Bạc Liêu “Giữ mãi hồn quê”

02/03/2017 14:46

Theo dõi trên

Là tỉnh đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia (gọi tắt là Festival) lần đầu tiên và gặt hái những thành công được công chúng gần xa ghi nhận, Bạc Liêu đang tích cực các bước chuẩn bị, đầu tư chiều sâu các nội dung tham gia Festival lần này.

ĐCTT chiếm vị thế lớn trong nghệ thuật

Trước thế kỷ XX, cổ nhạc Bạc Liêu đã hình thành và phát triển khá mạnh, nhưng vì còn mang  tính  gia  truyền  tự  phát nên chưa phát huy được vai trò và  chức  năng  quan  trọng  của nó. Mãi đến thập niên cuối thế kỷ XX, mới có ông Lê Tài Khí (thường gọi là Nhạc Khị, Hai Khị) là người đầu tiên đứng ra thành lập Ban cổ nhạc Bạc Liêu. Lúc đầu, ban nhạc này chỉ có một bộ phận duy nhất là một tập thể thầy đàn chuyên phục vụ các đám ma chay, tế lễ.

Khi bản Dạ cổ hoài lang củ
a Cao Văn Lầu ra đời, phong trào ĐCTT, cải lương ở Bạc Liêu đã phát triển rất mạnh, chẳng bao lâu đã chiếm được một vị trí lớn trong nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và cứ phát triển theo thời gian càng lúc càng rộng. ĐCTT vừa là công cụ rất tốt để cổ vũ tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân, cũng vừa là cơ sở để hình thành các phong trào ca ra bộ và sân khấu cải lương sau này.



Các nghệ nhân Bạc Liêu hứa hẹn sẽ “cháy” hết mình tại Festival lần 2

Theo ông Nguyễn Vũ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, ngay sau khi ĐCTT được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì Bạc Liêu lập tức xây dựng đề án với tên gọi: “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014-2020” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” và bắt đầu triển khai thực hiện vào cuối năm 2014. Mục đích của Đề án không nằm ngoài việc tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật của ĐCTT, đồng thời góp phần thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Sẽ “cháy” hết mình tại Festival lần 2

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp mới đây với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu bàn về kế hoạch chuẩn bị cho Đoàn nghệ nhân tham gia Festival lần II tại Bình Dương sắp tới, ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: “Bạc Liêu đã tổ chức thành công Festival lần thứ I, ở lần thứ II này, dù chỉ ở cương vị tỉnh bạn đồng tham gia, nhưng Bạc Liêu vẫn phải đầu tư về chất lượng ở tất cả các chương trình. Vấn đề ở đây không phải chỉ nhằm gặt hái giải thưởng mà còn là để giữ cho được “thương hiệu” một trong những “chiếc nôi” của ĐCTT”.

 
Tiếp thu chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, đồng thời bằng nhiệt huyết của  những  người  trong  cuộc  - người trong vai trò “sứ giả” gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT - người đầu tàu chỉ đạo nội dung nghệ thuật và từng nghệ nhân, nghệ sĩ đều đã sẵn sàng cho Festival tôn vinh loại hình nghệ thuật ĐCTT. Theo đó, Trung tâm Văn hóa tỉnh đang ráo riết tập dượt chương trình tham gia liên hoan Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tại Festival, đây cũng được xem là nội dung “bản lề” tham dự lần này của tỉnh. Với chủ đề “Giữ mãi hồn quê”, Trung tâm Văn hóa tỉnh dự kiến xây dựng 6 tiết mục tham gia với các bài bản phong phú, nhiều bài bản tài tử với lời mới, đồng thời với dàn nghệ nhân, tài tử gạo cội, tin rằng Bạc Liêu sẽ “dọn” được một “bàn tiệc” nghệ thuật ĐCTT Nam bộ đặc sắc với sự chung - riêng hòa quyện, góp phần tạo nên một liên hoan ĐCTT đầy dấu ấn cho Festival năm nay.

Chuẩn bị cho nội dung “Không gian ĐCTT Nam bộ”, ngành chức năng tỉnh cũng đang tích cực xây dựng nội dung trưng bày hình ảnh,  hiện vật tiêu biểu của tỉnh liên quan đến phong trào và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản này; song song đó tuyển chọn 2 - 3 nghệ nhân tham gia biểu diễn và truyền dạy cách hát, sử dụng nhạc cụ cho du khách và người dân đến tham gia không gian ĐCTT Nam bộ của Bạc Liêu… Những tác giả chuyên và không chuyên sáng tác lời mới 20 bản Tổ nhạc tài tử, vọng cổ và chập cải lương ở Bạc Liêu cũng đang âm thầm nắn nót câu chữ, gửi gắm niềm đam mê, tình yêu vào ĐCTT qua những sáng tác dự thi… Một hoạt động bên lề nhưng không kém phần tạo không khí cho Festival là không gian ẩm thực và đặc sản Nam bộ, Bạc Liêu sẽ mang một số đặc sản tiêu biểu của tỉnh như: bánh gừng, bánh ớt của đồng bào Khmer Bạc Liêu, các loại bánh ngọt  thương  hiệu  Huỳnh  Minh Thành, một số đặc sản khô, các loại rượu của Bạc Liêu sản xuất…

Ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu cho biết, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Festival sẽ chính thức diễn ra, Bạc Liêu sẽ “cháy” hết mình trong từng phần việc, nội dung tham gia. Bạc Liêu, đơn vị vinh dự được đăng cai tổ chức Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I luôn thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm cùng với đơn vị đăng cai và các tỉnh, thành phố, xuất phát từ mục đích lớn nhất mà chủ đề Festival sắp tới đề ra: Bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam bộ của Việt Nam.

Minh Hiếu

Nguồn: Báo Bình Dương
Bạn đang đọc bài viết "Bạc Liêu “Giữ mãi hồn quê”" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.