Du khách khám phá rừng tràm Trà Sư.
Bảy Núi - Vùng Thủy Tú Sơn Kỳ
Bảy Núi là tên gọi chung của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên từ năm 1977, đến năm 1979 mới chia ra thành hai huyện. Từ xa xưa, Tịnh Biên là vùng biên cương, là tuyến đầu của Thất Sơn; còn Tri Tôn là một vùng đất kiên cường, bất khuất trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Do đó, Bảy Núi còn là vùng địa linh, “Thất Sơn mầu nhiệm”(*). Đa số khách du lịch sau khi viếng Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc) thường tiến thẳng lên vùng Bảy Núi để tham quan, ngoạn cảnh và nghỉ đêm vì nơi đây cảnh quan tươi đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ. Đặc biệt thu hút du khách là núi Cấm (huyện Tịnh Biên), nơi mà Trịnh Hoài Đức đã có lần cảm khái “Hang núi ngậm mây, suối cong nhã ngọc”, rất xứng danh là vùng đất “Bửu ngọc” như người đời thường gọi “Tu phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi”. Từ khi núi Cấm có cáp treo, lượng khách du lịch về vùng Bảy Núi tăng cao. Chỉ riêng tại huyện Tịnh Biên, mỗi năm đã đón hơn 3 triệu lượt khách (**).
Mùa Xuân trên vùng Bảy Núi đẹp êm ả và thanh bình. Nhất là trên đỉnh núi Cấm, sáng sớm, trời se sắt lạnh, các loại hoa rừng đua nhau khoe sắc, làm nên nét đặc trưng của vùng Bảy Núi. Trên đường lên núi, nhiều người thích dừng lại các quán võng để ngã lưng, tai lắng nghe tiếng suối róc rách và thả lỏng tâm tình vô cùng sảng khoái, nhẹ nhàng.
Du khách khi bước chân đến Tịnh Biên và Tri Tôn đều thích thú trước phong cảnh kỳ vĩ của núi rừng. Vùng đất còn mang nhiều dấu ấn lịch sử này dễ làm say đắm lòng người, đặc biệt là màu xanh ngút ngàn của rừng tràm Trà Sư hay không gian lãng mạn và quyến rũ của đồi Tà Pạ, nơi được mệnh danh là “Tuyệt tình cốc” miền Tây. Đến Bảy Núi, người dân còn chứng kiến 5 cây di sản độc đáo, có cây tuổi đời trên 700 năm. Ngoài ra, du khách đến vùng Bảy Núi còn thích thú với tiếng lộc cộc của xe ngựa kèm theo tiếng bóp kèn bí bo và tiếng xe bò lốp cốp trên các đoạn đường đổ về Châu Lăng, Lương Phi và Ba Chúc. Nơi đây, du khách còn tận mắt chứng kiến các thanh niên người dân tộc hiền lành, chất phác chuyên sống bằng nghề trèo cây lấy nước thốt lốt, mang vị ngọt đến cho mọi người.
Tưng bừng mùa du lịch
Hàng năm, mùa du lịch Bảy Núi kéo dài từ tháng Hai cho đến hết tháng Tư Âm lịch. Vào những ngày này, đa số du khách thường rủ nhau đến Khu du lịch núi Cấm, núi Két, núi Cô Tô. Sau đó mới lần lượt viếng các chùa Hòa Thạnh, Cây Mít, Miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp…, kế đến là ghé thăm các chùa Phi Lai, Tam Bửu và nhà mồ Ba Chúc - nơi còn dấu tích tội ác của bọn diệt chủng Pôn Pốt. Khách hành hương cũng thích chiêm bái những nơi còn ẩn chứa nhiều huyền thoại như chùa Phước Điền, trại Ruộng, đình Thới Sơn… Ngoài ra, còn có trên 50 ngôi chùa của người Khmer, trong đó chùa Xà Tón cổ xưa và to đẹp nhất. Nhiều du khách cũng dừng chân tại các khu di tích lịch sử, ấn tượng nhứt là đồi Tức Dụp, một ngọn đồi huyền thoại trên đỉnh núi Cô Tô hùng vĩ, nơi ghi dấu những chiến công lừng lẫy của quân và dân An Giang; kế đến là khu du lịch Xoài So ở núi Tô hoặc khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc - một khu căn cứ được coi là “Bản anh hùng ca vùng Bảy Núi”.
Du khách đến Bảy Núi thường yêu thích vẻ đẹp mộc mạc chân quê nơi đây. Mỗi ngọn núi, ngôi chùa, làng xóm đều mang dấu ấn của văn hóa và lịch sử riêng biệt. Hiện nay, Khu du lịch núi Cấm và các trung tâm du lịch khác đã và đang khai thác nét đẹp hài hòa giữa cảnh quan thiên tạo như ao, hồ, suối, hang động với các công trình kiến trúc. Đến vùng bán sơn địa Bảy Núi, du khách không những yêu thích cuộc sống chân chất, bình dị của cư dân miền núi mà còn được thưởng thức món ngon vật lạ của núi rừng Tây Nam như cháo bò, lạp xưởng bò, gà hấp lá trúc, thịt bò xào lá vang, mắm thái Châu Đốc… Ngon nhất là trái cây và rau củ trồng trên núi Cấm, núi Dài như xoài, mít, bơ, chuối, đu đủ, xoài riêng… Bảy Núi còn là xứ sở của nhiều đặc sản nổi tiếng như đường thốt lốt, xoài thanh ca, đọt sầu đâu... mà ít nơi nào có.
Đến với Bảy Núi, nếu có dịp ngủ đêm trên núi Cấm hoặc núi Két, du khách sẽ được thưởng thức trọn vẹn không khí yên bình, trong lành của núi rừng.
Theo Báo Cần Thơ