Với mong muốn được một lần sở thị cảnh mặt trời mọc trên đỉnh Núi Sam, nên đến với An Giang kỳ này công tác chuẩn bị cho chuyến vượt núi của nhóm tham gia khá chu đáo. Đường lên núi có độ dốc và nhiều khúc cua ngoằn ngoèo nguy hiểm, nếu không quen đường thì du khách khó có thể can đảm vượt đèo một mình. Vậy thì cách tốt nhất là chọn một bác xe ôm có kinh nghiệm và phương tiện đảm bảo để lên núi an toàn. Sau 20 phút xe chạy qua các con dốc với hai bên là vách đá dựng đứng, nhóm vượt núi đã có mặt trên đỉnh Núi Sam như mong ước bấy lâu. Trời chưa sáng hẳn, sương sớm còn phủ trên cành lá, đó đây vẫn tiếng côn trùng kêu rả rích như hối thúc màn đêm mau rời đỉnh núi để nhường cho buổi mai đang dần dần đến. Tìm một bãi đá, đứng quan sát bốn xung quanh, cảm giác gần gũi thân yêu và khó quên ngay từ những phút đầu tiên đã làm ta tưởng như đang lạc vào chốn thiên đường giữa buổi bình minh mai sớm.
Khu Bảy Núi là vùng đất linh thiêng của phương Nam và cũng là nơi hội tụ linh khí của trời đất nên không bỏ lỡ cơ hội, một số người vươn vai hít thở thật sâu vào lồng ngực cái thanh tao thuần khiết của đất trời ban tặng. Cảm giác khoan khoái, dễ chịu làm ta thấy căng tràn sức sống, bên trong cơ thể dòng máu nóng đang chảy như có sức mạnh kỳ lạ khiến bao lo toan muộn phiền, mệt nhọc tan biến đi đâu hết. Bài tập thể dục nhẹ vừa xong thì cũng là lúc trời hừng sáng. Phóng tầm mắt ra phía xa nơi kênh Vĩnh Tế khơi nguồn chảy từ sông Ông Đốc xuôi xuống Hà Tiên một đường thẳng dài tít tắp. Bên kia bờ kênh là đất của nước bạn Cambodia với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Phía sau lưng là miệt Tri Tôn - Tịnh Biên với dãy Thiên Cấm Sơn ăn ngang ra trông như một con rồng đang vẫy mình cuộn sóng. Bên tay phải là khu di tích chùa Tây An miếu Bà Chúa Xứ - Lăng ông Thoại Ngọc Hầu hiện ra trong làn khói sương mờ ảo. Bên tay trái dấu tích bệ đá sa thạch nơi bà Chúa Xứ ngự ngày xưa và pháo đài cũ của Pháp xây dựng còn nguyên vẹn. Theo tâm niệm và thói quen khi đến những nơi linh thiêng thì vẫn là những nén nhang kính dâng trời đất, thần linh ngự trị cùng đôi điều nhắn gửi cầu mong quốc thái dân an, cuộc sống gia hòa hạnh phúc.
Truyền thuyết dân gian còn kể rằng: Lúc đào kênh Vĩnh Tế, đức quân hầu Nguyễn Văn Thoại gặp vô vàn khó khăn. Một đêm nọ vợ ông, bà Châu Thị Tế nằm mơ thấy Chúa Xứ Thánh Mẫu gọi đến mà bảo rằng hãy kén chín cô gái đồng trinh đem kiệu rước bà xuống núi bà sẽ giúp cho việc nước mau thành. Sáng ra bà bẩm báo với chồng và ngay lập tức đức quân hầu cho người đi thị sát và quân lính về bẩm báo trên đỉnh núi có hình hài Chúa Xứ Thánh Mẫu ngự trị. Tin theo giấc mơ là sự thật, chọn ngày lành đức quân hầu làm lễ mở đường đem kiệu rước Bà Xứ Thánh Mẫu hạ sơn. Trên đường về đến đúng vị trí ngày nay là ngôi miếu thờ đồ sộ mà Bà đang ngự lãm thì kiệu không sao khiêng được nữa. Vậy là tháng giêng năm 1819 vua Gia Long giao cho đức quân hầu Nguyễn Văn Thoại khơi ngòi đào kênh Vĩnh Tế, cũng tháng 2 năm đó miếu bà Chúa Xứ Thánh Mẫu cũng được dựng lên trên nền đất ngày nay chúng ta đang thấy. Hiện tại trên đỉnh núi Sam vẫn còn nguyên dấu vết và bệ đá sa thạch màu đen nơi cách nay 200 năm bà Chúa Xứ đã ngự lãm. Chụp mấy tấm ảnh tư liệu xong đưa tay sờ vào từng mạch đá trên bệ sa thạch mà lòng rạo rực khôn nguôi: "Trăm năm dấu tích còn đây/ Nơi xưa Bà ngự bóng gầy thời gian/ Sờ lên bệ đá khẻ khàng/ Nghe lòng khôn cảm lệ hàng rưng rưng" (Trích Non nước trời Nam - Quang Vinh)
Nén nhang thơm dâng trời đất thổ thần vừa xong, tiếng í ới của mọi người ngoài mỏm đá phía trước núi rủ nhau đón mặt trời lên. Hừng đông sau đám mây vần vũ ông mặt trời đỏ lừ như chảo lửa dần dần hiện ra trong sự quyến rũ và mê ly kỳ lạ của cảnh vật hiền hòa. Bật máy ảnh lên và bắt đầu chọn góc độ sáng cùng nền phối cảnh để chụp ông mặt trời lúc bình minh trên đỉnh núi Sam. Sự kỳ thú của thiên nhiên chỉ đến trong khoảnh khắc mà du khách một lần qua một lần cảm nhận. Ánh dương lan tỏa khắp vùng, sự nảy sinh của mầm sống như không thể gì cản nổi đang tràn khắp vùng Bảy Núi đẹp đến lạ kỳ. Muốn có một không gian riêng để cảm nhận cái hiền hòa nhưng kỳ vĩ của đất trời chuyển giấc, du khách có thể một mình ngồi bên mỏm đá sát triền núi. Ở đó bốn bề tĩnh lặng, tỉnh tai lắm ai đó có thể nghe được tiếng lá rừng khe khẽ cựa mình như sợ giọt sương ban mai giật mình thức dậy trườn mình rơi xuống. Núi Sam là thế, buổi sáng sớm nơi đây không những yên bình mà núi và đá này còn ấp ôm trong mình những điều vô cùng bổ ích cho người bản xứ và khách thập phương nếu biết. Ngay kẹt đá phía sau là một bụi cỏ Ngọt mọc chìa lìa trên vách, bài thuốc phòng độc trong dân gian mách rằng: “Lá cỏ Ngọt mọc trên đỉnh núi cao lấy mấy cọng cho vào miệng nhai và nuốt hết nước sẽ dung hòa các độc tố theo thức ăn hàng ngày vào cơ thể. Cỏ Ngọt làm được việc đó là bởi tự thân cây cỏ mọc ở trên núi cao hấp thụ linh khí của trời đất và chỉ sống bằng sương đọng trên kẹt đá nên rất sạch, tính bình giải độc và vị rất ngọt dễ đi vào tì vị…”.
Sương sớm tan dần, nắng bắt đầu lên, gió từ phương Nam thổi vào các triền cây xào xạc, thật là thú vị khi buổi sáng mai ngồi một mình trên mỏm đá lắng nghe tiếng gió nhẹ hòa vào núi đá cỏ cây. Không gian thanh bình, cây cối chuyển mình cùng tiếng vọng của chim kêu trong lờm cỏ như một bản nhạc du dương của thiên tạo nên vần, nên diệu. Đây chính là “Thiên địa cầm” một bản nhạc tự nhiên như chính sự tự nhiên của trời đất giao hòa đang tấu lên trên đỉnh núi Sam mà ai đó có cơ duyên nghe được.
Rời đỉnh núi Sam khi mặt trời dần lên, nắng sớm lan rộng một vùng mang lại màu xanh cho hoa, cho lá, cho sự sống con người nơi ngày mới. Xe xuống dốc du khách phải buộc bác tài đi chậm hơn cho đảm bảo an toàn. Bên triền núi phía tay phải một khu nghỉ dưỡng hiện ra trông rất sang trọng. Hỏi ra mới biết hơn trăm năm lúc mới qua Việt Nam, người Pháp đã phát hiện ra cảnh quan khí hậu nơi đây và cho xây dựng khu nghỉ dưỡng dành riêng cho giới quan chức quý tộc sang giàu. Thế mới biết người Âu Châu rất nhanh nhạy và ý thức được những thời cơ vô cùng thuận lợi cho chiến lược khai thác tiềm năng vô tận của ngành du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Trải qua thời gian, ngày nay khu nghỉ dưỡng trên núi Sam vẫn do một công ty của ngoại quốc khai thác và vận hành trôi chảy.
Xe xuống núi, tạm biệt núi Sam, và tạm biệt cả điệu nhạc “Thiên địa cầm” nơi đỉnh núi linh thiêng mà trong lòng vẫn ước ao một ngày trở lại đón bình minh sớm trên đỉnh núi Sam.