Ngày 29 - 5 - 2016, UBND tỉnh Bình Phước ra Quyết định số 1073/QĐ - UBND ban hành Đề án bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Tiếp đó, ngày 16 - 6 - 2015, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 967/KH-SVHTTDL về việc thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015 - 2020, trong đó giao Bảo tàng tỉnh thực hiện việc kiểm kê và sưu tầm về nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2016.
Thực hiện công tác kiểm kê và sưu tầm các hiện vật, tư liệu, hình ảnh liên quan đến nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã nhận được sự đóng góp quý báu của nhiều cá nhân cũng như tập thể từ các câu lạc bộ ĐCTT trong toàn tỉnh. Trong số đó điển hình là Câu lạc bộ ĐCTT Đồng Thanh Quán tại thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập.
Câu lạc ĐCTT Đồng Thanh Quán được thành lập năm 2014, với 18 thành viên thuộc đại gia đình ba thế hệ. Niềm đam mê ĐCTT được lan truyền sang những thành viên nhí 3 - 4 tuổi như các cháu Phạm Hoàng Mỹ, Phạm Hân... Mặc dù chưa biết đọc, viết song khi được ông bà, cha mẹ truyền dạy các cháu tiếp thu rất nhanh và cơ bản đã biết nhịp điệu, các bài bản trong ĐCTT. Khi được hỏi về tình yêu và niềm đam mê đối với nghệ thuật ĐCTT, bà Huỳnh Thị Đồng (1957), Chủ nhiệm câu lạc bộ cười vui: “Với gia đình tôi, một trong những tiêu chí để tuyển vợ, chồng cho các con đó là dâu, rể đều phải có niềm đam mê và yêu thích nghệ thuật đờn ca, nếu không đờn, không ca được thì cũng phải là một khán giả trung thành với loại hình nghệ thuật này”. Trong khuôn viên nhà bà Đồng, ngoài không gian sinh hoạt hằng ngày bà còn dành riêng một khu vực để các thành viên thường xuyên tập luyện, giao lưu đờn ca cũng như trưng bày các giấy khen, bằng khen và giải thưởng được trao tặng để lấy đó làm động lực phát huy.
Ngày 18 - 8 - 2016, Câu lạc bộ ĐCTT Đồng Thanh Quán đã bàn giao các hiện vật là những kỷ vật của gia đình có liên quan đến nghệ thuật ĐCTT cho Bảo tàng tỉnh để phục vụ trưng bày, giới thiệu đến khách tham quan loại hình nghệ thuật tiêu biểu của địa phương. Theo đó, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận hơn 10 hiện vật, gần 40 tư liệu và hình ảnh liên quan đến nghệ thuật ĐCTT được câu lạc bộ lưu giữ. Trong số đó có nhiều hiện vật giá trị như đàn tranh, đàn cò, đàn bầu, đàn guitar phím lõm, đàn guitar thùng, đàn kìm (đàn nguyệt), song loan... có tuổi đời từ 30 năm trở lên. Đặc biệt, cây đàn tranh hơn 50 năm tuổi của nhạc sĩ Trần Thanh Nga (một trong những nữ nhạc sĩ tiêu biểu ở Nam bộ) tặng Câu lạc bộ Đồng Thanh Quán và cây đàn cò (hay còn gọi là đàn nhị), bà Đồng cho biết có tuổi đời lớn hơn tuổi của bà, vì được lưu truyền từ đời ông cố để lại cho người cháu là Phạm Thành Khánh (con trai bà Đồng). Các hiện vật này đều mang dấu ấn của nghệ thuật ĐCTT gắn với niềm đam mê đờn, ca của đại gia đình bà Đồng.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như chính quyền, nhiều năm qua các hội thi, liên hoan nghệ thuật ĐCTT đã được tổ chức thường niên trên địa bàn tỉnh từ cấp huyện, thị đến cấp tỉnh. Hiện nay, với trên 30 câu lạc bộ và các đội, nhóm tham gia sinh hoạt nghệ thuật ĐCTT ở khắp 11 huyện, thị xã, đã cho thấy loại hình nghệ thuật này đang được duy trì và phát huy tốt trên địa bàn tỉnh.
(Theo Báo Bình Phước)