Lộc chỉ dám thể hiện niềm đam mê với gốm cổ bằng cách tìm mua và đặt ở phòng riêng để lặng lẽ thưởng thức, chứ chưa dám khoe với ai. Nói về bản thân, chàng trai 9X có vẻ “ngại ngùng” nhưng khi hỏi về đồ cổ lại “thao thao” bất tuyệt. Với Lộc, những ngày đầu đến với đồ cổ đã gặp phải không ít khó khăn và trở ngại, nhất là sự phản đối từ ba mẹ. Vì theo họ, không phải ai chơi cũng được, đặc biệt là khá tốn kém, không có kinh nghiệm là tiền mất mà đồ cổ chẳng thấy đâu. Bất chấp tất cả, Lộc vẫn “nuôi dưỡng” niềm đam mê bằng nhiều cách, từ lên mạng tìm hiểu các loại đồ gốm, lịch sử hình thành đến khả năng lưu truyền, rồi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và qua nhiều lần “nhìn gà tưởng phượng”, Lộc đã sưu tầm được khá nhiều đồ gốm làm đẹp thêm cho gian phòng nhỏ.
Khoe “gia tài cổ” của mình, chàng trai trẻ không giấu được niềm vui, miệng không ngừng lý giải: “Điểm phân biệt cơ bản nhất với gốm cổ là màu men và hoa văn in trên sản phẩm. Màu càng mới, hoa văn càng tinh xảo thì 99% không phải gốm cổ. Nhưng để phân biệt chính xác thì cần phải học hỏi, chỉ có những người dày dặn kinh nghiệm, tinh thông các loại gốm xưa và nay mới hiểu hết”. Trong căn phòng không rộng, nhưng góc để đồ cổ của Lộc lại rất ngăn nắp, gọn gàng. lâu lắm thì cũng vài hôm là Lộc lấy khăn lau bụi từng món đồ một cách kỹ lưỡng. Tuy là gốm cổ nhưng tất cả đều thuộc dạng thông dụng, dễ tìm như: chén, dĩa, bình hoa, vại, hũ... nên Lộc lúc nào cũng khiêm tốn bảo rằng chỉ sưu tầm cho thỏa đam mê. Thế nhưng ở Lộc là niềm đam mê dành cho những giá trị xưa khi mà tuổi đời còn khá trẻ. Bởi lẽ, chàng trai 9X này có thể trích ra hơn nửa tháng lương chỉ để mua về món đồ gốm mình thích khi đã xác định được giá trị thật của chúng.
Theo Báo An Giang