Bạc Liêu: Nhiều dấu hiệu khuất tất vụ thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công (Bài 1)

03/05/2022 16:12

Theo dõi trên

Dù nhiều nhân chứng sống chứng minh việc ông Hồng Văn Mừng hi sinh khi tham gia cách mạng và đề nghị phải phục hồi Bằng Tổ quốc ghi công và công nhận liệt sĩ cho ông, thế nhưng Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu tìm mọi cách để khước từ đề nghị này, thậm chí gây khó khăn cho nhân chứng.

anh-1-1651566097.jpg
Ông Lê Phước Lộc nhân chứng sống nói về sự hi sinh ông Hồng Văn Mừng khi còn tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước với phóng viên

Dù nhiều nhân chứng sống chứng minh việc ông Hồng Văn Mừng hi sinh khi tham gia cách mạng và đề nghị phải phục hồi Bằng Tổ quốc ghi công và công nhận liệt sĩ cho ông, thế nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu tìm mọi cách để khước từ đề nghị này, thậm chí gây khó khăn cho nhân chứng.

Theo hồ sơ vụ việc, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Hồng Văn Mừng (sinh năm 1919, ngụ ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Minh Hải, nay là ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), tham gia cách mạng ở địa phương với vai trò phụ kinh tài, thu đảm phụ.

Ngày 19/9/1970, trong cuộc họp của tổ chức cách mạng của xã Vĩnh Mỹ B và ấp Mỹ Phú Nam tại nhà ông Năm Tốt, trong lúc họp bị giặc phát hiện và bao vây, ông Mừng chạy qua sông ra phía sau ruộng, nhà ông Tám Lung (nay là nhà của ông Trương Văn Đương, ở ấp Mỹ Phú Nam) thì bị lính đơn vị 915 Phước Long bắn chết. Sau khi bị bắn chết, giặc lấy của ông Mừng 01 chiếc Radio và một thùng sắt đựng tài liệu và tiền thu gom đảm phụ cho cách mạng.

Sau khi đất nước độc lập, năm 1976 ông Mừng được Đảng và Nhà nước công nhận là liệt sĩ, có cấp Bằng Tổ Quốc ghi công, đồng thời tỉnh Minh Hải, cấp cho mẹ và vợ ông Mừng sổ gia đình liệt sĩ.

Bất ngờ đến năm 1983, ông Bùi Văn Triệu, Trưởng Ban Thương binh và xã hội xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lợi đứng đơn cùng 18 người tố cáo ông Hồng Văn Mừng “đầu hàng giặc, chiêu hồi và bị bắt tù đài”. Đồng thời ông Triệu làm tham mưu cho UBND xã Minh Tân đứng ra họp dân và đề nghị UBND huyện Vĩnh Lợi và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải (nay tách ra thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) ra Quyết định rút Bằng Tổ quốc ghi công của ông Mừng.

Điều đáng nói là trong danh sách đơn tố cáo 18 người thì hầu như là người thân của ông Triệu và những người phục vụ cho chế độ cũ, người không rõ nơi cư trú…, thậm chí có những người khẳng định họ không đứng đơn tố cáo như danh sách của Triệu lập.

Cụ thể, bà Trương Thị Xuyến, Phan Thị Bông, Bùi Thị Phấn đều là người nhà của ông Triệu, ông Trần Tư Hòa phục vụ cho chế độ cũ khẳng định ông không đứng tên trong đơn tố cáo. Đặc biệt là trường hợp của bà Diệp Thị Khá là kẻ phản bội Tổ quốc, năm 1971 bà từng chỉ điểm cho giặc nơi giấu những chiến sĩ cách mạng tại nhà ông Trần Thanh Sơn, ấp Mỹ Phú Nam, hậu quả khiến ông Ba Miên Bí thư xã và ông Trần Văn Lắm, xã Đội trưởng hy sinh và nhiều tổn thất lớn cho cách mạng. Phát hiện sự việc cách mạng đã bắt giam bà Khá tại xã Châu Thới đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất bà bỏ đi biệt xứ cho đến nay không ai rõ tung tích thì tại sao lại có tên trong đơn tố cáo?

Sau khi ông Bùi Văn Triệu, “tham mưu” cho UBND huyện Vĩnh Lợi và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải ra Quyết định rút Bằng Tổ quốc ghi công của ông Mừng.

Đến ngày 4/06/1983, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải ban hành quyết định số 75-TBXH/83 về việc rút hồ sơ trợ cấp của gia đình liệt sĩ Hồng Văn Mừng và thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công số 3x.451k với lý do: “Trường hợp chết của ông Mừng lúc nghỉ công tác, địch biệt kích bắn chết nên không đủ tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ”.

Qua tìm hiểu của PV, việc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công của ông Mừng còn nhiều vấn đề khuất tất chưa làm sáng tỏ còn nhiều mâu thuẫn và Sở Lao động - Thuơng binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu khi đi xác minh vụ việc đã có dấu hiệu thiếu minh bạch, khách quan…

Cụ thể như ông Bùi Văn Triệu là Trưởng ban thương binh - xã hội xã Minh Tân, vừa là người tố cáo ông Mừng “Đầu hàng giặc; Chiêu hồi và bị bắt tù đài” cũng là người tiến hành xác minh và làm tham mưu đề nghị UBND huyện Vĩnh Lợi rút Bằng Tổ quốc ghi công của ông Mừng thì có khách quan minh bạch hay không? Trong danh sách tố cáo có một số người có tên nhưng không có trong thực tế, một số người là đối tượng chiêu hồi, chỉ điểm làm cho một số cán bộ cách mạng hy sinh trong thời kỳ kháng chiến, nhưng Thanh tra Sở Lao động - Thuơng binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu thì cho là đúng theo quy định của pháp luật? Sở có đủ thẩm quyền rút Bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng Chính phủ hay không? Tổ Thanh tra khi đi xác minh đưa ra nhiều câu hỏi gây bức xúc cho nhân chứng sống, thậm chí có hành vi hăm dọa họ…

12-1651566393.jpg
 Ông Hồng Văn Rê, con của liệt sĩ Hồng Văn Mừng phản ánh đến phóng viên

Chia sẻ với PV, ông Hồng Văn Rê, con của liệt sĩ Hồng Văn Mừng bùi ngùi trong xúc động: “Sở dĩ, ông Bùi Văn Triệu tố cáo cha tôi là do có mâu thuẫn với gia đình, xuất phát từ mâu thuẫn việc trang trải đất đai không thành, nên ông Triệu đâm ra thù vặt kiếm chuyện vu khống, cha tôi là “Đầu hàng giặc; Chiêu hồi và bị bắt tù đài”. Những gì ông Triệu tố cáo là hoàn toàn không đúng sự thật, gia đình tôi là gia đình truyền thống yêu nước, bản thân tôi là người từng trong quân ngũ tham gia cách mạng cho đến ngày đất nước thống nhất. Từ khi bị rút Bằng Tổ quốc ghi công đến nay đã gần 40 năm, gia đình tôi gõ cửa nhiều cơ quan ban ngành mong làm sáng tỏ vụ việc, trả lại danh dự cho cha tôi. Cha tôi đổ xương, đổ máu để dành lại hòa bình cho quê hương, đất nước thì chưa được nguôi ngoai thì ngược lại để cho những kẻ thiếu hiểu biết, sống cơ hội chà đạp lên danh dự của người chiến sĩ cách mạng”.

Liên quan đến vụ việc này, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu từng có ý kiến bằng văn bản chỉ đạo cho Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu rà soát và đề xuất hướng giải quyết trình UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất, nếu có khó khăn, vướng mắc có văn bản xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo hướng giải quyết có lợi cho người dân và đúng quy định pháp luật.

Hiện nay, nhân chứng sống cho rằng cái chết của ông Mừng đủ điều kiện để công nhận là liệt sĩ, cần sớm phải phục hồi lại Bằng Tổ quốc ghi công cho ông và cần phải làm rõ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải (cũ) có đủ thẩm quyền đề rút 1 Quyết định của Thủ tướng ban hành hay không? Hoặc Sở này có được ủy quyền của Thủ tướng để rút quyết định hay không?

Còn tiếp...

Xuân Đào
Bạn đang đọc bài viết "Bạc Liêu: Nhiều dấu hiệu khuất tất vụ thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công (Bài 1)" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.