“Báu vật sống" của Đờn ca tài tử Nam Bộ

27/08/2018 14:39

Theo dõi trên

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được ví như “Báu vật sống" của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Cả cuộc đời ông luôn gắn liền với âm nhạc tài tử và những cây đàn dân tộc như đàn tranh, đàn kìm, đàn cò...

Dù đã bước sang tuổi 101, nhưng nhạc sư vẫn rất khỏe mạnh, mẫn tiệp và đặc biệt tiếng đàn vẫn rất ngọt ngào, sâu lắng. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn đang tiếp tục truyền bá âm nhạc dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
 

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn đàn một cách uyển chuyển dù tuổi đã khá cao. Ảnh: Thanh Thuận

Lén mê âm nhạc từ nhỏ dù bị cha cấm

Ấn tượng trong tôi về nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là hình ảnh một cụ già tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu đang ngồi đàn một cách say sưa. Phong thái, cốt cách của ông toát lên khí chất của một trí thức Nam bộ xưa. Từ cây đàn tranh do ông cải tiến vang lên những âm thanh kỳ diệu, đặc biệt là những ngón rung, nhấn, vuốt của đôi bàn tay tuy đã nhăn nheo nhưng uyển chuyển, nhẹ nhàng. Nghe tiếng đàn ấy như gặp lại những thanh âm tuyệt tác trong Truyện Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời...”.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918, tại làng Mỹ Trà, Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. Có lẽ hạt giống nghệ thuật đã nảy mầm trong ông từ đó. Lên 10 tuổi, Nguyễn Vĩnh Bảo đã biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn độc huyền, măng cầm (mandoline), đàn piano.

Dù cả gia đình đều yêu thích nhạc tài tử, nhưng khi thấy cậu con trai vì mê nhạc mà xao nhãng việc học, người cha đã cấm ông không được động đến đàn nữa. Cậu bé Nguyễn Vĩnh Bảo đành phải “lén lút” chơi đàn. Nhờ sự thông cảm, thuyết phục của  mẹ, mà người cha Nguyễn Vĩnh Bảo nghe con trai đàn một bản nhạc và rất ngạc nhiên trước kỹ năng đàn của con. Ông đồng ý mời thầy về dạy đàn cho cậu con trai. Nhờ đó, Nguyễn Vĩnh Bảo không chỉ tiến bộ trong học đàn mà kết quả học chữ của ông cũng tốt lên hẳn. Nhờ sự giao thiệp rộng rãi của gia đình với những người bạn sành nhạc mà Nguyễn Vĩnh Bảo may mắn gặp được những nhạc sư nổi tiếng trong xứ tận tình hướng dẫn học đàn tranh và các nhạc cụ khác (ngoại trừ ống tiêu và sáo). Tính ra, ông đã được thọ giáo với gần 200 thầy ở khắp ba miền Nam, Trung, Bắc.

Rạng danh nhạc tài tử Việt Nam

Từ may mắn được “thọ giáo” nhiều nghệ sĩ, nhạc sư có tiếng mà Nguyễn Vĩnh Bảo đã tự đúc rút ra những kinh nghiệm cho con đường âm nhạc của bản thân. Sau khi được hãng đĩa Beka mời đàn cho cô Ba Thiệt ca, từ đó, ông tạo uy tín vang dội cho sự nghiệp của mình.

Từ năm 1955, ông trở thành những người thầy đầu tiên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP Hồ Chí Minh). Tại đây, ông dạy đàn tranh và được giao chức vụ Trưởng ban Cổ nhạc miền Nam. Trong quãng đời dạy học của mình, ông có nhiều học trò thành danh trên lĩnh vực âm nhạc.

Ông đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1972, ông ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cùng Giáo sư Trần Văn Khê cho Hãng Ocora và Tổ chức UNESCO tại Pháp. Trong ba năm, từ 1970 đến 1972, ông là giáo sư thỉnh giảng đàn tranh tại Đại học In-li-noi (Mỹ). Năm 2005, ông đã được trao tặng Giải thưởng Đào Tấn dành cho những người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam. Năm 2008, ông được Chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học. Bởi thế, danh tiếng nhạc sư ngày càng vang xa. Tên tuổi của nhạc sư không chỉ được những thế hệ người Việt Nam yêu tài tử biết đến, mà còn có cả những nghệ sĩ người nước ngoài muốn tìm hiểu về Đờn ca tài tử Việt Nam tôn vinh là cây đại thụ của làng nhạc tài tử Nam bộ.

Không ngừng sáng tạo

Không chỉ sử dụng thành thạo các loại đàn ở vùng đất Nam bộ, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn có nhiều công lao cải tiến các loại nhạc cụ dân tộc. Từ quá trình nghiên cứu, tự tìm đọc các tài liệu âm nhạc, ông đã mày mò cải tiến thành công đàn tranh 16 dây thành đàn tranh 17, 19, 21 dây vào những năm 1950 và mới đây nhất là đàn tranh 25 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Đến nay, đàn tranh do ông cải tiến đã được áp dụng rộng rãi trong giới âm nhạc bởi hiệu quả mà nó mang lại là diễn tả được nhiều cung bậc mà bậc năm cung còn bị hạn chế. Với cây đàn tranh cải tiến của mình, khi đàn, nhạc sư chỉ sử dụng một dây bằng ngón tay nhấn nhá mà thể hiện được những bản nhạc tài tử tuyệt vời. Cũng từ đó đến nay, nhiều nhà sản xuất đàn tranh đã bắt chước làm những cây đàn tranh theo kiểu ông sáng chế.

Không chỉ sáng tạo trong việc cải tiến đàn, ông còn sáng tạo phương pháp ký âm nhạc ngũ cung (hò, xự, xang, xê, cống) truyền thống theo ký hiệu như nhạc phương Tây, giúp những ai muốn học nhạc cụ truyền thống có thể tự học và dễ tiếp thu. Ngoài ra, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn kiêm cả nghệ nhân đóng các loại đàn như: Tranh, bầu, kìm, gáo...

Truyền đam mê đờn qua internet

Mặc dù đã ở vào độ tuổi “xưa nay rất hiếm” nhưng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn khỏe mạnh, giọng nói vẫn còn sang sảng. Nhạc sư luôn lo sợ bộ môn âm nhạc dân tộc thất truyền vì các nghệ nhân lớn tuổi gần như đã vĩnh viễn ra đi. Do đó, ông hết lòng truyền dạy cho những người trẻ và những ai có nhu cầu học. Dù tuổi đã cao, ông vẫn nhiệt tình truyền dạy, có khi không nhận thù lao.

Ông vốn thành thạo nhiều ngoại ngữ, nên học trò của ông còn có người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau. Nhiều học viên ở các nước được ông truyền dạy các ngón đàn dân tộc qua internet. Ông vừa đàn, vừa giảng cho học trò qua webcam. Đã hơn trăm tuổi nhưng thật kỳ lạ, nhạc sư vẫn luôn trẻ so với lứa tuổi, ông vẫn luôn tiếp cận những tiện ích của khoa học-kỹ thuật tiên tiến trong việc truyền dạy niềm đam mê âm nhạc.

Nhạc sư chia sẻ: “Tôi là một trong những người được may mắn thụ hưởng chút gì đó của tiền nhân đã dày công sáng tạo và thể nghiệm. Tôi sẵn sàng san sẻ những gì đã học, đã biết lại cho tất cả mọi người, bất phân già trẻ, màu da”.

Với những cống hiến to lớn của mình cho nền âm nhạc truyền thống, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được giới âm nhạc trong và ngoài nước tôn vinh như một nghệ sĩ bậc thầy, một di sản sống của Đờn ca tài tử Nam bộ.


Thanh Thuận
Theo bienphong.com.vn

Bạn đang đọc bài viết "“Báu vật sống" của Đờn ca tài tử Nam Bộ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.