Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử

16/08/2018 15:44

Theo dõi trên

“Hương lúa vàng” là chủ đề của hội thi Đờn ca tài tử - cải lương (ĐCTT-CL) huyện Phú Giáo lần thứ IX năm 2018. Hội thi vừa khép lại nhưng dư âm thì vẫn còn vọng mãi bởi những thí sinh luôn “cháy” hết mình với bộ môn nghệ thuật ĐCTT-CL bằng tất cả tình yêu và niềm đam mê.

Sôi nổi hội thi

Chúng tôi có mặt tại hội thi ĐCTT-CL “Hương lúa vàng” huyện Phú Giáo lần thứ IX năm 2018. Cảm giác ấm áp, thân thương khi nghe những giọng ca mùi mẫn, ngọt ngào của các thí sinh làm lòng người lắng đọng trong những câu vọng cổ từng vang bóng một thời như: Lan và Điệp, Hoa phượng đợi chờ, Tuyết lạnh chiều đông, Trăng thu dạ khúc… Hội thi đã diễn ra hơn 2 ngày với hơn 40 tiết mục dự thi của các thí sinh là nghệ nhân, tài tử đờn, ca đến từ các Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT-CL các xã, thị trấn trong địa bàn huyện Phú Giáo. Đây là cuộc thi do UBND huyện Phú Giáo tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT-CL trên địa bàn huyện. Thí sinh dự thi gồm phần đờn và phần ca được dàn dựng có đơn ca, song ca, ca ra bộ và vọng cổ 8 nhịp hoặc nhịp 16, có thể sử dụng những bài bản cải tiến. Thí sinh đến với cuộc thi vừa trình bày một trích đoạn trong một vở vọng cổ, vừa kết hợp ca hát với thí sinh khác. Thí sinh Huỳnh Nga, CLB ĐCTT-CL xã Tân Hiệp trình bày tiết mục “Về Bình Dương trong mùa xuân mới” cho biết: “Tôi mong rằng phần dự thi của mình sẽ giúp mọi người có được những phút giây thư giãn vào cuối tuần và góp phần đưa khán giả đến gần hơn với nghệ thuật ĐCTT-CL”.


 
Một tiết mục dự thi của các nghệ nhân, tài tử đờn, ca tại hội thi “Hương lúa vàng”

Nội dung hội thi ca ngợi truyền thống yêu nước, ca ngợi quê hương Bình Dương giàu đẹp, nghĩa tình cùng những thành tựu xây dựng nông thôn mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng, Trưởng Ban giám khảo hội thi nhận xét: “Hội thi “Hương lúa vàng” huyện Phú Giáo lần thứ IX năm 2018 diễn ra trong không gian ấm cúng, gần gũi và bình dị. Các tiết mục dự thi được đầu tư và có sự chuẩn bị khá chu đáo, các thành viên trong CLB đều rất hăng hái và nhiệt tình tham gia biểu diễn, đem lại lời ca tiếng hát ngọt ngào qua những khúc dân ca, trữ tình… Những câu chuyện về tình yêu, quê hương, đất nước được tái hiện qua giọng hát của các thí sinh đã thu hút đông đảo khán giả là người dân trong huyện đến xem”. Hơn hết, hội thi còn là dịp để các nghệ nhân trong huyện Phú Giáo có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện những nhân tố mới để nâng cao chất lượng, góp phần phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của địa phương và phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Phát triển đờn ca tài tử

Tuy không phải là cái nôi của ĐCTT-CL nhưng Bình Dương nói chung, huyện Phú Giáo nói riêng được đánh giá là địa phương có phong trào ĐCTT, phát triển nhờ sự đam mê của các tài tử lưu truyền cho các thế hệ. Hiện nay có nhiều loại hình vui chơi giải trí, nhưng phong trào ĐCTT-CL vẫn được lưu truyền, góp mặt trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư. Đằng sau lời ca, tiếng hát ngọt ngào của các thí sinh là câu chuyện vui buồn của những nghệ nhân tài tử đờn, tài tử ca tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này. Thí sinh Phương Đông, CLB ĐCTT-CL xã An Linh, cho biết: “Từ nhỏ tôi được nghe cha mẹ ca hát nên lớn lên hát theo rồi tự mình học nhịp. Tôi được các anh chị giới thiệu tham gia CLB ĐCTT-CL trong xã, người đàn, người hát hòa quyện, gắn bó với nhau. Nhiều lúc không có thời gian tham gia sinh hoạt CLB nhưng bằng tình yêu, sự đam mê đã thôi thúc tôi cố gắng, cháy hết mình với bộ môn nghệ thuật ĐCTT-CL”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Thế Huy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao huyện Phú Giáo, cho biết: “Hội thi ĐCTT-CL “Hương lúa vàng” huyện Phú Giáo lần thứ IX năm 2018 không chỉ tạo điều kiện cho người dân trong huyện có sân chơi giải trí lành mạnh mà còn góp phần đẩy mạnh các hoạt động phong trào văn hóa - văn nghệ. Đặc biệt, hội thi còn là hoạt động ý nghĩa, giúp giữ gìn và tiếp tục phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đúng như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.


Kim Hà
Theo Báo Bình Dương

Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.