Bình Thuận phê duyệt Đề án du lịch đa dạng và mở rộng “không gian” văn hóa

07/06/2024 14:01

Theo dõi trên

UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định Số: 1114 /QĐ-UBND.

binh-thuan3745-1717743520.jpg
Bình minh trên biển Lagi

Bình Thuận xác định du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh nhà, đã có những định hướng trong công tác xây dựng, cũng như quy hoạch, để đưa Bình Thuận trở thành một trong những địa danh thu hút khách du lịch cả trong nước và quốc tế.

Với hơn 190 km bờ biển, Bình Thuận sở hữu rất nhiều đồi cát và những bãi tắm tuyệt đẹp nhờ thời tiết ổn định quanh năm. Đi cùng với du lịch biển, Bình Thuận còn có những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, đây cũng là một trong những thế mạnh của Bình Thuận để thu hút khách du lịch.

Nắm bắt cơ hội, cũng như đón đầu những thay đổi của khách du lịch trong tương lai, tỉnh Bình Thuận quyết tâm xây dựng để đưa vùng đất này phát triển hơn nữa. Xứng đáng với lợi thế về địa lý, phù hợp với quy hoạch và phát triển không gian du lịch Bình Thuận. Đáp ứng được mong muốn của khách du lịch khi tìm đến sự đa dạng về các loại hình, từ du lịch ẩm thực, tham quan, hội nghị, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng... xuất phát từ mục tiêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và phê duyệt Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Đề án: Tỉnh Bình Thuận sẽ phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng về tự nhiên và văn hóa; hài hòa trong xây dựng, phát triển loại hình, sản phẩm du lịch. Phát huy tính trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách du lịch trong từng loại hình, sản phẩm.

Phát triển loại hình, sản phẩm theo lộ trình, có tính ưu tiên, bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa cung và cầu trong du lịch; đầu tư có trọng tâm trọng điểm; phát huy tính đặc trưng của tỉnh Bình Thuận.

Sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên du lịch theo hướng bền vững. Bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền.

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự kết hợp bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh, các phân tích, đánh giá và định hướng phát triển được dựa trên mối quan hệ tổng thể, có tính hệ thống, tính kết nối liên ngành, liên lĩnh vực và liên vùng.

binh-thuan83703-1717743579.jpg
Chiều trên đảo Phú Qúy. Ảnh: NDHA

Mục tiêu của Đề án rất cụ thể như:

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phải thay đổi để thu hút du khách đến tỉnh Bình Thuận nhiều hơn, tạo sự thoải mái, gây ấn tượng tốt đẹp để khách du lịch lưu trú dài ngày hơn, quay trở lại nhiều lần và góp phần tăng doanh thu cho du lịch, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án cũng đa dạng hóa loại hình để tạo ra sản phẩm du lịch chuyên đề như: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái biển - rừng - đồi cát và các môn thể thao phù hợp trên biển, trên cát mà Bình Thuận đang có nhiều lợi thế.

Và để thực hiện đề án được hiệu quả, Bình Thuận đã tổ chức lại không gian phát triển du lịch cụ thể như:

Tăng cường phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp. Tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên loại hình như: Du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe (WELLNESS), du lịch kết hợp với hội nghị (MICE), du lịch nghiên cứu, tham quan…

Lập quy hoạch cho từng khu, chọn loại hình phù hợp với các địa danh nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bình Thuận như, huyện Tuy Phong, Bắc Bình triển khai mảng  du lich sinh thái, nghỉ dưỡng biển, điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng, lặn biển, tham quan khu bảo tồn biển Hòn Cau. Ở các địa danh này thì thị trấn Phan Rí Cửa - Bình Thạnh - Liên Hương là trung tâm. Ngoài ra, bổ sung mảng du lịch văn hóa Chăm, tham quan làng nghề đặc trưng, du lịch home-stay…

Điểm trung tâm du lịch của tỉnh gồm thành phố Phan Thiết, phía Nam huyện Bắc Bình, dãy ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam và đảo Phú Quý chọn Khu du lịch quốc gia Mũi Né và Nam thành phố Phan Thiết làm trọng tâm.

Mảng du lịch chủ đạo ở đây là MICE (Meeting, Incentive, Conference, Event) đây là một dạng du lịch gắn liền với hoạt động của số đông như hội thảo, hội nghị và các sự kiện lớn.

Mảng du lich sinh thái, du lịch thể thao và cả mô hình du lịch WELLNESS (một kiểu du lịch kết hợp với phục hồi sức khỏe và nâng cao thể chất) hiện rất được khách du lịch ưa chuộng.

binh-thuan3937-1717743656.jpg
Chơi dù lượn trên biển Mũi Né. Ảnh: NDHA

Bình Thuận cũng chú trọng việc đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà hàng, khách sạn, các cơ sở vui chơi, giải trí, đặc biệt là các khu vực phục vụ về đêm có quy mô tại các trung tâm đô thị, khu vực có các dự án du lịch. Có kế hoạch mời gọi đầu tư xây dựng để sớm đưa bến thủy nội địa - bến cảng du thuyền vào khai thác nhằm mở ra các tuyến du lịch mới nội tỉnh và liên vùng, có sức hấp dẫn cao.

Kêu gọi nhà đầu tư, xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đảm bảo sự đa dạng về sản phẩm, cũng như cung cấp những sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận và cả những sản phẩm cao cấp của các thương hiệu lớn trên thế giới để phục vụ khách du lịch thuộc giới thượng lưu.

Với những mục tiêu mà Đề án đã được duyệt, hy vọng trong thời gian tới khách du lịch đến với Bình Thuận sẽ tìm thấy điều mới lạ, có được sự hưởng thụ một cách tốt nhất theo một slogan rất riêng “Những gì bạn muốn, những gì bạn cần ở đây chúng tôi đều có”.

Hà An
Bạn đang đọc bài viết "Bình Thuận phê duyệt Đề án du lịch đa dạng và mở rộng “không gian” văn hóa" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.