Biển xanh, áo trắng và những trái tim hồng

20/09/2017 16:00

Theo dõi trên

Trường Sa – Quần đảo xa xôi của Tổ quốc ta, hai tiếng thiêng liêng ấy giờ đây ngày một gần hơn với đất mẹ, gần hơn với sức mạnh, niềm tin và tình yêu dành cho biển đảo yêu thương.



Buổi lễ khánh thành trung tâm y tế thị trấn Trường Sa ngày 25/5

Ở nơi ấy có những người lính đang ngày đêm vững vàng tay súng. Ở nơi ấy có những công dân đầu tiên mang giấy khai sinh Thị trấn Trường Sa. Và ở nơi ấy còn có những ngư dân bám biển mưu sinh từ thuở cha ông khai thiên phá thạch. Giữa biển xanh mênh mông, cuộc sống của quân và dân Trường Sa phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách. Trường Sa đầy nắng, đầy gió và bão giông.  Những hòn đảo tiền tiêu luôn có cường độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao và công cuộc mưu sinh của ngư dân trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt luôn tiềm ẩn những hiểm hoạ khôn lường. Và mối lo thường trực nhất của con người là khi chẳng may bị bệnh hiểm nghèo, chấn thương…cần đến những bàn tay của người thầy thuốc, phải can thiệp bằng phẫu thuật trong điều kiện cách xa đất liền 400 hải lý. Họ là những người lính áo trắng giữa biển xanh mênh mông đang thực hiện sứ mệnh bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm của những trái tim hồng. Thấm thoát đã 25 năm trôi qua, kể từ ngày tổ quân y đầu tiên của Bệnh viện 175 ra đảo làm nhiệm vụ. Trong tâm trí của những người lính áo trắng thuở ban đầu ấy, vẫn vẹn nguyên ký ức một thời gian khó mà rất đỗi tự hào. 

Tổ quân y đầu tiên ở Trường Sa

“Tôi là một trong những người lính cuối cùng rút quân khỏi Cam Pu Chia, sau đó tiếp tục lên đường xây dựng tổ quân y đầu tiên ở Trường Sa”. Bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng bắt đầu như thế với câu chuyện đời binh nghiệp của mình. Ngày ấy, vào một buổi tối đầu tháng 2 năm 1992, Đại tá Trần Minh Tư giám đốc Bệnh viện 175 mời bác sĩ Dưỡng đến dùng cơm tại gia đình để động viên, tâm sự . Trong câu chuyện giữa hai người đồng chí từng xông pha lửa đạn, họ đã nói với nhau rất nhiều về những mất mát, hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc . Điều day dứt hơn, có những hi sinh vì bất lực trước sự thiếu thốn khó khăn cả về trang thiết bị y tế lẫn con người. Đã qua thời lửa đạn, nhưng ở Trường Sa thì người lính vẫn đang ngày đêm đối mặt với mọi hiểm nguy. Và bác sĩ Dưỡng đã được ban giám đốc Bệnh viện 175 chọn mặt gửi vàng chỉ huy tổ quân y đầu tiên ra đảo. Là người lính thời nào cũng vậy, nhận lệnh là khoác ba lô lên đường. Nhưng lần này, cái khoảng cách xa xôi diệu vợi khiến anh có cảm giác bâng khuâng đến lạ. Đứa con thơ chưa kịp nhớ mặt cha, người vợ trẻ sớm hôm tần tảo một lần nữa giấu những giọt nước mắt tiễn anh lên đường nhận trọng trách mới. Hơn ai hết, chị thấu hiểu và chia sẻ nhiệm vụ của anh. Nghĩa vợ chồng, tình đồng chí đã tiếp thêm sức mạnh cho anh chị vượt qua tất cả. 

Sau 3 ngày 4 đêm lênh đênh trên biển, con tàu mang tên Đại Khánh của quân chủng Hải quân cập đảo Trường Sa. Trong ký ức của bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng, Trường Sa ngày ấy hoang sơ chỉ toàn màu trắng của cát và san hô chết. Màu xanh duy nhất lúc đó là hai bụi cây phong ba và vài cụm rau muống biển loe ngoe. Trên đảo duy nhất có một căn nhà gỗ, còn lại là những nhà bán âm nửa chìm nửa nổi, kèo sắt gỉ sét và lợp bằng fibro xi măng nóng rẫy. Mỗi khi gió biển thổi mạnh là từng đợt mưa cát bay vào trong nhà phủ đầy giường chiếu. Đảo trưởng dẫn tổ quân y đến một căn nhà giới thiệu: Đây là bệnh xá. “Quả thật khi còn ở đất liền tôi không thể hình dung được điều kiện trên đảo lại khó khăn đến vậy” -  Bác sĩ Dưỡng nhớ lại. Nói là bệnh xá cho oách chứ thật ra đó chỉ là một căn nhà lợp tôn, xung quanh là ván gỗ. Phòng điều trị rộng chừng 20 m2, có một cái bàn mổ nhưng trang thiết bị y tế gần như là con số 0. Cả đảo chỉ có một bộ dụng cụ trung phẫu. Thuốc thì cấp theo cơ số của trên, chủ yếu là thuốc thông thường, không có thuốc đặc trị quý hiếm gì. Khi đi thị sát một vòng quanh đảo, tổ quân y nhận thấy công tác vệ sinh môi trường trên đảo rất phức tạp. Vỏ đồ hộp, bịch ni long, xác tôm cá… ngổn ngang sau các căn nhà hoặc dưới bãi biển. Ruồi, muỗi, chuột nhiều vô kể. Trước tình hình đó tổ quân y đã đề xuất với Ban chỉ huy đảo phát động phong trào vệ sinh môi trường đảo sạch, đẹp. Phương pháp hiệu quả nhất là gom và đốt rác sau đó đào hố sâu chôn lấp. Tổ chức phun thuốc diệt ruồi muỗi định kỳ mỗi tháng một lần, hướng dẫn bộ đội bẫy chuột bằng bẫy tự chế. Ban chỉ huy đảo treo giải: Nếu có 10 đuôi chuột thì đổi được 1 kg thịt heo tươi. (Khi đảo tổ chức mổ heo, các đồng chí đạt chỉ tiêu lên lĩnh thưởng). Cứ duy trì đều đặn như vậy, qua một thời gian ngắn, vệ sinh môi trường trên đảo đã được chuyển biến tích cực. Sau 3 tháng công tác trên đảo, bác sỹ Dưỡng nhận ra rằng tỉ lệ bệnh tê, phù của cán bộ, chiến sĩ trên đảo có chiều hướng gia tăng. Lý do căn bản là do ăn gạo để lâu ngày đã giảm chất và lại thiếu rau xanh. Anh đề xuất với Ban chỉ huy đảo, đồng thời tổ quân y làm tiên phong trong công tác tăng gia sản xuất. Đầu tiên các anh tận dụng thùng phuy bỏ đi, bôi mỡ bảo quản xung quanh để chống chuột và che chắn gió biển bằng các bao tải rách. Kiếm đất trồng rau bằng cách gạt nhẹ lớp mùn trên cát, gom lại rồi nhặt phân heo khô, đập nhỏ ra, trộn lẫn. Hạt giống đem từ đất liền ra chủ yếu là các giống rau sam, cải xanh, muống hạt. Nước để tưới rau phải tận dụng từng giọt từ nước sinh hoạt theo đúng quy trình nghiêm ngặt của lính đảo: Rửa mặt-giặt quần áo, rửa rau-lau dụng cụ. Khái niệm tắm ở trên đảo là xa xỉ nhất.    Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi còn là lính hải quân đã từng viết: “Ôi, ước gì được thấy mưa rơi. Mặt chúng tôi ngửa lên như đất. Những màu mây sẽ thôi không héo quắt. Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên”. Vì thế nếu trời không mưa, việc tắm rửa phải tiết kiệm, tính toán chi li từng tí một, và tưới rau cũng vậy. Các anh chắt chiu từng giọt quý hiếm nhỏ xuống từng gốc rau, nâng niu như chăm em bé. Đến mùa gió chướng, bộ đội ta phải bê từng thùng phuy rau chạy trốn vòng quanh đảo để tránh bị gió táp làm cho khô héo.  Sau bao nhiêu ngày đêm bỏ công chăm sóc, đảo cũng có được bữa rau tươi đầu tiên do tự tay mình trồng. Khỏi phải nói sự vui mừng của anh em, từng ngọn rau được cắt hà tiện nhất, ăn cả cuống và nhấm nháp từng miếng như những sơn hào hải vị ở chốn cung đình. Thành quả của tổ quân y đã khích lệ Ban chỉ huy đảo phát động toàn đảo tăng gia cải thiện đời sống. Bữa ăn người lính Trường Sa ngoài thịt hộp, cá biển, từ nay đã có thành phần rau xanh, dù ít ỏi nhưng cũng đã góp phần rõ rệt nâng cao sức khoẻ. Tỉ lệ mắc bệnh ngoài da, bệnh về đường tiêu hoá giảm hẳn. Bộ đội không còn bị phù thũng, và quan trọng hơn, cảm giác nhớ đất liền đã vơi bớt phần nào. Sau khi ở Trường Sa hơn ba tháng, tổ quân y đã huấn luyện được mỗi tiểu đội có hai chiến sĩ vệ sinh, chịu trách nhiệm theo dõi sức khoẻ và phát thuốc cho đồng đội. Đến mùa huấn luyện, tổ quân y lại hướng dẫn 5 kỹ thuật cấp cứu, 10 điều vệ sinh môi trường biển đảo cho tất cả cán bộ, chiến sĩ. Rồi những bệnh ngoài da như ghẻ, lở, lang ben…kéo dài triền miên bấy lâu nay cũng được giải quyết triệt để. Bác sĩ Dưỡng nhớ lại, khi tập hợp hết những cậu bị ghẻ, lở, hắc lào cho bôi cồn I ốt, có đứa cười, đứa khóc, đứa nhảy tưng tưng như phải bỏng. Trong một lần khám, tổ quân y phát hiện 10 cậu bị hẹp bao quy đầu. Bác sĩ Dưỡng lệnh cho cắt hết, các cậu sợ, xấu hổ không chịu. Sau phải dọa các tướng rằng, nếu không cắt thì… đếch lấy vợ được. Thế là các cậu mới lò dò kéo nhau lên bệnh xá để tổ quân y xử lí. Rồi anh cười: “Hình như tôi ra đảo thì bệnh nó sợ bác sĩ hay sao ấy mà lính đảo không bị bệnh gì nguy hiểm. Trong hai năm ở đảo chỉ có một ca cấp cứu”. Đó là một buổi chiều mùa bão gió. Bệnh nhân là một chiến sĩ trẻ của nhà giàn DK1 được tàu chở sang. Do đã nhiều năm ngoài biển nên chiến sĩ này bị kiệt sức, viêm dạ dày cấp. Lúc đó tổ quân y đã chuẩn bị mọi thứ để mổ, nhưng sau mấy ngày được chăm sóc tốt, chiến sĩ ấy đã dần hồi phục. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, mới hôm nào đặt chân lên đảo mà đã đến ngày chia tay. Giờ phút rời xa, lính đảo tếu táo gọi anh bằng bố và đùa vui với anh: “Bố lo lắng cho tụi con đói rau, đau thuốc. Bố về tụi con nhớ lắm…”. Anh bùi ngùi kể lại những kỉ niệm đẹp về những năm tháng vinh dự là người chiến sĩ Trường Sa.
 
Bệnh xá giữa biển khơi
 
Theo Thiếu tướng, PGS.TS bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn-Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 việc chọn bác sĩ đưa ra làm việc tại Bệnh xá đảo Trường Sa đã thành một quy trình chặt chẽ. Chỉ riêng tiêu chuẩn về chuyên môn, các bác sĩ trưởng trạm phải là bác sĩ ngoại khoa giỏi, có bằng sau đại học, sau đó phải được đào tạo thêm một năm ở đủ các chuyên khoa mới được lãnh ấn tiên phong ra đảo. Thời gian phục vụ tại đảo của mỗi người thường là một năm, sau đó thay quân để anh em khác làm nhiệm vụ. Từ lúc chỉ là tổ bác sĩ thời kỳ đầu, đến nay đảo Trường Sa Lớn đã có hẳn bệnh xá khang trang tương đối đầy đủ thiết bị với 12 bác sĩ và nhân viên y tế, có khả năng giải quyết cấp cứu cơ bản nội ngoại khoa, tiến hành phẫu thuật cấp cứu ngay tại đảo. Trong những năm gần đây Bệnh xá đảo Trường Sa được trang bị hệ thống chẩn đoán y khoa trực tuyến Telemedicine giúp kết nối trực tiếp hình ảnh, âm thanh từ đất liền với đảo. Các chuyên gia tại Bệnh viện Quân y 175 có thể trao đổi nghiệp vụ trực tiếp qua màn hình video chất lượng cao để tư vấn cho ê kíp bác sĩ ngoài đảo thực hiện khám, điều trị, phẫu thuật những ca bệnh khó. Nhờ vậy mà thời gian gần đây Bệnh xá Trường Sa Lớn chẩn đoán được nhiều ca bệnh phức tạp, mổ kịp thời cho nhiều bệnh nhân, cứu được những bệnh nhân bị hôn mê sâu, biến chứng nặng phải thở máy ngay trên đảo. Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc cũng là một trong những chuyên gia thường xuyên tham gia tư vấn khám chữa bệnh, phẫu thuật qua Telemedicine cho Bệnh xá đảo Trường Sa. Ca khó có thể kể là trường hợp bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Đây là ca mổ đẻ đầu tiên thực hiện tại Bệnh xá đảo Trường Sa. Để ca mổ thành công, hàng chục chuyên gia của bệnh viện 175 đã ngồi ở phòng giao ban phân tích hình ảnh và đưa ra chẩn đoán, giám sát quá trình phẫu thuật. Bác sĩ Ngọc và ê kíp đã lập kế hoạch, theo dõi chặt chẽ vì ca này đặc biệt ở chỗ sản phụ bị u xơ tử cung, thai nhi lại có 3 tràng hoa cuốn cổ. Ca mổ đã thành công ngoài sự mong đợi. Công dân đầu tiên chào đời tại thị trấn Trường Sa đã đánh dấu một bước ngoặt lớn về công tác bảo đảm quân y trên đảo, tạo niềm tin tưởng yên tâm tuyệt đối của quân và dân Trường Sa trong nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Đại tá Dương Văn Thanh-Phó chủ nhiệm chính trị Bệnh viện 175 cho biết, khi làm việc trên đất liền, các bác sĩ mỗi người một chuyên khoa. Thế nhưng khi ra Trường Sa, một bác sĩ đều phải là bác sĩ đa khoa. Vì vậy trước khi nhận nhiệm vụ ngoài đảo, các bác sĩ đều được tập huấn chuẩn bị trước đó 2-3 tháng, đi tour làm việc tại đủ các chuyên khoa trong bệnh viện để nâng cao kỹ năng thực hành. Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình từng là Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn nhớ lại: “Ở Trường Sa không bao giờ có khái niệm Kính chuyển. Nếu như ở các bệnh viện trong đất liền, bệnh nhân nặng, ngoài chuyên khoa sâu của mình thì bệnh viện tuyến dưới có thể chuyển lên tuyến trên, bệnh viện đa khoa có thể chuyển qua chuyên khoa sâu hơn. Nhưng ở Trường Sa, mọi nhiệm vụ các y bác sĩ phải bằng mọi cách, mọi nỗ lực xoay sở để hoàn thành”. Thế mới có chuyện, bác sĩ trên đảo vừa chữa bệnh cho người lớn, trẻ em từ nóng sốt, đau đầu, đau bụng đến mổ ruột thừa và đặc biệt là đỡ đẻ và kiêm luôn nhiệm vụ… thú y. Thậm chí có bác sĩ còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi mở lớp dạy tiếng Anh cho cán bộ chiến sĩ trên đảo. Ngoài ra, dù là bác sĩ bảo đảm sức khỏe cho quân và dân trên đảo nhưng các anh cũng là người lính. Vậy nên bên cạnh việc trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, các anh vẫn phải tập luyện đầy đủ các khoa mục, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, giữ vững chủ quyền.
 
Những kì tích y văn Trường Sa

Cấp cứu người gặp nạn, bị bệnh hiểm nghèo vốn là công việc thường nhật của nghề bác sĩ. Nếu như ở đất liền, có đầy đủ trang thiết bị và người thầy thuốc được phát huy tối đa năng lực chuyên môn thì Ở Trường Sa, việc giành giật mạng sống với thần chết trở thành những kỳ tích của đội ngũ y bác sĩ nơi đây. Với hàng chục điểm đảo rải rác giữa biển Đông và các nhà giàn, việc vận chuyển bệnh nhân về Bệnh xá Trường Sa lớn thật khó khăn phức tạp. Có khi vì sóng to gió lớn, hoặc phương tiện không bảo đảm được, những ca cấp cứu thường trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Bác sĩ Lê Ngọc Quang kể lại một ca cấp cứu được đưa đến từ đảo Thuyền Chài. Hôm ấy chiến sĩ Phạm Văn Hà không may bị ngã đập đầu vào tảng đá, vỡ xương sọ và máu chảy rất nhiều. Vì vị trí đóng quân xa bệnh xá nên khi tới nơi bệnh nhân đã hôn mê sâu, giãn đồng tử. Bác sĩ Quang nhận định: Bệnh nhân bị chấn thương nặng cần chuyển gấp về đất liền và liên lạc với Ban giám đốc Bệnh viện 175 để có phương án ứng cứu. Nhưng để điều được một chiếc trực thăng từ đất liền ra đảo là cả một quá trình rất công phu. Đầu tiên phải báo cáo tình hình với ban giám đốc bệnh viện. Sau khi hội ý chuyên môn, lãnh đạo xin ý kiến của Bộ Tổng Tham mưu. Tiếp theo nếu điều kiện cho phép, Bộ Tổng sẽ lệnh cho quân chủng Không quân triển khai máy bay ứng cứu. Bên cạnh đó phải có sự hỗ trợ của Binh chủng ra đa, thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật và các bộ phận bảo đảm khác để máy bay ra đảo được an toàn. Có thể nói là rất nhiều mệnh lệnh được phát ra và thi hành cực kỳ khẩn trương, chính xác. Có nghĩa là tốn kém tiền tỉ của ngân sách quốc phòng như chơi. Bất khả kháng mới phải xin điều máy bay, chứ nếu còn trong khả năng cấp cứu mà đã vội vàng xin chi viện thì lãng phí rất lớn. Nhưng mạng sống con người quý hơn tiền bạc. Nếu tính mạng bệnh nhân bị đe dọa tử vong thì sẽ ra sao? Những thử thách, trăn trở của đội ngũ y bác sĩ Trường Sa thường xuyên phải chịu trách nhiệm rất lớn như thế. Vậy nên khi bệnh nhân Hà có nguy cơ tử vong cao, các y bác sĩ bệnh xá trên đảo đứng trước một tình huống rất khó khăn. Theo tài liệu y văn thì khi sọ bị hở đến 13 cm gần như không có cơ hội sống sót. Ở trường hợp này, bệnh nhân Hà bị vỡ hộp sọ và hở đến 17 cm, máu tụ ngoài màng não. Một con số khiến giới chuyên môn phải lắc đầu. Trong khi chờ máy bay ra đón, các anh xác định sau sơ cứu phải can thiệp trực tiếp ngay trong điều kiện phòng mổ dã chiến ngoài đảo để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Ngay lập tức tổ sơ cứu cho đặt nội khí quản và thở ô xy để duy trì sự sống. Đường truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân được tạo lập, đặt ống dẫ để giải phóng máu tụ trong hộp sọ. Các cuộc hội chẩn với đất liền tiến hành liên tục. Đội ngũ y bác sĩ bệnh xá Trường Sa đã phải chạy đua với thời gian nhằm hy vọng cứu sống bệnh nhân dù là mong manh nhất. Và mặc dù đã vượt xa giờ vàng trong các ca cấp cứu chấn thương sọ não nhưng với tinh thần quyết tâm của người lính và mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc, các anh đã lập nên một kỳ tích ngoài sức tưởng tượng : Chiến sỹ Phạm Văn Hà đã được cứu sống trong gang tấc. Với trường hợp tương tự thì cả ở đất liền cũng chưa có ca nào như vậy. Một câu chuyện khác cũng được cán bộ chiến sĩ trên đảo thường xuyên kể lại về khả năng phẫu thuật của bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc. Hốm ấy, có một ngư dân bị cuốn tay vào máy nghiền đá lạnh để ướp cá. Khi đưa lên đảo bệnh nhân bị sốc chấn thương, dập nát bàn tay. Bác sĩ Ngọc đã nối lại động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh và ngón tay. Đây là một nỗ lực lớn, bởi nếu chuyển bệnh nhân vào bờ thì bàn tay sẽ chết. Một ca phẫu thuật như là không tưởng bởi điều kiện ngoài đảo không có trang bị để nối vi phẫu, gây mê hồi sức. Ngay cả thuốc men để điều trị hậu phẫu cũng thiếu. Bác sĩ Ngọc đã tâm niệm phải cố gắng cứu bàn tay vì bệnh nhân còn quá trẻ, mới 16 tuổi. Rất may vi phẫu lại là chuyên ngành bác sĩ Ngọc được đào tạo, nhưng may hơn đó là trước khi ra đảo bác sĩ Ngọc có mang theo kính vi phẫu và chỉ nối mạch máu – hai thứ không thể thiếu cho một ca nối vi phẫu. Đây là món quà riêng của đồng chí trưởng khoa, bác sĩ Trịnh Đức Thọ tặng cho bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc trước khi ra Trường Sa. Món quà nhằm giúp đồng nghiệp trẻ rèn luyện, nâng cao tay nghề nhưng không ngờ nó lại được dùng để cứu sống một bàn tay con người. Có lẽ ở cả hai trường hợp này, không riêng những người lính nơi đây gọi là một trong những kỳ tích y văn Trường Sa.
 
Sức mạnh, niềm tin dành cho biển đảo
 
Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Trường Sa làm cho công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, tuy trang thiết bị, thuốc men đã được tăng lên rõ rệt nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề nảy sinh mới. Như các vụ tai nạn do tàu nước ngoài cố tình đâm, va vào tầu cá của ngư dân tăng lên thường xuyên hơn. Rồi nữa là khí hậu thời tiết cũng từng năm đều khắc nghiệt hơn năm trước. Trong khi đó, ngoài quân và dân trên đảo còn rất nhiều bà con ngư dân ngày đêm bám biển và hiểm nguy, tai họa luôn rình rập. Làm thế nào để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho những người ở nơi phên dậu Trường Sa là bài toán nan giải của Ban giám đốc bệnh viện 175. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn từng tâm sự: “Với tâm thế hướng về Trường Sa, hướng về biển đảo, chúng tôi xác định làm được gì tốt nhất cho Trường Sa thì làm.” Anh đã có hàng chục lần ra Trường Sa và đã trăn trở nhiều điều về công tác y tế dành cho biển đảo.Trong chuyến đi công tác Trường Sa cùng Bộ Y tế anh đã đề xuất với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến việc kết nối giữa Cục quân y-Bộ Quốc phòng với Bộ Y tế để xây dựng những phương án chung bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho quân và dân Trường Sa. Việc cụ thể mà các anh đang xúc tiến là xây dựng bệnh viện quân dân y huyện đảo Trường Sa trên cơ sở có sự phối hợp của  quân y viện 175, tỉnh Khánh Hòa và báo Tuổi trẻ, thay thế cho bệnh xá hiện thời. 
 
Đến nay, sau một phần tư thế kỷ nhận nhiệm vụ bảo đảm quân y cho Trường Sa, có thể nói sự hiện diện của những người lính áo trắng đã trở thành niềm tin cậy không chỉ của bộ đội mà còn là trạm dừng chân của ngư dân giải quyết các vấn đề về sức khỏe. Bệnh viện 175 đã xây dựng được nền nếp, truyền thống làm việc và trên hết là tình yêu dành cho biển đảo. Các anh đã thực sự là những người lính làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc. 
 
Bút ký của Phạm Văn Đảng

Bạn đang đọc bài viết "Biển xanh, áo trắng và những trái tim hồng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.