Bia Quốc học Huế sau trùng tu không còn nét rêu phong cổ kính

10/01/2017 16:29

Theo dõi trên

Đến thời điểm hiện nay, việc trùng tu Bia Quốc học cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và du khách, khi được tu bổ Bia Quốc học có màu vàng khác với màu vốn có của công trình và không đúng giá trị lịch sử.



Bia Quốc học sau trùng tu - Ảnh: zing.vn

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, đến hôm nay (10.1), việc trùng tu bia Quốc học đã cơ bản hoàn thành những công đoạn cơ bản. Công trình này đã được khoác lên một màu sắc hoàn toàn mới, trong đó màu vàng là màu chủ đạo. Điều này khiến công trình không còn nét rêu phong cổ kính như trước khi được trùng tu.

Lý giải về màu sắc, Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Cẩn, Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Huế - chủ đầu tư việc tu bổ Bia Quốc học Huế khẳng định sau một thời gian màu vàng sẽ chìm xuống thành màu đất.

Ông Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Miền Trung, đơn vị tư vấn thiết kế công trình bia Quốc học, lý giải "Sau khi nghiên cứu cẩn thận kiến trúc gốc của công trình thì phát hiện nét gốc tổng thể của công trình Bia Quốc học có màu vàng. Đơn vị chỉ tái tạo tu bổ đúng nguyên gốc, giữ lại tất cả những họa tiết trang trí của công trình".

Ông Quảng cho rằng khi tu bổ lại thì sẽ mới hơn nhưng sau một thời gian thì màu sắc sẽ xuống lại. "Mùa mưa khác, nắng khác và còn đòi hỏi có thời gian, chứ bây giờ tu bổ lại không thể đòi hỏi phải cũ kĩ được", ông Quảng nói.




Bia Quốc học trước khi trùng tu - Ảnh: internet


Bia Quốc học còn được gọi là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, tọa lạc trước mặt Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, thuộc bờ Nam sông Hương. Công trình được xây dựng vào năm 1920 nhằm tưởng niệm 31 người Pháp từng sống ở Huế năm 1914 và 78 người Việt miền Trung đã vong thân trong Thế chiến I. Những năm gần đây, công trình này xuống cấp trầm trọng. Dự án trùng tu công trình này do Trung tâm Công viên cây xanh Huế làm chủ đầu tư.

Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Bia Quốc học Huế sau trùng tu không còn nét rêu phong cổ kính" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.