Bắc Giang: Hoạt động "kết chạ" hai làng Hà Hạ và Xuân Lạn - Nét đẹp văn hóa đầu Xuân

06/02/2023 16:44

Theo dõi trên

Đầu xuân Quý Mão (2023), xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, Bắc Giang đã tổ chức khánh thành Đình làng trong không khí mùa Xuân chung niềm vui mới của nhân dân 2 làng kết chạ (trong tiếng Việt cổ, “chạ” nghĩa là làng) Hà Hạ (xã Việt Tiến) và Xuân Lạn (xã Hương Mai).

7-dsc-2012-min-1675653191-1675676388.jpg
Lễ rước Thành Hoàng Làng

Hai làng mở hội tổ chức rước Thành Hoàng làng vào ngày lệ làng mồng 7 tháng giêng. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống của hai làng kết chạ Hà Hạ và Xuân Lạn từ xa xưa để lại.

Đình làng Hà Hạ đã được UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1987 ngày 12/12/2014. Sau nhiều lần nâng cấp, đến nay Đình làng đã hoàn thiện và được Nhân Dân tổ chức khánh thành.

Trước thềm xuân mới Quý Mão 2023, Làng Hà Hạ tổ chức khánh thành Đình làng. Nhân dịp này, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương đã gửi tới các vị đại biểu khách quý và toàn thể nhân dân hai Chạ, năm mới lời chúc sức khỏe, an khang thịnh vượng, hạnh phúc và trường tồn cùng dân tộc.

11-dsc-2421-min-1675653328-1675676449.jpg
Lãnh đạo thay mặt cho Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương dự và phát biểu tại buổi lễ

Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang hiện nay có 143 làng (thôn, tổ dân phố), có một số làng kết chạ từ lâu, trong đó có làng Hà Hạ (xã Việt Tiến) và làng Xuân Lạn (xã Hương Mai). Đây là những làng cổ từ xưa, không biết từ bao giờ, hai làng đã kết chạ làm anh em với nhau. Nhân dân 2 làng đã giúp nhau xây dựng cuộc sống mới, vượt mọi khó khăn chống lại thiên tai, địch hoạ, cướp bóc, thú giữ... 

Và cũng từ đó đã có những quy ước, mà ngày nay vẫn còn lưu giữ và thực hiện. Các nội dung quy ước như: trai gái hai làng không kết hôn với nhau, đây là lời nguyền muôn thủa của hai bên từ đời này qua đời khác. Dân hai làng tôn trọng lẫn nhau và tự xưng mình là anh em. Mọi người gọi nhau là anh, là chị. Làng này tôn làng kia với tấm lòng tôn trọng và cởi mở. Khi gặp nhau đều chắp tay thưa gửi thể hiện như anh em một nhà. Nhân Dân hai làng đã giữ gìn nếp sống văn hóa, thuần phong mỹ tục và cùng nhau chia sẻ lúc vui buồn, hoạn nạn, khó khăn. Khi có va chạm gì về sản xuất và đời sống, an ninh, trật tự ... đều cùng nhau bàn bạc giải quyết với phương châm tình cảm của hai chạ - bằng nghĩa và bằng tình.

Hà Hạ Việt Tiến và Xuân Lạn Hương Mai đã có quy ước và thành thông lệ tổ chức rước Thành Hoàng Làng cứ 5 năm một lần. Chạ anh năm chẵn, Chạ em năm lẻ. Lệ làng chạ em vào mồng 7 tháng giêng và chạ anh vào ngày 12 tháng giêng.

Đình chạ anh Xuân Lạn thờ Đức Thánh Tam Giang, Đình chạ em làng Hà Hạ thờ Cao Sơn Quý Minh Đại Vương và Đương Giang Đô Thống, Tả Thị Minh Thiên - là những vị thần tên Hiệu Tự thứ 6 – 1846, Duy Tân thứ 3 - 909, Khải Định thứ 9 - 1924.

Theo Thần Tích- Sắc hiện đang bảo lưu tại Đình làng: Cao Sơn Quý Minh Đại Vương có tên húy là Tự Minh, họ của ngài là Dương. Ngày còn bé, hàn vi câu cá nuôi mẹ ở cầu Bến ôn Tân. Một hôm, đêm nằm nghỉ trên cầu, có một người tiên cho một cái áo, (cái áo mặc vào thì ẩn  thân được). Đời Vua Lý Anh Tông, nhà có giặc Tống là Đàm Hữu Lượng vào cướp trấn Thái Nguyên, Bạch Thông Tuyên Quang .…

6-dsc-2328-min-1675653294-1675676494.jpg
Lễ hội thu hút đông đảo người dân 2 làng và du khách tham dự

Vua dẹp không yên, nhà Lý đã phát lệnh ai dẹp được giặc, Vua chi cho một nửa thiên hạ và phong cho làm Quan nhất phẩm triều đình. Nhận lệnh nhà Vua, đánh thắng và bắt được tướng giặc Đàm Vĩnh Lượng. Vua đã gả con gái cho là Thiều Dung công chúa, phong cho làm Quan thủ lĩnh Mã Lang ở huyện Phú lương. Thời gian sau lại có giặc nổi lên làm loạn ở xứ Biên Hòa và Thủy Hỏa Xá, Vua Anh Tôn lại phái Ngài đi dẹp giặc. Sau khi đánh thắng, Vua lại gả cho Ngài công chúa nữa là Diệu Bình Công Chúa. Ngài đã quản trị được 20 năm thì hóa. Vua Lý Anh Tông phong cho Ngài là Quý Minh Đại Vương. Cả một vùng từ cao Bằng Đến Lục Đầu Giang nhân dân đều thờ tự Ngài.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của  thời gian lịch sử. Đình làng Hà Hạ còn lưu giữ và bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật quý giá như 3 bài vị (thời Lê, Nguyễn), 3 sắc phong thời Nguyễn niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924) và hòm sắc, chấp kích, bát biểu, kiệu thờ…Hàng năm khi Xuân Thu Nhị Kỳ, dân làng lại mở cửa đình, cửa chùa và định kỳ cứ 5 năm 1 lần, dân làng mở Hội rước Thành Hoàng Làng, tại khu di tích Đình làng.

0af93397a1dd488311cc-1675676572.jpg

Trải qua bao đời nay, làng Hà Hạ và làng Xuân Lạn đã giữ được nghĩa tình kết chạ, cùng nhau xây dựng hương ước chung để thực hiện và truyền lại cho thế hệ sau. Hàng năm, 2 làng có cuộc hội kiến hai dân vào ngày lệ làng nhân dịp đầu xuân. Khi có tin vui hoặc buồn, 2 làng cùng nhau chúc mừng chung vui hoặc chia sẻ thăm hỏi thắp hương lúc chia buồn.

Mỗi khi hội làng, lễ tết hay những ngày lễ trọng đại của đất nước... Các câu lạc bộ văn hóa thể thao thường gặp gỡ và giao lưu với nhau với khí thế đoàn kết, vui vẻ, thân mật giúp nhau cùng tiến bộ và phát triển.

Mối tình kết chạ giữa hai làng, ngày nay càng gắn kết keo sơn; các đám hiếu, hoạt động của các câu lạc bộ, đội hình lễ rước... Theo phong tục và quy ước đã xây dựng, hai làng thống nhất cùng nhau tổ chức. Việc làm đó đã phát huy truyền thống văn hóa, quảng bá được hình ảnh của hai làng chạ trong công cuộc đổi mới, xây dựng nông thôn mới ngày càng giầu đẹp và văn minh ... Sức xuân mới ở hai làng kết chạ Hà Hạ Việt Tiến và Xuân Lạn Hương Mai mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững.

Hoàng Thương
Bạn đang đọc bài viết "Bắc Giang: Hoạt động "kết chạ" hai làng Hà Hạ và Xuân Lạn - Nét đẹp văn hóa đầu Xuân" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.