"Áo mới" Cần Thơ...

23/02/2016 17:07

Theo dõi trên

Không phải ngẫu nhiên mà Cần Thơ thường được các tao nhân mặc khách ưu ái gọi bằng cái tên "Cầm Thi Giang"- vùng đất của thơ ca, sông nước hữu tình. Nét đẹp mộc mạc của cảnh sắc miền sông nước cùng nếp sống phóng khoáng, chân chất của người dân địa phương là "vỉa quặng vàng" đa tầng để ngành công nghiệp không khói khai thác, tạo nên sản phẩm đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Và không chỉ dừng lại ở tiềm năng sẵn có, du lịch Cần Thơ đang nỗ lực định vị bằng những công trình qui mô, hiện đại.

Thân thiện, thú vị du lịch cộng đồng

Vừa tất bật chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch cuối năm, chị Quang Mỹ Nhiên- hướng dẫn viên của Cantho Tourist, vừa chia sẻ: "Gắn bó với công việc này hơn 10 năm, từng đi dọc các tuyến sông, con đường, khám phá những nét đẹp của Tây Đô để giới thiệu đến du khách, tôi đã không ít lần trăn trở bởi Cần Thơ ít điểm đến mới và thiếu những trải nghiệm thú vị. Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước. Giờ thì đã khác. Loại hình du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh, du lịch Cần Thơ có thêm nhiều sản phẩm thu hút được sự quan tâm của du khách".

Chúng tôi lên đường cùng đoàn khách có cả Tây lẫn ta. Từ Bến Ninh Kiều, mất chừng hơn 20 phút, đò đưa cả đoàn đến cồn Sơn. Sớm mai, mặt trời vừa ló dạng, ánh nắng lấp lánh trên sông Cần Thơ tuyệt đẹp. Nhìn từ xa, cồn Sơn xanh mướt một màu xanh của những rặng bần, lục bình, cây trái bốn mặt sông nước mênh mông. Nằm ở tả ngạn sông Cần Thơ, rộng trên 67ha, được ví như viên ngọc ngậm trong miệng rồng của làng cổ Long Tuyền, cồn Sơn yên tĩnh đến kỳ lạ, tựa như một không gian tách hẳn với đô thị náo nhiệt phía bên kia sông. Anh Nguyễn Thành Tâm, chủ vườn Thành Tâm, ra tận bến đò đầu cồn đón khách bằng chiếc tắc ráng và đưa khách men theo con rạch nhỏ, xẻ sâu vào thân cồn. Không gian tĩnh lặng đến nỗi chỉ nghe tiếng đập nước của chân vịt. Anh Tâm giải thích: "Ở cồn, chỉ có chú trưởng khu vực đi xe máy cho tiện công việc, còn lại, mọi người đều đi bộ, ghe hoặc xe đạp". Chưa bước lên bờ mà cồn Sơn đã hấp dẫn bởi những chuyện lạ như thế!

Vườn nhà anh Tâm dần hiện ra trước mắt. Những hàng bưởi thẳng tắp, trĩu quả, mọng nước và ngọt lành đầy mời gọi. Giữa những liếp vườn, cá cứ sủi tăm trên mặt ao mương như thách thức. Cô hướng dẫn viên áo bà ba, nón lá, duyên dáng chia sẻ sự háo hức của khách: "Ở cồn Sơn mình, chỉ có vài chục hộ dân sinh sống, gần như nhà nào cũng được bao phủ bởi một màu xanh ngát của cây trái, vườn tược, từ ngõ tới tận sau nhà". Thật vậy, đi dọc cồn Sơn, những con đường nhỏ rợp bóng cau, dừa, những chùm xoài, bưởi oằn trĩu, chỉ cần một tầm tay với là du khách đã có thể thưởng thức trái cây miệt vườn tại chỗ.

Một ngày của du khách ở cồn Sơn bắt đầu với việc chia nhóm câu cá, bắt ốc, tát mương… Thi thoảng, nhóm này khiến nhóm kia phải sốt ruột bởi những tiếng reo: "Bắt được rồi, bắt được rồi" cùng nụ cười tươi rói với con cá còn giãy trên tay. Sau nhiều giờ mò bắt cá lấm lem bùn đất, thành quả thu được đủ để có bữa cơm tươm tất: cá kho, canh chua, cá chiên giằm nước mắm tỏi ớt. Khách buột miệng: "Bữa cơm thuần Việt, thiệt là đã!".

Cơm nước xong xuôi thì đến tiết mục làm bánh. Căn nhà nhỏ của chị Phan Kim Ngân, mà mọi người thường gọi chị Bảy, nép mình bên hàng râm bụt. Trong không khí chớm lạnh của những ngày giáp tết, chị Bảy đã bày sẵn các loại bột làm bánh, từ bánh in, bánh kẹp đến bánh tráng, bánh ướt, bánh lọt… và đón khách bằng nụ cười niềm nở như đã thân quen từ lâu. Theo sự chỉ dẫn của chị Bảy, từng nhóm khách háo hức tranh nhau chà bánh lọt, cuốn bánh kẹp,... Tiếng cười đùa rộn rã. Chị Bảy vừa làm vừa rủ rỉ: "Làm bánh có nhiều cái vui lắm. Bà con lối xóm có dịp tề tựu, trò chuyện với nhau, thêm tình, thêm nghĩa. Nếm thử cái bánh do chính tay mình làm ra cũng rất thú vị".




 Cồn Sơn đón chào du khách bằng vẻ đẹp hữu tình, yên bình của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Ảnh: KIỀU MAI



 Du khách quốc tế tham quan Nhà cổ họ Dương - Điểm du lịch tiêu biểu TP Cần Thơ năm 2015. Ảnh: KIỀU MAI

Những sản phẩm do chính tay mình làm đều tạo nên xúc cảm đặc biệt. Tôi càng hiểu rõ hơn điều này khi chứng kiến cảnh du khách chăm chút vẽ, cắt, sơn phết màu… tạo nên những con vật: rùa, gà, heo, cá sấu, trâu, chuột, cua... từ mút xốp với sự chỉ dẫn của những người thợ lành nghề ở làng nghề đồ chơi dân gian, khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền. Làng nghề đã tồn tại hơn 20 năm qua, và mới khởi sắc khi đi vào phục vụ du lịch hơn 4 tháng nay. Anh Nguyễn Văn Truyền, một trong 10 hộ dân làm đồ chơi dân gian ở đây, hào hứng: "Chỉ mất chừng 5- 7 phút là du khách đã có một món quà thú vị, ý nghĩa mang về cho con, cháu của mình". Không chỉ tự tay làm đồ chơi thủ công, Long Tuyền còn mang đến cho du khách những trải nghiệm hết sức mới mẻ: tham gia trồng hoa tại vườn hoa của ông Thanh Cần, Út Bằng; trồng rau tại Hợp tác xã rau an toàn phường Long Tuyền…

Sự gắn kết của các hộ gia đình trong một không gian với tên gọi "Làng du lịch cộng đồng Long Tuyền" đang góp phần làm phong phú thêm "thực đơn" trên bàn tiệc của du lịch Cần Thơ. Bà Ngô Đoàn Đoan Trinh, phụ trách mảng Inbound (khách quốc tế vào Việt Nam du lịch) của Benthanh Tourist Cần Thơ, nhìn nhận: "Từ loại hình du lịch cộng đồng, chúng tôi có thêm nhiều tour, tuyến mới. Sản phẩm phong phú, trải nghiệm đa dạng nên các đơn vị lữ hành có thể chủ động xây dựng nhiều đường tour phù hợp, hấp dẫn nhiều đối tượng du khách". Theo bà Đoan Trinh, cái hay là gần đây, Cần Thơ đã xây dựng được những ngày hội đậm nét cộng đồng, tạo điểm nhấn thu hút du khách, như: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Lễ hội Trái cây Tân Lộc, Ngày hội Du lịch sông nước miệt vườn Phong Điền,… Là người tâm huyết, gắn bó, nghiên cứu về du lịch Cần Thơ hơn 30 năm, ông Lâm Văn Sơn- nguyên Giám đốc Trung tâm điều hành du lịch Cần Thơ, nhìn nhận sự khởi sắc của du lịch cộng đồng ở Cần Thơ với một góc nhìn khác: "Sản phẩm du lịch đang được thành phố chăm chút ngày càng phong phú, chất lượng hơn. Điều đáng mừng là trong tiến trình đó, có sự gắn kết hơn giữa chính quyền, ngành du lịch và người dân trong xây dựng các sản phẩm. Cái hay là tính cộng đồng sẽ tạo nên chuỗi sản phẩm phong phú để du khách có cơ hội hiểu thêm về nét văn hóa độc đáo cũng như đời sống của người bản địa. Theo xu hướng này, du lịch sẽ phát triển bền vững, người dân được hưởng lợi, môi trường được bảo vệ, bản sắc được giữ gìn".

Sức hút của đô thị sông nước hiện đại

Chiều cuối năm, đứng trên Bến Ninh Kiều lộng gió, hướng ánh nhìn về phía cầu đi bộ bắc qua cồn Cái Khế, nhiều du khách không khỏi thốt lên: "Sông nước Cần Thơ sao mà hữu tình, sao mà đẹp thế!". Và chắc chắn bước chân của du khách không thể không làm một vòng từ Bến Ninh Kiều qua cồn Cái Khế rồi trở về và trong hành trình đó, sẽ dừng thật lâu giữa cầu để đón những làn gió mát rượi từ sông Hậu mênh mang, để có những tấm ảnh tuyệt đẹp. Cầu đi bộ với kinh phí đầu tư gần 50 tỉ đồng, vừa được khánh thành vào những ngày cuối năm 2015, trở thành điểm nhấn và biểu tượng của Cần Thơ. Với chiều rộng 7,2m, cây cầu dài khoảng 200m vắt ngang rạch Cái Khế, được trang trí ấn tượng với mái che hình hoa sen, hệ thống cây xanh, hệ thống chiếu sáng là đèn led màu tạo nên những bức tranh màu sắc theo chủ đề. Từ cầu nhìn về bờ phía Bến Ninh Kiều, khách sạn Ninh Kiều 4 với kiến trúc hình con thuyền đang dần hình thành. Với phối cảnh thiên nhiên sẵn có cộng thêm những công trình được đầu tư một cách hài hòa, Bến Ninh Kiều vừa mang nét thơ mộng vừa toát lên vẻ hiện đại, xứng đáng với danh hiệu vừa được bình chọn- điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.

Tập trung đầu tư phát triển du lịch trở thành trọng điểm của vùng ĐBSCL và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Trong đó, chú trọng mở rộng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch như: du lịch di tích lịch sử- văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm; du lịch chữa bệnh; du lịch miệt vườn; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi, giải trí; du lịch hội nghị, hội thảo. Đồng thời, xây dựng các làng nghề truyền thống tạo nhiều điểm tham quan, mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng ĐBSCL. Tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: trung tâm hội nghị, nhà hàng, khách sạn, resort, sân golf và các dịch vụ khác đạt tiêu chuẩn cao cấp để đáp ứng yêu cầu khách du lịch trong và ngoài nước. Coi trọng việc xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại; tạo dựng môi trường văn hóa, an toàn, lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự trong tổ chức các hoạt động lễ hội, du lịch để thu hút và giữ chân du khách lưu trú.

Đề án điều chỉnh "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" đã xác định thế mạnh của du lịch Cần Thơ là du lịch sông nước đô thị với điểm nhấn chợ nổi Cái Răng và du lịch MICE- du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo. Cần Thơ thu hút du khách bằng vẻ đẹp sông nước miệt vườn cùng với những tiện nghi, dịch vụ chất lượng cao của một đô thị hiện đại. Với định hướng này, việc đầu tư hạ tầng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của du lịch thành phố.

Bên cạnh sự đầu tư làm phong phú hơn các tour, tuyến, hệ thống lưu trú, dịch vụ trên địa bàn thành phố cũng đã được nâng cấp với hàng loạt trung tâm thương mại lớn, khách sạn cao cấp. Đặc biệt, đường đến Cần Thơ không còn quá xa xôi đối với du khách các vùng, miền khi hàng loạt đường bay mới được mở ra. Trước đây, Cần Thơ chỉ có 2- 3 đường bay, khách thưa thớt; nay, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đang khai thác 6 tuyến bay nội địa: Cần Thơ- Hà Nội, Cần Thơ- Phú Quốc, Cần Thơ- Côn Đảo, Cần Thơ- Đà Nẵng, Cần Thơ- Đà Lạt, Cần Thơ- Nha Trang, và 2 tuyến quốc tế: Cần Thơ- Đài Loan, Cần Thơ- Bangkok. Với vị thế trung tâm ĐBSCL, đường bay từ Cần Thơ đã kết nối trực tiếp với các tỉnh, thành phố du lịch trọng điểm của khu vực: phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ, nhận định: "Việc mở các đường bay mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế trên nhiều mặt. Thành phố luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các đường bay được duy trì, khai thác hiệu quả". Ngoài ra, để phát huy lợi thế du lịch đường sông, năm 2015, thành phố đã đầu tư 8,4 tỉ đồng nạo vét đoạn kênh Lồng Ống, tạo liên tuyến Ninh Kiều- Cái Răng- Bình Thủy, hình thành nên nhiều tour du lịch sông nước gắn với tìm hiểu các di tích văn hóa, lịch sử.

Hàng loạt dự án phục vụ du lịch đang được triển khai. Khu nghỉ dưỡng và giải trí tại cồn Cái Khế do Công ty Cổ phần du lịch Sông Hậu đầu tư, có diện tích 9,4 ha. Khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi thủy sản ở cồn Ấu do Công ty TNHH Thương mại thủy sản Mekong Việt đầu tư, với diện tích gần 39 ha. Khu đô thị du lịch sinh thái cồn Ấu do Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova đầu tư với diện tích trên 19 ha. Sân golf cồn Ấu do Công ty Cổ phần Vinpearl đầu tư với quy mô khoảng 80 ha. Dự án mở rộng Làng du lịch Mỹ Khánh của Công ty TNHH Du lịch Mỹ Khánh, diện tích 20 ha… Thành phố kêu gọi 8 dự án đầu tư về du lịch: Khu du lịch sinh thái Phong Điền (huyện Phong Điền); Khu du lịch cồn Sơn (quận Bình Thủy); Khu du lịch sinh thái cồn Khương, Khách sạn- Trung tâm hội nghị Cần Thơ tiêu chuẩn 5 sao, Khu resort và khách sạn 5 sao tại cồn Cái Khế, Khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 5 sao (quận Ninh Kiều); Khu du lịch sinh thái cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt); Trung tâm văn hóa Tây Đô (quận Cái Răng). Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch thành phố cũng đang tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành nghị quyết chuyên đề về du lịch, các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển du lịch thành phố.

***

Chiều dần buông, dòng khách xuôi về Bến Ninh Kiều càng lúc càng đông. Từ du thuyền neo ở bến sông đợi khách, văng vẳng vọng lên câu hát khiến lòng người càng thêm xao xuyến:

"…Cần Thơ mưa xanh, Cần Thơ nắng đỏ
Ôi xôn xao thành phố đồng bằng…

(…) Cần Thơ, Cần Thơ

Mềm như trái tim em, đẹp như khúc dân ca ngọt ngào"(*)

Vùng "gạo trắng nước trong" đang thôi thúc những bước chân khám phá. Kết thúc năm Ất Mùi mỹ mãn bằng những con số đầy ấn tượng: phục vụ trên 1,6 triệu lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 118% kế hoạch; doanh thu đạt 1.747 tỉ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 140% kế hoạch, du lịch Cần Thơ chào đón năm Bính Thân với nhiều kỳ vọng mới về sự phát triển nhanh, bền vững…

-----------------------

(*) Lời bài hát "Lãng mạn tháng Tư", sáng tác: Khánh Vinh, lời: Nguyễn Đình Bổn

Theo Ái Lam (Báo Cần Thơ)

Bạn đang đọc bài viết ""Áo mới" Cần Thơ..." tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.