Khởi sắc của sân khấu cải lương (SKCL) thời hiện tại trên đất Bạc Liêu đã được minh chứng qua sự đa dạng các thể tài, từ cải lương mang màu sắc truyền thuyết đến phản ánh thời kỳ đấu tranh cách mạng và hiện thực cuộc sống hôm nay. Cải lương cuối tuần phục vụ khán giả sở tại và thử nghiệm điểm đến về đêm cho du khách khi đến xứ sở bản “Dạ cổ hoài lang” được tiến hành một thời gian rồi tạm ngưng, nay đã tiếp tục “tái xuất”...
Tất cả là những nỗ lực của ngành Văn hóa nói chung, của Nhà hát Cao Văn Lầu nói riêng, để cải lương làm du lịch, cũng là một trong những nội dung được Đề án phát triển nghệ thuật SKCL Bạc Liêu giai đoạn 2021-2025 đề cập.
Giải “cơn khát” cải lương
Nhớ sân khấu là tâm trạng của hầu hết những nghệ sĩ, diễn viên ở Nhà hát Cao Văn Lầu, khi lâu rồi không được diễn cải lương, hay dàn dựng các tiết mục văn nghệ tổng hợp phục vụ khán giả tại chỗ. Và ở phía hàng ghế khán giả, nhiều người cũng “thèm” cảm giác được đến Nhà hát mỗi tối cuối tuần xem cải lương, văn nghệ. Cho nên việc Nhà hát tái sáng đèn cứ như giải “cơn khát” của những niềm đam mê này.
Ngay từ những ngày cuối năm 2022, Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Hạnh đã thường xuyên nhận được tin nhắn từ khán giả với câu hỏi “thường trực”: cuối tuần này Nhà hát có phục vụ cải lương không? Do phải tập trung tập dượt chương trình Tết, nên Nhà hát phải tạm gác chương trình phục vụ cuối tuần, hẹn khán giả qua Tết sẽ phục vụ lại. Câu trả lời của nữ nghệ sĩ dĩ nhiên làm khán giả thất vọng khi nhiều người chờ cuối tuần để được đến Nhà hát xem cải lương trực tiếp. Đó là những vở kinh điển của cải lương Việt Nam mà Nhà hát đã dàn dựng lại khá thành công, như: “Phạm Lãi biệt Tây Thi”, “Bên cầu dệt lụa”, “Đường gươm Nguyên Bá”, “Đêm lạnh chùa hoang”... Bẵng đi một thời gian, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cùng một số khó khăn nhất định mà Nhà hát ngưng phục vụ.
Và lời hứa “qua Tết phục vụ lại” cũng bởi nhiều khó khăn khách quan, mãi đến bây giờ mới thực hiện được. Tối 20/5, chương trình nghệ thuật chủ đề “Nhớ Dạ cổ hoài lang” với nhiều tiết mục mang dấu ấn Bạc Liêu như: “Dạ cổ hoài lang”, “Cậu Ba Bạc Liêu”, “Đất trời Bạc Liêu”, “Khúc hát Samaky”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”... đã giải tỏa được “cơn khát” của người biểu diễn lẫn khán giả mộ điệu! Khai màn bằng một chủ đề “chất” như vậy, chương trình “tái sáng đèn” này đã thu hút lượng khán giả khá hùng hậu. Chị Hồng Tú (Phường 7, TP Bạc Liêu) xem đến tiết mục cuối cùng, chia sẻ: “Những tiết mục được chăm chút từ khâu trang phục, đạo cụ đến chất lượng ca diễn. Vọng cổ cũng có múa phụ họa nên thật sự hấp dẫn. Tôi mong Nhà hát sẽ duy trì được sân khấu sáng đèn mỗi cuối tuần để khán giả Bạc Liêu có một điểm đến giải trí tuyệt vời như thế này”.
Để cải lương kết nối du lịch
Trước khi Đề án được ban hành, ngay từ cuối năm 2018, cứ mỗi tối thứ Bảy hằng tuần, Nhà hát Cao Văn Lầu lại sáng đèn đón khán giả. Nếu bảo rằng khán giả hiện nay đã quay lưng với SKCL, thì chính những đêm phục vụ cải lương cuối tuần tại Nhà hát đã phản bác lại ý kiến đó! Ở không gian này có thể nhận ra khán giả đến với cải lương bây giờ không chỉ là người lớn tuổi, mà rất nhiều bạn trẻ cũng yêu thích! Tuồng tích hay, sân khấu hiện đại cùng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên khá hùng hậu như: Chuông Vàng vọng cổ 2007 Ngọc Đợi, những huy chương Vàng cuộc thi SKCL chuyên nghiệp toàn quốc, giải Trần Hữu Trang qua các năm như: Mỹ Hạnh, Giang Tuấn, Anh Chàng, Diễm My, Vĩnh Sơn..., quán quân “Tài tử tranh tài” - Hoàng Dững... Tiếc là do những khó khăn khách quan, SKCL đành lỗi hẹn với giới mộ điệu một thời gian.
Với khán giả, Nhà hát sáng đèn mỗi cuối tuần đơn thuần là điểm đến giải trí hấp dẫn. Riêng ở vai trò những người có trách nhiệm, thì việc duy trì sân khấu này còn mang nhiều tầng ý nghĩa khác! Nói về sự sáng đèn trở lại này, ông Văn Công Diệp - Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, cho biết: “Chúng tôi nỗ lực giữ sân khấu sáng đèn cuối tuần nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của đờn ca tài tử, cải lương và các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương nói chung. Không chỉ biểu diễn phục vụ người dân tỉnh nhà mà sắp tới Nhà hát còn kết nối với các công ty du lịch lữ hành ngoài tỉnh để phục vụ du khách một điểm đến hấp dẫn về đêm. Phát huy hơn nữa những giá trị nghệ thuật bản địa đặc sắc cũng là cách quảng bá, giới thiệu sinh động hình ảnh quê hương Bạc Liêu đến với du khách, bạn bè gần xa”.
Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu cho biết, sau chương trình này, Nhà hát sẽ luân phiên biểu diễn một số kịch bản cải lương và các chương trình nghệ thuật theo từng chủ đề khác nhau, phục vụ vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần. Được biết, vở cải lương có yếu tố hài hước - “Liều độc dược và cây đờn thần” sẽ phục vụ khán giả vào tối 27/5. Dù là “bổn cũ soạn lại”, nhưng các nghệ sĩ, diễn viên vẫn luôn đầy tâm huyết trong từng vai diễn của mình, đó là vừa là đam mê được sống hết mình trên sân khấu vừa là trách nhiệm gìn giữ một di sản văn hóa của Bạc Liêu mà mỗi người đang là một sứ giả quan trọng.
Nhà hát Cao Văn Lầu vừa được bình chọn top 7 công trình kiến trúc độc đáo của Việt Nam. Cho nên, những hoạt động diễn ra bên trong Nhà hát khi được tổ chức chỉn chu là góp phần hợp lực tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của Bạc Liêu. Bản thân cải lương Bạc Liêu đã có sức hút và nơi tổ chức biểu diễn cũng đủ lực hấp dẫn thì SKCL kiêm nhiệm vụ làm du lịch có lẽ không quá khó khăn.