
Ảnh minh họa (nguồn: Báo Cần Thơ)
Vì sao gọi là “Ba Thắc Cổ Miếu”?
Trải qua thời gian khá dài, Ba Thắc Cổ Miếu bị hư hao do bom đạn chiến tranh nên được trùng tu lần cuối vào năm 1995, như hiện nay, vẫn giữ hàng chữ “Pagode de Basac” trên tấm bảng xi măng trước cửa chánh điện.
Nhìn tổng thể, Ba Thắc Cổ Miếu được xây dựng theo lối kiến trúc của người Triều Châu (Tiều), với bề ngang chừng 12m, sâu khoảng 13m, với một chánh điện cùng hai tai (nhà khách hai bên), trên diện tích 5.000m2.
Về nhân vật thờ trong miếu, Tạp chí Xưa Và Nay số 363 tháng 9-2010 (Xưa & Nay) cho biết: “Ở Bãi Xàu (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) trên đường đến chùa Tắc Giồng (Tham Đôn, Mỹ Xuyên) có ngôi miếu cổ thờ thần Ba Thắc (neak Tà Bàsàk). Tương truyền có một hoàng tử người Lào, không biết vì lý do gì ông đến ngụ và mất nơi đây.
Được dân làng dựng miếu thờ, đến nay vẫn còn, người Việt gọi là “Ba Thắc Cổ Miếu”, tiếng Khmer gọi là “Vat Luong Bàsàk”. Ông Ba Minh cũng cho biết gần giống như vậy: chánh điện Ba Thắc Cổ Miếu thờ ông Bassac – Hoàng tử Lào.
Có người địa phương kể khác: Vào thế kỷ 18, ông Bassac cùng vợ là Công chúa nước Lèo (Lào) vì phạm tội với triều đình bên đó nên lên thuyền trốn đi. Tới cửa Vàm Tấn, thuyền bị sóng bão đánh dạt vào cửa biển Trấn Di (nay là Trần Đề), cả đoàn lên bờ tạm trú. Từ đó, mảnh đất này có tên Sóc Lèo (nay là xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) trên văn bản hành chánh bấy giờ. Vợ chồng ông lạc tới Bãi Xàu (Srock Bai Chau) định cư. Với tài lực, vợ chồng ông biến mảnh đất này thành nơi trù phú. Khi ông qua đời, để tưởng nhớ công ơn, người ta xây chùa thờ ông. Đó là chùa Bốn Mặt, được gọi là Ba Thắc Cổ Miếu.
Bí ẩn xương người lộ thiên
Theo Báo Thanh Niên, trong khuôn viên Ba Thắc cổ miếu, mấy năm gần đây, cứ sau một trận mưa lớn thì lộ lên xương, cốt của người xưa, đa phần là xương ống chân, tay. Năm 2008, số xương cốt được Ban quản lý cổ miếu gom lại vào 2 cái quách rồi xây một ngôi mộ để nhang khói. Hiện nay sân miếu đã được lót xi măng nên việc phát hiện hài cốt không còn nữa. Nhưng trong khu vực này thỉnh thoảng vẫn còn, chỗ khu vườn miếu Bà Thượng động cũng có.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, tiến sĩ Trịnh Công Lý, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư du lịch TP.Sóc Trăng, cho biết một số nghiên cứu về vùng đất Ba Thắc cho thấy khu vực chung quanh miếu Ba Thắc là nơi từng xảy ra chiến trận. Ông Lý đề nghị các nhà khảo cổ học nên vào cuộc tiến hành khai quật, xác định niên đại cũng như về nhân chủng học của những bộ xương để có kết luận chính xác.