Bàn thêm về văn hóa rượu ở Nam bộ

20/03/2017 11:02

Theo dõi trên

Trang Sáng tác- Biên khảo Báo Cần Thơ ra ngày 11-3-2017 có bài "Văn hóa rượu ở Nam bộ" của tác giả Nguyễn Ngọc với góc nhìn thú vị về ly rượu trong đời sống dân gian Nam bộ. Xin giới thiệu tiếp bài viết của tác giả Đăng Huỳnh, bàn thêm về rượu dưới góc nhìn văn hóa, về ly rượu lễ nghĩa, điệu nghệ.

Bây giờ, nhiều người nhắc đến rượu với sự ác cảm, dè bỉu, cho rằng rượu làm hư con người. Nhưng không. Tổ tiên ta đã chế tác rượu từ hàng ngàn năm trước (trong sách "Lĩnh Nam chích quái" xác nhận rượu có từ thời Hùng Vương) để cúng tế đất trời, tổ tiên- "vô tửu bất thành lễ", rượu kết tình bằng hữu, thể hiện sự hiếu khách- thì không thể xấu được, nếu dùng có chuẩn mực. Sự lạm dụng, uống rượu quá đà mới làm nên nông nổi.



Chuẩn bị rượu, nhang đèn dâng lễ trong lễ giỗ Cử nhân Phan Văn Trị ở Cần Thơ - Ảnh: Duy Khôi

Người Nam bộ xưa điệu nghệ khi cho rằng, uống rượu là "uống cả đất trời", thưởng thức Tinh- Khí- Thần: tinh là những giọt rượu tinh chất từ gạo nếp, khí là hơi rượu lan tỏa, còn thần là không khí bữa tiệc vui vầy, rộn rã. Uống rượu mang tính sòng phẳng, kính trọng người lớn, được "điều hành" bởi người "chủ xị". Người Nam bộ gọi uống rượu là "nhậu" bởi việc uống rượu chỉ là cái cớ, tạo dịp để anh em, bè bạn gặp gỡ, hàn huyên. Dân gian có câu: "Một xị đế, ba xị dầu" để nói về điều này.

Một lý giải khác là những lưu dân trong quá trình Nam tiến tới xứ sở này gặp toàn rừng thiêng nước độc, thú dữ hoành hành nên cần có chút men trong người để thêm dũng khí, bạo dạn đối đầu. Điều rất hay là người Nam bộ bắt đầu cuộc nhậu bằng một nghi lễ, dù trên ghe xuồng, bờ ruộng hay trong nhà. Ly rượu đầu tiên họ rót đầy rồi rưới đều trên mặt sông để mời Hà Bá, rưới trong nhà, ngoài đồng… để mời Đất đai dương trạch. Quan niệm "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá", lối sống kính nhường là vì vậy.




Khay hộp (đựng rượu và trầu) trong đám cưới của một đôi tân hôn miệt Hậu Giang - Ảnh: Duy Khôi

Khác với người miền Bắc, cuộc nhậu có bao nhiêu người là bấy nhiêu ly rượu, cuộc nhậu của người Nam bộ chỉ duy nhất 1 cái ly do "chủ xị" quản lý. Ly uống rượu thời trước là loại ly đựng khoảng 1/8 lít, giữa có hai lằn chỉ đỏ nằm khít nhau, gọi là lằn "chệt đẻo" để làm chuẩn chia hai "tui với anh 1 ly". Về chuyện chỉ 1 ly rượu trong bàn nhậu, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa giải thích rằng, sống nơi đất mới, bạn bè thì ít mà lam sơn chướng khí thì nhiều nên cần sự đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi: 1 ly rượu kết tình anh em tứ hải giai huynh đệ, không phân biệt sang hèn, 1 ly rượu chia đôi để sướng khổ có nhau, nghĩa tình giữ vẹn. Ở Nam bộ, nói về người say trong tiệc nhậu có câu rất hay rằng: "Sáng say, chiều xỉn, tối xà quần". Cùng chỉ trạng thái say rượu nhưng người Kinh nói "say", người Hoa bảo "xỉn", người Khmer kêu "xà quần". Điều đó nói lên sự đoàn kết, dung hợp nghĩa tình của 3 dân tộc anh em.

Nghi lễ đời người không thể vắng ly rượu, từ cúng Mụ cho trẻ đầy tháng đến tang ma, giỗ chạp. Ngày giỗ, mâm cúng có thể khác nhau ở mỗi gia đình, tùy giàu nghèo, nhưng rượu thì nhà nào cũng có. Như tác giả Nguyễn Ngọc nói, không ai cúng rượu Tây mà phải là rượu gạo, rượu đế truyền thống. 3 tuần rượu, 1 tuần trà thể hiện tấm lòng thảo thơm của con cháu. Trong một cuộc hôn nhân, khay rượu trầu- gọi là "khay hộp" có mặt từ ngày dạm hỏi đến lễ phản bái.

Trong truyện "Trao thân con khỉ mốc" nằm trong tập truyện "Đồng quê" nổi tiếng của nhà văn Phi Vân, từng đạt giải cuộc thi văn chương của Hội Khuyến học Cần Thơ năm 1943, kể chuyện nhà trai từ Cần Thơ xuống Cà Mau rước dâu, có đoạn tả như vầy: "Ông Hương Ba đã hờm sẵn khay trầu rượu xây qua dặn chàng rể: Thanh, mầy bưng cái khay hộp theo tao nghe! Lúc làm lễ, hễ tao đặt khay trầu rượu ở bàn nào thì vợ chồng mầy sẽ lạy ở bàn đó... Mà nhớ luôn luôn đứng bên tay trái nghe, "nam tả nữ hữu", ráng học cho nằm lòng!". Đoạn văn này là đang nói về phần "chịu lạy" trong đám cưới, được các vùng quê ở Nam bộ duy trì đến bây giờ. Ông Trưởng tộc khai thông: phần lễ gồm có lễ ông bà quá cố và lễ ông bà hiện tiền. Trong lễ ông bà hiện tiền, ông Trưởng tộc lần lượt gọi, ví dụ như: "Tới phần ông bà của đôi tân hôn. Vậy ai là ông bà của đôi tân hôn lên uống ly rượu cho hai cháu làm lễ". Khi ông bà ngồi vào ghế danh dự, đôi tân hôn nhận rượu từ chú rể phụ rồi kính cẩn dâng cho ông bà uống… Bởi thế ca dao Nam bộ có câu:


"Rượu lưu ly chân quỳ tay rót,

Cha mẹ uống rồi nối gót theo anh"

Nói về đám cưới, tôi nhớ cách đây chừng 20 năm về trước, quê tôi ở Bạc Liêu cũng như nhiều vùng quê khác, chuyện mời thiệp cưới hầu như không có mà chỉ "mời miệng". Người có uy tín trong nhà có đám cưới: cha, hoặc huynh trưởng cô dâu, chú rể, ăn vận chỉnh tề, tay cầm khay rượu, trên chai rượu có dán giấy hồng đơn để biểu thị sự trang trọng, vui vẻ. Đến nhà ai, họ nói, thí dụ như vầy: "Dạ thưa chú Ba, hôm 28, 29 tới con có gả con Út về Ngã Năm. Con mời chú thiếm với mấy em hôm đó qua uống ly rượu với vợ chồng con". Vừa nói, người mời vừa rót ly rượu mời... Người được mời vui vẻ cầm ly rượu uống mà trả lời, đại khái: "Mừng cho vợ chồng bây. Hôm đó chú thiếm sẽ tới sớm!". Cứ thế, hết làng này đến xóm khác. Có khi chuyện mời đám hết cả tuần.

Sân khấu xưa thường dùng rượu để nói tính cách con người, để chuyển tải đạo nghĩa ở đời. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga thời trước có dựng vở "Bên cầu dệt lụa" nổi tiếng. Có đoạn, khi Trần Minh đỗ trạng nguyên vinh quy bái tổ về làng đã cởi áo trạng nguyên, cất bình rượu trạng nguyên, mặc áo rách đúng kiểu "Trần Minh khố chuối" thuở nào rồi mua rượu quán nghèo, một mình đến nhà Nhuận Điền để "kính rượu đại huynh". Lúc ấy Nhuận Điền hỏi: "Giờ là trạng nguyên mà vẫn uống được rượu quán nghèo ngày xưa?". Trần Minh đáp: "Uống chớ đại huynh! Tuy rượu quán nghèo nhưng nồng nàn hương vị. Xin kính cẩn tay nâng mời tri kỷ, mượn chén rượu ngày xưa cho tròn vẹn thâm... tình. Rượu lạt trạng nguyên thì đệ chỉ xin dám uống một mình. Đâu dám rót làm bẩn môi người nghĩa khí. Xin gởi vào đây bằng hương vị của ngày xưa. Cởi áo mão cân đai gởi cho quân hầu cận. Mặc nguyên áo cơ hàn để mừng bạn tương tri. Vậy rượu tương phùng đại huynh hãy uống đi. Uống chén rượu hôm nay mà nhớ ngày đưa tiễn". Nét cư xử đẹp đẽ, khí khái biết nhường nào!

Như đã nói, lạm dụng rượu là thói xấu, nên tránh. Dân gian nói rằng "Nam vô tửu như kỳ vô phong" là đúng bởi người đàn ông cần biết nếm vài ba ly rượu song chẳng phải say xỉn. Người đàn ông "xỉn quắc cần câu" thì cũng chẳng khác nào "như kỳ vô phong" vậy. Dân gian có nhiều bài vè nói về những người "sáng xỉn, chiều say, tối lai rai vài xị". Những "anh hùng men" được châm biếm như vầy: "Một ly nhâm nhi tình bạn. Hai ly giải cạn tình sầu. Ba ly mũi chảy tới râu. Bốn ly nằm đâu gục đó. Năm ly cho chó ăn chè. Sáu ly ai nói nấy nghe. Bảy ly le le lội nước. Tám ly chân bước chân quỳ. Chín ly còn gì mà kể. Mười ly khiêng để xuống xuồng" ("Vè uống rượu"). Rượu vào, tật xấu lòi ra, ông bà ta có bài "Vè bợm nhậu", có đoạn: "Say sưa bậy bạ. Nói dọc nói ngang. Nằm xó nằm đàng. Ngả lên ngả xuống. Thấy rượu thì uống. Quá mẹ hũ chìm. Nói như bìm bìm. Dây leo có nhợ. Về nhà ỷ thế. Đánh vợ hùng hào. Tao uống mặc tao…".

Ngẫm ra, rượu đẹp hay không, văn hóa hay không đều do "muôn sự tại nhân"!


Đăng Huỳnh

Nguồn: Báo Cần Thơ
Bạn đang đọc bài viết "Bàn thêm về văn hóa rượu ở Nam bộ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.