Bà Rịa - Vũng Tàu: Quan tâm, đầu tư công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh

30/12/2022 13:44

Theo dõi trên

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.

images1767734-ng-i-d-n-v-du-kh-ch-tham-quan-di-t-ch-l-ch-s-qu-c-gia-c-bi-t-vi-t-nam-nh-t-c-n-o-1672382641.jpg

Sau 01 năm thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hiện nay, toàn tỉnh có 48 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh (trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt - Nhà tù Côn Đảo và 19 di tích cấp tỉnh) trên tổng số 304 di tích đã được kiểm kê bước đầu, đã trình UBND tỉnh phê duyệt đưa vào danh mục 219 di tích cần được bảo vệ, lập hồ sơ công nhận và phát huy giá trị di tích.

Có thể nói hệ thống di tích Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ khá đầy đủ về lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo lễ hội, thắng cảnh và truyền thống đấu tranh cách mạng chống ngoại xâm…phân bố tương đối đồng đều theo từng vùng lãnh thổ của tỉnh.

Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, từ đó kịp thời phát hiện những di tích bị xuống cấp, đề ra các giải pháp khả thi nhằm ngăn chặn tình trạng xuống cấp và đảm bảo tính bền vững của hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; xây dựng chương trình kế hoạch đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh; xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị của di tích và đề ra các biện pháp quản lý, sử dụng và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nâng cao ý thức của các tổ chức và nhân dân hiểu và tham gia cùng với nhà nước vào công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả. Một số di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị về lịch sử-văn hóa và danh thắng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến với du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo; di tích lịch sử Nhà Lưu Niệm Võ Thị Sáu, di tích lịch sử cách mạng khu căn cứ Minh Đạm, Di tích lịch sử Địa đạo Long Phước; di tích lịch sử văn hóa Bạch Dinh, di tích lịch sử văn hóa Nhà Lớn - Long Sơn, di tích lịch sử - văn hóa thắng cảnh Dinh Cô...

Công tác đo đạc, vẽ bản đồ địa chính, trích đo địa chính, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ; cắm mốc xác định ranh giới di tích trên địa bàn tỉnh đang được Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai, từ đó góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả cũng như ngăn chặn việc xâm hại đất đai di tích.

Công tác sưu tầm, nghiên cứu và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc ít người nhất là dân tộc Châu Ro tiếp tục được thực hiện. Các lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số được tổ chức trang nghiêm hàng năm không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào mà còn tạo ra môi trường lý tưởng để các dân tộc anh em trên địa bàn hào hứng tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đề ra các giải pháp duy trì các giá trị nghệ thuật truyền thống; tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân được tham gia tích cực, có hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Hiện nay, tỉnh có 25 câu lạc bộ đờn ca tài tử sinh hoạt thường xuyên rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” công tác bảo tồn và phát huy được thực hiện có bài bản và hiệu quả hơn, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong các nghệ nhân tài tử và những người yêu mến loại hình nghệ thuật độc đáo, mang đậm phong cách của người dân Nam Bộ...

Phát huy các kết quả đã đạt được, thời gian tới, trong lĩnh vực di sản, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tập trung bồi dưỡng, giáo dục về giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống địa phương, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; nâng cao trình độ dân trí, năng lực, đáp ứng đòi hỏi thời kỳ phát triển mới của đất nước, địa phương trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế./.

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bà Rịa - Vũng Tàu: Quan tâm, đầu tư công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.