Bâng khuâng một tiếng đờn...

08/06/2017 11:22

Theo dõi trên

Đó là người đàn ông nay ở tuổi 60, biết chơi 5 nhạc cụ dân tộc và có nhiều nghiên cứu khá sâu về đờn ca tài tử (ĐCTT). Ông Trần Trường Sơn kể, khi đi theo cách mạng, tổ chức phân công vào Ban an ninh của tỉnh Bến Tre. Sau mấy tháng công tác, tổ chức phát hiện ông có khiếu âm nhạc nên được cho đi để bồi dưỡng nhạc lý.

Sau khóa học 3 tháng trở về ông cùng với một vài người trong đơn vị thành lập đội văn nghệ lấy tên là “Hương mùa mai”. Sau năm 1975, “Hương mùa mai”. là một trong hai tổ chức nghệ thuật mạnh nhất trong tỉnh và trở thành đoàn văn nghệ chuyên nghiệp, trực thuộc Công an tỉnh Bến Tre đổi tên thành “Thanh kiếm Đồng Khởi”.


Ông Sơn đang thả hồn theo giai điệu Phương Nam trên đảo Phú Quốc.

Năm 1991, ông Sơn chuyển ra Phú Quốc. Lần đầu đặt chân lên đảo, ông chỉ thấy rừng và bốn bề biển cả mênh mông. Hành trang lúc đó chỉ vài ba bộ đồ sờn cũ, tài sản quý nhất là cây đờn bầu. Ông nghĩ tiếng đàn có thể làm ấm lòng người trong lúc đi xa, nhưng không thể làm no cái bụng. Ông tìm đến những người dân chài để hỏi kế mưu sinh.Người bạn tốt bụng là anh Lê Minh Hoàng ở cảng cá Hàm Ninh chính là người dìu dắt ông vào nghề lặn biển. Trước mỗi chuyến ra khơi lặn mò sò điệp, đồn đột,… ông Sơn mang cây đàn đến gửi cho ông từ ở Dinh Cậu, nằm ngay cửa sông thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Chuyến đi biển nhanh cũng chục ngày, lâu thì 1 tháng. Lúc trở về, ông ghé qua lấy cây đàn về chơi mươi bữa, đến ngày đi lại mang ra gửi. Ông Sơn không nhớ mình gửi như vậy bao nhiêu lần nhưng có một lần biển động, chuyến đi kéo dài hơn tháng mới vào lại đất liền. Cũng như mọi lần, anh ghé qua Dinh Cậu lấy cây đờn về góp vui với bạn chài.

Cũng nhờ có cây đờn hòa nhịp với dân chài, ông Sơn dần quen biết với nhiều anh em khác trên đảo. Và cũng nhờ có tiếng đờn mà cuộc sống trên đảo của ông dần ổn định, tiếng đờn của ông lại vang ra khắp thị trấn Dương Đông, đến tai ông Quốc Long – nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Phú Quốc (1996). Ông Sơn được mời ra giúp sức cho Trung tâm Văn hóa thành lập CLB ĐCTT. Đây là CLB ĐCTT đầu tiên của tỉnh Kiên Giang. Ít năm sau CLB tan rã. Ông Sơn vác đờn về nhà, nhảy xuống ghe tiếp tục mưu sinh.

Năm 1999, ông Long và ông Sơn cùng một số anh em khác tham dự liên hoan ĐCTT do tỉnh Kiên Giang tổ chức. Lần tham dự này ông Sơn đoạt giải độc tấu đờn bầu với bài Đoản khúc lam giang. Đầu năm 2011, trong một lần đi điền dã ở vùng ĐBSCL PSG.TS. Lê Văn Toàn phát hiện ra ông Sơn, một người chơi được 5 loại nhạc cụ: ghi ta phím lõm, đờn bầu, đờn kìm, đờn sến và đờn tranh, đồng thời có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc ĐCTT. Ngay sau đó PGS. TS Lê Văn Toàn đưa cả đoàn ra Phú Quốc. Ngoài trao đổi chuyên môn về công tác tự nghiên cứu, truyền nghề cho các học viên trên đảo, đoàn còn tổ chức ghi âm các bản đờn, ghi hình một số chương trình biễu diễn ĐCTT do ông tổ chức, dàn dựng mang về Viện Âm nhạc để bổ sung hồ sơ.

Vừa đi biển để tồn tại, vừa nghiên cứu ĐCTT cho thỏa chí đam mê, ông Sơn nhận ra rằng, âm nhạc ĐCTT là “tâm tấu”, tức là trong hòa đờn phải lấy “cái tâm và cảm hứng” của người chơi làm chủ đạo, từ đó mới khiến cho người nghe cảm thông, rồi dần xích lại gần nhau.


Cao Phương

Nguồn: baodulich.net.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bâng khuâng một tiếng đờn..." tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.