Bàn về xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ sở giáo dục đại học

19/09/2022 09:48

Theo dõi trên

Ở Việt Nam, trên lĩnh vực văn hóa, nước ta chưa sử dụng khái niệm môi trường sinh thái nhân văn trong hoạt động thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa. Các văn bản của Đảng, Nhà nước ban hành những năm gần đây vẫn dùng cụm từ “môi trường văn hóa”, nhưng nội hàm của khái niệm này đã được mở rộng đưa vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và giáo dục nhân cách vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa.

van-hoa-giao-thong-1658499372-1663555638.jpg

Tóm tắt: Vận dụng những nhận thức mới về cấu trúc của môi trường văn hóa, bài viết đề xuất việc xây dựng môi trường văn hóa trong trường đại học cần được tiếp cận ở góc độ xây dựng văn hóa gắn với phát triển bền vững. Nội dung của xây dựng môi trường văn hóa trong trường đại học gồm những nội dung cụ thể sau: triển khai các văn bản chỉ đạo, pháp lý của cấp trên liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái nhân văn; xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa vật chất, tinh thần trong trường đại học; xây dựng mối quan hệ con người với con người tình nghĩa, nhân văn, thân thiện với môi trường sinh thái; lan tỏa giá trị đích thực của những nhân cách văn hóa và thiết lập các tổ chức tự quản, giám sát việc xây dựng môi trường văn hóa; chấn chỉnh các hành vi và hoạt động văn hóa lệch chuẩn trong trường đại học.

Từ khóa: môi trường văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa; môi trường văn hóa trong trường đại học...

Năm 2013, Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đã chủ động ban hành nhiều chính sách từng bước đổi mới việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục đại học để tiến kịp tư duy thời đại và phương pháp đào tạo trình độ đại học của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Việc đổi mới căn bản, toàn diện dạy và học có quan hệ mật thiết với xây dựng môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa trong các cơ sở giáo dục đại học lành mạnh, nhân văn là điều kiện đảm bảo cho việc dạy và học đạt được mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

1. Quan niệm về môi trường văn hóa

Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nêu 10 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa. Kể từ đó đến nay, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu văn hóa ở nước ta. Xuất hiện nhiều bài viết bàn về khái niệm, nội dung môi trường văn hóa với cách tiếp cận đa chiều, rộng, hẹp khác nhau, làm cơ sở cho xây dựng môi trường văn hóa ở địa bàn dân cư và các tổ chức xã hội. Chúng tôi cho rằng cơ sở lý luận về môi trường văn hóa đã xuất hiện từ năm 1981 trong cuốn sách Cơ sở lý luận văn hóa Mác – Lênin do A.I. Ác-môn-đôp chủ biên. Cuốn sách này, lúc bấy giờ được coi là giáo trình sử dụng giảng dạy trong các trường đại học đào tạo cử nhân các ngành văn hóa, nghệ thuật. Nhóm tác giả của công trình này đưa ra quan niệm: “Môi trường văn hóa là một tổng thể ổn định những yếu tố vật thể và nhân cách, nhờ đó các cá thể tác động lẫn nhau. Chúng ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và sáng tạo giá trị văn hóa, tới nhu cầu tinh thần, hứng thú và định hướng giá trị của họ. Môi trường văn hóa không chỉ là tổng hợp những yếu tố văn hóa vật thể mà còn có những con người hiện diện văn hóa” (1). Quan niệm này cho thấy các tác giả tiếp cận khái niệm môi trường văn hóa dưới góc nhìn văn hóa học, coi môi trường văn hóa là hiện hữu của các sản phẩm văn hóa do con người sáng tạo ra trong môi trường sống, chịu sự ảnh hưởng của các mối quan hệ con người với con người, ứng xử có văn hóa với nhau và định hướng giá trị sống. Khái niệm trên là chuẩn xác, phù hợp tư duy, bối cảnh lúc đó. Nhưng bước vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, nhân loại đối mặt với sự tác động mạnh mẽ của biến đổi môi trường thiên nhiên (hay tự nhiên) mà nguyên nhân sâu xa do chính con người gây ra, dẫn đến nguy cơ tồn vong sự sống trên trái đất. Vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên trở thành cấp thiết, mang tính toàn cầu. Phong trào bảo vệ môi trường thiên nhiên xuất hiện ở nhiều quốc gia, thậm chí bảo vệ môi trường còn là tôn chỉ, mục đích của một số đảng phái chính trị ở Châu Âu (Đảng Xanh). Năm 1972, Liên hợp quốc đã lấy ngày 05 tháng 6 hằng năm là ngày Môi trường Thế giới, kêu gọi các quốc gia hưởng ứng lan tỏa phong trào bảo vệ mội trường.

Năm 1987, tổ chức Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) đã nêu khái niệm “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai” (2) và khuyến cáo các quốc gia trên thế giới vận dụng vào thực tiễn thông điệp này. Phát triển bền vững gồm ba thành tố cơ bản gắn bó hữu cơ với nhau là kinh tế bền vững, xã hội bền vững, môi trường bền vững kèm theo những tiêu chí cụ thể. Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng, giữ được bản sắc văn hóa tộc người và môi trường được bảo vệ.

Chịu ảnh hưởng của xu hướng phát triển bền vững, giới nghiên cứu văn hóa phương Tây đã có sự chuyển dịch khái niệm môi trường văn hóa thay bắng khái niệm môi trường sinh thái nhân văn trong hoạt động thực tiễn. Môi trường sinh thái nhân văn đặt vấn đề con người phải thừa nhận vai trò đặc biệt quan trọng của các yếu tố tự nhiên bên ngoài hệ thống xã hội của loài người, phải tôn trọng, biết cách bảo vệ, chung sống hài hòa với môi trường tự nhiên, giữ gìn các hệ sinh thái thực vật, động vật và các yếu tố phi sự sống khác (yếu tố vật lý, hóa học…) đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của con người trong môi trường sống.

Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục (UNESCO) của Liên hợp quốc cũng thể hiện cách tiếp cận mới về khái niệm văn hóa. Văn hóa không chỉ là “tổng thể những sáng tạo của con người” thông qua lao động tác động vào tự nhiên tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị. Văn hóa còn là những cái ở ngoài tự nhiên, con người trực giác và tri giác được giá trị của nó đối với cuộc sống của con người. Những sản phẩm của tự nhiên như thắng cảnh thiên nhiên, vịnh biển đẹp, công viên đá, khu bảo tồn thiên nhiên... được thừa nhận là những sản phẩm văn hóa cần vinh danh.

Ở Việt Nam, trên lĩnh vực văn hóa, nước ta chưa sử dụng khái niệm môi trường sinh thái nhân văn trong hoạt động thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa. Các văn bản của Đảng, Nhà nước ban hành những năm gần đây vẫn dùng cụm từ “môi trường văn hóa”, nhưng nội hàm của khái niệm này đã được mở rộng đưa vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và giáo dục nhân cách vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa. Năm 2014, Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ở nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa so với nhiệm vụ này nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa (1998) đã bổ sung thêm vấn đề môi trường và nhân cách: “Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái” (3).

Như vậy, nội hàm của khái niệm môi trường văn hóa quy lại theo cách hiểu của các nhà quản lý và giới nghiên cứu Việt Nam gồm 4 thành tố sau:

- Cảnh quan môi trường: là môi trường tự nhiên và môi trường tự nhiên nhân tạo nằm trong không gian hoạt động của con người gắn với tổ chức cụ thể.

- Sản phẩm văn hóa vật chất, tinh thần hiện diện trong không gian hoạt động của con người. Sản phẩm văn hóa dưới dạng vật thể tồn tại ổn định trong không gian hoạt động của con người. Sản phẩm văn hóa dưới dạng phi vật thể nằm trong ký ức của cá nhân, tập thể được biểu lộ trong khoảng thời gian nhất định ở một không gian cụ thể và những biểu trưng văn hóa gắn với sự vật cụ thể hàm nghĩa thông điệp giá trị tư tưởng.

- Mối quan hệ con người với con người, con người với môi trường tự nhiên trong không gian hoạt động của con người. Các mối quan hệ này bị chi phối bởi luật pháp, quy chế, quy tắc ứng xử quy định cách thức xử sự chung cho mọi người và những quy định bất thành văn như phong tục, tập quán của dân tộc, như dư luận xã hội đối với hành vi của cá nhân hoạt động trong tổ chức và môi trường sống.

- Sự hiện diện những nhân cách văn hóa. Môi trường văn hóa của tổ chức tốt hay xấu phụ thuộc vào những con người có văn hóa, hay nói cách khác là những nhân cách văn hóa của mỗi cá nhân trong tổ chức. Tư tưởng, đạo đức, lối sống là thành tố cốt lõi của văn hóa, là phẩm chất của nhân cách cá nhân có tác động mạnh mẽ đến chiều hướng phát triển của môi trường văn hóa. Nếu người lãnh đạo, các nhà quản lý, những thành viên của tổ chức luôn tu rèn đạo đức, nghiệp vụ, nêu gương sáng với người xung quanh, thực sự là người tử tế làm nhiều việc tốt, lan tỏa những điều hay lẽ phải tới các thành viên khác trong tổ chức thì môi trường văn hóa ở nơi đó sẽ vận động theo chiều hướng tích cực, lành mạnh, giàu tính nhân văn.

2. Đặc điểm môi trường văn hóa trong các cơ sở giáo dục đại học

Văn bản hợp nhất số 42/VBHN-VPQH 2018 Luật Giáo dục đại học, Điều 4 giải thích một số từ ngữ liên quan đến giáo dục đại học như sau:

“1. Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.

2. Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

3. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung”.

Điều 5, nêu mục tiêu của giáo dục đại học là:

“1. Mục tiêu chung:

a) Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế;

b) Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ Nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ”.

Các hoạt động dạy và học với nhiều sinh hoạt, cách thức tiến hành cùng bề dày truyền thống đã kết tinh nên văn hóa trường học, tạo sự khác biệt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chiến lược phát triển của mỗi trường đại học. Tiếp cận theo quan điểm phân tích của Frank Gonzales (1978) về mô hình tảng băng (hai tầng bậc) thì văn hóa trường học thể hiện ở những yếu tố vật chất (ngoại hiện – tầng nổi) dễ quan sát và cũng dễ thay đổi như kiến trúc, trang trí, không gian cảnh quan, phương tiện, trang thiết bị..., và những yếu tố tinh thần (ngầm định – tầng chìm) như ý nghĩa của lễ nghi, nghi thức, quy trình làm việc, công nghệ dạy và học, văn hóa ứng xử, niềm tin, giá trị và sự kỳ vọng của các thành viên, cái chúng ta khó quan sát và những cái đó cũng khó thay đổi. Văn hóa trường học là nền tảng để nhận diện môi trường văn hóa ở trường đại học. Môi trường văn hóa trong các cơ sở giáo dục đại học có sự khác biệt so với môi trường văn hóa ở các tổ chức khác. Dưới đây là một số đặc điểm:

- Về cảnh quan môi trường: Không gian cảnh quan của các trường đại học thường có diện tích khá rộng kết hợp hài hòa yếu tố cảnh quan tự nhiên với các yếu tố cảnh quan nhân tạo tạo sự hấp dẫn, thể hiện đặc trưng của mỗi trường đại học ở những điểm nhấn bố cục, trang trí.

- Về sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần: hệ thống thiết chế văn hóa trong trường đại học như thư viện, hội trường văn hóa, khán đài, sân khấu ngoài trời, khu thể dục thể thao... là thành tố không thể thiếu phục vụ nhiệm vụ đào tạo giáo dục con người phát triển toàn diện. Đối tượng đào tạo của các trường đại học là sinh viên. Họ chủ yếu ở lứa tuổi thanh niên hiếu động, có nhiều ước mơ, hoài bão, say mê học tập, tìm tòi sáng tạo, dễ tiếp thu cái mới, có nhu cầu giao lưu bạn bè, ham thích phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Do vậy, sản phẩm văn hóa tinh thần ở các trường đại học thể hiện trong các hoạt động xã hội tình nguyện, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao khá sôi động.

- Về mối quan hệ con người với con người, con người với tự nhiên: xét ở phương diện văn hóa xã hội, để đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, trong mỗi trường đại học xuất hiện 4 mối quan hệ chính:

+ Quan hệ giữa người lãnh đạo, quản lý với giảng viên, sinh viên

+ Quan hệ giữa giảng viên với nhau

+ Quan hệ giữa giảng viên với sinh viên

+ Quan hệ giữa sinh viên với sinh viên

Các mối quan hệ này được điều chỉnh bằng quy chế học tập và quy tắc ứng xử văn hóa của nhà trường. Đối tượng chủ yếu trong trường đại học là tầng lớp trí thức bị chi phối bởi quan hệ thày với trò mang tính quy phậm. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các trường đã và đang phấn đấu: “Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ” (Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI) (4).

Trường đại học là nơi tập trung sinh viên đến học tập, nghiên cứu khoa học chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, hoàn thiện nhân cách để ra trường mỗi sinh viên lựa chọn theo đuổi một công việc phù hợp với nguyện vọng của mình. Quy chuẩn và môi trường học tập tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện chương trình giáo dục văn hóa môi trường và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là dịp Ngày môi trường thế giới (5/6), góp phần hình thành ý thức bảo vệ môi trường sinh thái trong sinh viên, giảng viên và viên chức.

- Về nhân cách văn hóa của các cá nhân trong tổ chức: Trong môi trường giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học ở trường đại học đã hình thành 4 kiểu  văn hóa: Văn hóa quản lý, văn hóa giảng dạy, văn hóa học tập và văn hóa ứng xử, trong đó văn hóa học tập là trung tâm. Sự mẫu mực của những người quản lý, sự mô phạm, trí tuệ của giảng viên, sự đam mê học tập, sáng tạo của sinh viên thông qua kết quả dạy và học, thái độ, hành vi, ngôn ngữ giao tiếp... đã tạo nên những nhân cách văn hóa cá nhân góp phần tích cực làm cho môi trường văn hóa của trường đại học lành mạnh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện.

3. Đề xuất khung phân tích đánh giá xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ sở giáo dục đại học

Xây dựng môi trường văn hóa trong các trường đại học là sự chủ động của các chủ thể trong xã hội (chủ thể quản lý nhà nước, chủ thể quản lý trực tiếp ở trường đại học, chủ thể cộng đồng sinh viên, chủ thể các cá nhân, doanh nghiệp ngoài xã hội...) tác động đến các nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trong trường đại học.

Vận dụng lý thuyết quản lý và bám sát các thành tố kiến tạo môi trường văn hóa chúng tôi nêu ra khung phân tích đánh giá xây dựng môi trường văn hóa trong trường đại học như sau:

Thứ nhất, triển khai các văn bản chỉ đạo, pháp lý của cấp trên liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa và xây dựng các quy định, quy chế, quy ước, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường đại học.

Vận dụng các quan điểm của Đảng nêu trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và các quan điểm nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa, con người vào chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa học đường. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030” (24/3/2015); Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (08/5/2018); Quyết định số 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 (03/10/2018); xây dựng trường đại học đạt chuẩn văn hóa trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa...

Thứ hai, xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái nhân văn.

Bảo vệ hệ sinh thái thực vật, động vật tự nhiên và nhân tạo, các yếu tố phi sự sống khác trong không gian hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của trường đại học. Giáo dục văn hóa môi trường trong học đường. Đặt mục tiêu đảm bảo cho không gian của trường học sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, con người sống hài hòa, thân thiện với môi trường sinh thái.

Thứ ba, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa vật chất, tinh thần trong trường đại học.

Hoàn thiện và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa trong trường đại học. Đó là thiết chế thư viện, nơi lưu trữ tri thức của nhân loại phục vụ phát triển văn hóa đọc. Đó là hội trường, phòng tập nghệ thuật, sân khấu ngoài trời... để thu hút giảng viên, sinh viên tham gia sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa tinh thần. Đó là khu thể dục, thể thao thu hút giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phát triển văn hóa thể chất như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, tennis, thể dục thể hình... Duy trì các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao. Tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phong trào xã hội thiện nguyện.

Thứ tư, xây dựng mối quan hệ con người với con người tình nghĩa, nhân văn, thân thiện với môi trường sinh thái trong mọi hoạt động của nhà trường.

Nhà trường cần xây dựng các chuẩn mực văn hóa học đường, thực chất là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc ăn, ở, đi lại, học tập, vui chơi giải trí... thể hiện được giá trị văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội trong trường học. Trước mắt, các trường đại học cần đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trong trường thực hiện nghiêm, hiệu quả, chất lượng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

Thứ năm, lan tỏa giá trị đích thực của những nhân cách văn hóa trong môi trường văn hóa học đường.

Coi trọng việc biểu dương và nhân rộng người tốt, việc tốt, tập thể, điển hình tiên tiến, mô hình hay trong xây dựng môi trường văn hóa học đường. Khen thưởng kịp thời nhân tố tích cực, những mẫu mực nhân cách văn hóa. Bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn đấu tranh với cái xấu, cái ác... trong môi trường văn hóa học đường.

Thứ sáu, thiết lập các tổ chức tự quản, giám sát việc xây dựng môi trường văn hóa; chấn chỉnh các hành vi và hoạt động văn hóa lệch chuẩn trong trường đại học.

Phát huy vai trò của các đội tự quản sinh viên trong khu ký túc xá. Đẩy mạnh hoạt động Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Thanh niên Việt Nam, lấy hội viên giáo dục hội viên. Đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xử lý kiên quyết, kịp thời những biểu hiện tiêu cực, hành vi thiếu văn hóa trong môi trường học đường.  

Tóm lại, xây dựng môi trường văn hóa trong trường đại học cần được tiếp cận ở góc độ xây dựng văn hóa gắn với phát triển bền vững, đặt nhiệm vụ trọng tâm giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của các trường trong mối quan hệ với văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội và mối quan hệ gắn bó hữu cơ với môi trường sinh thái nhân văn, góp phần hoàn thiện nhân cách con người.

Tài liệu tham khảo

1. A.I. Ác-môn-đốp chủ biên (1981), Cơ sở lý luận văn hóa Mác - Lênin, Nxb Văn hóa, Hà Nội

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (2021), Hội thảo khoa học xác định khái niệm xây dựng môi trường văn hóa, Hà Nội, ngày 9 tháng 4 năm 2021.

Chú thích

(1) A.I. Ác-môn-đốp chủ biên (1981), Cơ sở lý luận văn hóa Mác - Lênin, Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr.75.

(2)https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1t_tri%E1%BB%83n_b%E1%BB%81n_v%E1%BB%AFng, truy cập ngày 30/4/2022.

(3),(4) Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (2015), Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Văn hóa – Thông tin, tr.15-16.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thức
Bạn đang đọc bài viết "Bàn về xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ sở giáo dục đại học" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.