Bảo tồn di sản: vấn đề quan trọng hàng đầu là nhận thức của nhân dân

16/05/2017 09:20

Theo dõi trên

Quy hoạch di sản là cần thiết, nhưng để bảo tồn di sản, sau quy hoạch, thực hiện như thế nào, gìn giữ và phát triển di sản như thế nào là nâng cao nhận thức của người dân, của du khách.

Festival Di sản Quảng Nam là một trong những hoạt động đã thu hút đông đảo du khách đến với mảnh đất Quảng Nam trong nhiều năm qua. Ngoài khám phá di sản, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao ấn tượng đã góp phần quảng bá sức hấp dẫn của Quảng Nam- mảnh đất giàu di sản bậc nhất cả nước. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, địa phương xác định, việc gìn giữ, bảo tồn di sản, phát huy giá trị di sản một cách bền vững phải từ nhận thức của nhân dân và du khách.

+ Thưa ông, Quảng Nam đã tổ chức 5 kỳ Festival Di sản thành công, được đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế biết đến. Ở lần tổ chức thứ VI  năm 2017, Quảng Nam sẽ có những điểm nhấn gì đối với du khách?

- Một trong những điểm nhấn của Festival Di sản Quảng Nam 2017 là lễ khai mạc diễn ra lúc 20h ngày 9/6 tại bãi biển Tam Thanh (TP Tam Kỳ), nêu bật chủ đề năm nay, đó là kết nối các di sản, đặc biệt ở dọc bờ biển miền Trung. Với tổng thời lượng 90 phút, không gian đặc tả những tinh hoa di sản văn hóa, từ phong tục tập quán đến di tích, danh thắng từ Huế đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Qua mỗi địa danh biển, chương trình sẽ đan cài giới thiệu những loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo, tiêu biểu đã và sẽ tiếp tục trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như múa cung đình Huế, hát Bả trạo, ca bài chòi, văn hóa Cơ Tu, lễ hội cồng chiêng của người Xê Đăng, lễ hội của người Chăm Pa…




Ông Đinh Hài: Quảng Nam kỳ vọng đạt 1 triệu du khách trong dịp Festival Di sản 2017

Sân khấu đêm khai mạc sẽ được thiết kế ấn tượng với mặt hướng ra biển, điều này cũng thể hiện chủ đề tôn vinh văn hóa biển đảo của Festival Di sản Quảng Nam năm nay.

Đặc biệt, trong lần tổ chức này, chúng tôi đã vận động được xã hội hóa, nhiều đơn vị vào tổ chức các sự kiện của Festival chứ không chỉ các đơn vị nhà nước. Hơn nữa, mục tiêu tăng trưởng du khách trong dịp này đã được chúng tôi chú trọng đặt ra.

+ Để đạt được mục tiêu tăng trưởng khách du lịch, trong dịp Festival Di sản Quảng Nam 2017, có sản phẩm du lịch nào mới được khai thác không, thưa ông?

- Mục tiêu mà Quảng Nam sẽ bắt đầu thực hiện từ mùa hè năm nay, đó là tập trung đầu tư cho du lịch biển. Theo đó, sẽ phát triển du lịch đường thủy ở hạ lưu sông Thu Bồn và Nam Quảng Nam với các địa danh Tam Thanh, Tam Hải, Tam Hòa và Tam Giang; kết nối Cù Lao Chàm, Lý Sơn và Tam Hải. Tỉnh sẽ thu hút đầu tư, xây dựng bến neo đậu, cơ sở hạ tầng về bến cảng tàu thuyền, thiết kế tour tuyến.

Ngoài các di sản thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao chàm, du khách được đến sâm ngọc Linh, núi Tây Giang, thăm các địa điểm, tham gia các hoạt động văn hóa của cộng đồng dân tộc, trải nghiệm homestay…

+ Với lượng khách mà BTC đặt ra khoảng 1 triệu du khách trong dịp Festival, Quảng Nam có đảm bảo đáp ứng được điều kiện lưu trú của du khách?

Chúng tôi đã chuẩn bị nhận thức về tâm lý, điều kiện cho nhân dân, cộng đồng từ một năm trước khi tổ chức Festival. Hiện gần 10 nghìn phòng, khách sạn, điểm đến sẵn sàng phục vụ du khách. Bên cạnh đó là những chương trình khuyến mại để hấp dẫn du khách. Hàng loạt chương trình được giảm giá dịch vụ 30% hay chương trình khách đến ở Hội An được miễn phí tham quan Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn. Đây là những điểm mà tôi nghĩ sẽ thực sự thu hút được du khách đến với Quảng Nam dịp Festival.




Hiện đã có hiệp hội quản lý việc vận chuyển khách ra Cù Lao Chàm (ảnh Hồng Hà).

+ Có ý kiến cho rằng, Quảng Nam là một địa phương giàu có về vốn di sản, tuy nhiên, việc khai thác di sản vào phát triển kinh tế chưa xứng với tiềm năng. Trong đó có thể kể đến như việc quản lý khai thác các tour du lịch ra đảo Cù Lao Chàm còn thiếu chặt chẽ, gần như để tư nhân khai thác, gây thất thoát trong doanh thu. Ông có nhận xét gì về điều này?

- Với Cù Lao Chàm, hai, ba năm trước là các công ty tự khai thác giá vé, tuy nhiên, giờ đã có Hiệp hội khai thác. Như vậy, đảm bảo cho du khách chỉ mua theo 1 giá vé chứ không thuộc vào các công ty. Giá dịch vụ vận chuyển cũng đồng giá để tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Chúng tôi vẫn quan niệm, di sản phải góp phần phát triển kinh tế nhưng không vì kinh tế mà làm di sản mất đi giá trị. Hai vấn đề này được chúng tôi quan tâm thường xuyên. Kinh nghiệm là trong quá trình phát triển, nếu chúng ta lơ là vấn đề bảo tồn thì di sản sẽ bị xâm hại. Vì nhu cầu phát triển, nhu cầu tiện nghi luôn mẫu thuẫn với bảo tồn.  

Bảo tồn phải là sự sống còn của di tích. Chúng tôi rất tự hào vì hầu hết khách đến với Cù Lao Chàm là ở homestay, với cộng đồng, từ 20 năm qua duy nhất có một công ty là Công ty cổ phần Cù Lao Chàm đang xây dựng một số biệt thự nhưng cũng gắn với cộng đồng chứ không phải biệt thự cao cấp, chúng tôi cũng giới hạn khách ra Cù Lao Chàm. Vì vậy, có thể vẫn có ý kiến cho rằng chúng tôi chưa khai thác được di sản một cách hiệu quả chăng!

+ Trở lại câu chuyện thu vé Hội An từng gây tranh cãi, ông cho rằng, nên hay không thực hiện thu vé phố cổ này?

- Không thu vé là vấn đề chúng tôi hướng đến và cá nhân tôi vẫn hướng đến một ngày không thu vé Hội An. Nhưng hiện vẫn phải thu vì các nguồn thu còn thấp trong khi công tác bảo tồn, phải dựa vào thu phí rất nhiều. Thứ nữa là xúc tiến quảng bá, cần có phí để xúc tiến. Bên cạnh đó, việc mất tiền mua vé, khiến người dân có trách nhiệm với di sản hơn.

Một thời gian nữa khi phát triển, chúng ta có dịch vụ liên quan tốt để thu từ phí dịch vụ thì không thực hiện thu phí tham quan nữa là tốt nhất. Tuy nhiên hiện chúng ta chưa làm được điều đó.

+ Hội An đã từng thuê kiến trúc sư nước ngoài về quy hoạch, với các di sản khác như Cù Lao Chàm, Thánh địa Mỹ Sơn… theo ông, có cần một bàn tay quy hoạch để bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di sản tốt hơn không, thưa ông?

- Việc quy hoạch rất cần thiết nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là nhận thức của cộng đồng, du khách với bảo tồn di sản mới là quan trọng nhất. Vì quy hoạch là vấn đề đặt ra, còn việc thực hiện là du khách, là người dân. Vì vậy, việc rất quan trọng cần giải quyết là nâng cao nhận thức của người dân, của du khách trong việc đối xử với di sản. Đó cũng là điều là quan trọng nhất trong bảo tồn.

+ Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!


Hồng Hà

Nguồn: Tổ Quốc
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn di sản: vấn đề quan trọng hàng đầu là nhận thức của nhân dân" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.