Bảo tàng cổ vật cung đình Huế - nơi lưu giữ dấu ấn vàng son của một thuở

29/04/2021 11:27

Theo dõi trên

Bảo tàng cổ vật cung đình Huế (đơn vị thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế). Đây là một di tích quan trọng nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993 và được xếp hạng cấp quốc gia năm 1997.

Tọa lạc tại số 3 Lê Trực, phường Thuận Thành, thành phố Huế, đây được xem là bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế, vào năm 1923.

Lúc mới được thành lập, bảo tàng có tên là Musse’ Khải Định. Sau nhiều lần đổi tên với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, đến năm 1995 bảo tàng có tên gọi như hiện tại.


Tòa nhà chính của  bảo tàng là chính điện Long An được xây dựng năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Nơi đây hiện đang trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục… phản ánh đời sống vật chất, lễ nghi chính trị và tư tưởng của tầng lớp quý tộc, vua quan nhà Nguyễn.
 


Điện Long An - tòa nhà chính của bảo tàng, được coi là hiện vật cổ vật trưng bày lớn nhất của bảo tàng có giá trị rất cao về cả lịch sử và nghệ thuật.

Ngoài ra, bảo tàng cổ vật cung đình Huế hiện còn có tới 700 hiện vật gồm đồ gốm mộc, gốm tráng men thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn, gốm sứ Trung Hoa, Nhật bản, Pháp… cùng với đó là đồ cổ pháp lam Huế, “đồ kiểu” được chế tác bằng kỹ thuật cao, không có bản sao và là “độc nhất vô nhị” do triều đình nhà Nguyễn đặt làm từ các lò sản xuất đồ gốm nổi tiếng bên Trung Hoa, căn cứ theo sở thích, mẫu mã, kích cỡ mà vua quan Việt Nam nêu ra trong đơn đặt hàng. 

Trong khuôn viên bảo tàng, còn có một nhà kho khác lưu giữ hơn 80 hiện vật Champa được sưu tầm tại vùng Châu Ô, Châu Lý ngày xưa, được mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học tại đó năm 1927. Riêng các cổ vật Champa, các nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa quý hiếm có vai trò đặc biệt trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế.

Bảo tàng là nơi lưu giữ một lượng lớn hiện vật về triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, cho khách tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống của vương triều nguyễn ở cung đình Huế trong quá khứ, sự thăng trầm, biến thiên của lịch sử, văn hóa Huế cũng như sự giao lưu tiếp biến văn hóa ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động.

Hằng năm, bảo tàng cổ vật cung đình Huế thường tổ chức các buổi triễn lãm, trưng bày các cổ vật theo nhiều chủ đề tại các khu di tích, đặc biệt là tại điện Long An, Cơ Mật Viện và cả ở nước ngoài. Để du khách được trải nghiệm, tìm hiểu và chiêm ngưỡng những giá trị lịch sử tưởng chừng như đã bị lãng quên. 

Một số hình ảnh hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế hiện nay do phóng viên Phương Nam Plus tại Thừa Thiên Huế ghi lại:
 


Kim bào Quốc gia tín bảo triều Nguyễn được phác họa lại phiên bản bằng gốm mạ vàng.



Đồ sứ kiểu đời Minh Mạng, vật dụng sinh hoạt trong cung đình với các họa tiết trang trí long phụng.



Mãng bào hoàng tử nhà Nguyễn



Chiếc kiệu của hoàng đế Bảo Đại



“Kim Chi Ngọc Diệp” bảo vật cành vàng lá ngọc thực thụ của nhà Nguyễn



Gạch Bát Tràng thời Nguyễn, là một trong những hình thức nộp thuế hằng năm bằng sản phẩm cho triều đình để phục vụ cho các công trình xây dựng.

 
Song Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết "Bảo tàng cổ vật cung đình Huế - nơi lưu giữ dấu ấn vàng son của một thuở" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.