra những mù quáng, góc độ hạn chế, ham giàu xứ người: Du học đào tạo nhân tài/ Học xong thì lại ở ngoài Việt Nam.
Bi kịch của vụ án 39 sinh mạng người lao động Việt chết trong conteno do bị ngạt thở sau khi chui xe thùng kín tìm đường sang Anh không thành, Bờm nức nở: ...Anh quốc tìm cách đi đầu/Xe công đóng kín rủ nhau trốn nhà /Tưởng chẳng ai biết sẽ qua/Ai ngờ vĩnh biệt mẹ già con côi.
Làm rể Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, một làng văn hiến, có lưu truyền một kho tàng truyện cười dân gian, gồm những câu chuyện nói khoác nhưng có lý lẽ đặc sắc của các cụ. Những chuyện Cây rau dền gốc ở Đại Phùng, ngọn ở chợ Sấu; Cây ớt cao phải bắc thang mới hái được quả..; Cái trống đại..; Cái áo quan…; Chín chõ xôi… nghe qua tưởng như vô lý nhưng giảng giải lại hợp lý hợp tình. Nơi đây, người dân Đại vẫn truyền miệng câu ca: “Đại Phùng nói khoác đổng đời/Phượng Trì nối khố ăn chơi đủ vành”. Học tập truyền thống các cụ, Bờm cũng nặn đôi câu lục bát và đốt đình Đại Phùng, một ngôi đình cổ có từ thế kỷ 17, hiện đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt:
Súng trường nổ tận Sơn Tây/ Qua mồm anh Đại nổ ngay đình Phùng
Nghe qua tưởng như vô lý nhưng giảng giải lại có lý, súng bắn địa phận Sơn Tây, đầu đạn bay tới đình Đại Phùng nổ gây cháy đình !!!
Lục bát đốt đình, thật thú vị, xưa nay chắc chỉ có kẻ Đầu Đất - Bờm xứ Đoài là chủ mưu!
Khi phong trào thơ ca khắp nơi nơi nở rộ, vấn nạn “trăm hoa đua nở”, các danh hiệu to đùng, cao sang, lung linh phong cho nhà thơ, cũng như sự nở rộ các “tổ chức”, “câu lạc bộ” thơ nói chung, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, cho dù đầu ra không có nhà xuất bản, nhà sách nhập mua, không bán được. Rồi thêm mạng xã hội facebook, báo chí lá cải… đưa tin về những nhà thơ địa phương, với các giải thưởng khủng, danh hiệu lớn: “Nhà thơ thế giới”; Bảng vàng ghi danh của "Hội đồng Thơ Báo Facebook nhân loại",.. nhưng thơ vẫn ế tràn lan. Thói háo danh đang lây lan ra nhiều người, trở thành vấn nạn xã hội. Người giàu có, bạc tiền rủng rỉnh, muốn kiếm chút hư danh. Người chưa có gì thì mong chút danh hiệu để có tên có tuổi, chen chân vào giới showbiz… hay đơn giản là chỉ để cho oai.Vốn sẵn máu kinh doanh, Bờm nhìn thấy cơ hội lớn: các nhà thơ, nhà văn đích thực thì chuyển nghề hoặc phải làm thêm, còn những ông chủ, người có tiền giàu có thì tập làm thơ, thuê viết lách, xuất bản ghi tên mình để “làm oách” trang trí cho đẹp bản thân. Bờm tính mở cửa hiệu “Cầm đồ thơ văn”, việc không thành do xin cấp phép không được và thế là quán thơ cóc xứ Đoài ra đời: Mở cửa lạm phát thơ ca/Ta về ta mở quán trà buôn thơ…
“Gặp nhau tay bắt mặt mừng/Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”/Nhiều khi vui đến bất ngờ/Năm nghìn một ký mua chờ người trao.
Và nghiệp văn vốn vận vào anh không thoát, sau các mất mát to lớn về kinh tế, nhân tình thế thái, Bờm trở về với bản ngã, sở thích vốn có: Người ta xây cái Vĩnh Hằng/Tôi đi đào bới lằng nhằng văn chương/Người ta bán những mét vuông/Còn tôi mua cái ẩm ương ở đời.
Đời sống làng quê cho anh những cảm xúc:Góc hoa xa thành thị/ Câu thơ trôi về làng/ Gió đông không thấy lạnh/ Tình quê vui lửa hồng
Sự thanh thản, niềm vui tinh thần và hạnh phúc nơi quê nhà ven sông Hồng với người mẹ già, Bờm kết:
Cuộc đời người lắm bến mê/ Mà cái hiểu biết bốn bề mông lung/Đuổi theo vật chất muôn trùng/Chi bằng đồng ruộng vui cùng thiên nhiên/ Làm thơ sáng tác tự biên/Bàn văn xét nghĩa thêm niềm vui tươi…