
Thôn Hạ Thành có hơn 100 hộ dân đều là người dân tộc Tày.Cuối năm 2011, thôn được tỉnh Hà Giang công nhận là Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng và sinh thái. Trên con đường lớn từ thành phố Hà Giang tới cửa khẩu Thanh Thủy, có thể dễ dàng thấy cổng chào của thôn được dựng khang trang. Đường làng, ngõ xóm đều đã trải bê tông khang trang. Hai bên đường vào thôn là những ruộng bậc thang xếp tầng lên nhau, hoặc những ao cá rộng để người dân nuôi cá.
Người dân trong thôn sống quây quần gần nhau. Những nếp nhà được xây theo kiểu nhà sàn truyền thống, tất cả bằng tre, nứa, gỗ. Tường rào được làm bằng những liếp tre đan thưa, cổng nhà bằng gỗ. Sân nhà hầu hết đã được láng bê tông sạch sẽ. Mọi gia đình trong thôn đều ý thức được việc giữ gìn cảnh quan, môi trường theo mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”. Nhà nào thực hiện được cũng được treo một tấm biển nhỏ, màu đỏ chói để tuyên dương.
Điều đặc biệt, ở đây, những cánh cổng không bao giờ đóng. Du khách luôn được chào đón vào thăm nhà, cùng ngồi nhâm nhi chén trà, chụp ảnh bên bếp lửa hay chỉ là ngồi dưới tán cây nghe các cụ già trong bản kể chuyện về cuộc sống của nơi đây. Người dân Hạ Thành giờ đã biết làm du lịch cộng đồng, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, mua sắm thêm chăn đệm để đón khách về lưu trú, cho mượn xe đạp để du khách tự do khám phá bản làng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan, anh Đặng Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang hứa hẹn sẽ cho mọi người thấy nhiều điều bất ngờ ở nơi đây. Sâu vào trong thôn, giữa những cánh đồng lúa là rất nhiều hòn đá cuội nguyên thủy nằm rải rác.Mỗi hòn một kích cỡ, hình dạng, có những tảng đá lớn có thể vừa tới 7, 8 người đứng lên, có những hòn đá lẻ loi đứng một mình tạo nên cảnh quan độc đáo. Mọi người có thể ngồi đó ngắm nhìn đàn trâu, bò gặm cỏ, những người phụ nữ mặc áo chàm truyền thống đang nhặt cỏ, hay ngồi nhìn khói bếp đang lên trên những mái nhà lá cọ xa xa khi chiều về.
Cách đó không xa là một con suối nhỏ quanh năm róc rách, dòng thác chảy xuống lòng hồ trong mát, có những triền đồi yên bình ngay cạnh dòng suối để du khách tự do vui chơi. Hai bên dòng suối, những vườn sắn, ruộng rau nhỏ của bà con càng làm cho không gian yên bình, nên thơ.
Tới bữa cơm, khách muốn dùng cơm có thể đặt trước chủ nhà. “Người Tày nấu ăn rất ngon”, anh Sử bảo với chúng tôi thế. Mà không ngon sao được, khi rau xanh trong vườn nhà, gà, cá thả tự nhiên, gạo nương lúc nào cũng thơm ngon bày ra đãi khách. Gia chủ sẽ mời khách thưởng thức những món ăn mang đậm văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc miền núi như thịt gà, thịt bò khô, lợn đen, rau núi như rau tầm bóp, rau rớn...., các loại rượu vùng cao như rượu ngô, rượu thóc. Nếu tới đúng dịp còn được ăn cá bỗng, loài cá được bà con nuôi tự nhiên trong những ao trong nhà, thịt thơm, ngon, chắc, được coi là loài đặc sản của nơi đây. Bà con trong thôn cũng lập những đội văn nghệ để vừa biểu diễn các làn điệu dân ca truyền thống, vừa phục vụ du khách. Đêm nào có khách ở lại, sau bữa ăn, đội văn nghệ sẽ trình diễn hát then, hát lếu, múa cấy…, những lối hát dân ca truyền thống của dân tộc Tày.
Giữa tĩnh mịch của núi rừng, sau những khoảnh khắc rong ruổi theo cung đường hùng vĩ, tới Hạ Thành như một dịp để du khách lắng lại mọi cảm xúc vừa trải qua, sống chậm hơn, nghe được những âm thanh của cuộc sống từ những điều nhỏ bé nhất như tiếng suối, tiếng cối giã gạo đều đều theo dòng nước, tiếng gà gáy sớm mai, tiếng trẻ con nô đùa trên đường thôn.
Vẫn là Hà Giang thôi, góc của bình yên, mộc mạc và căng tràn sức sống!
Theo Hương Thảo (Báo Du Lịch)