Một buổi sinh hoạt vui tươi, ấm áp của CLB đờn ca tài tử xã Vĩnh Trạch
Trưa chủ nhật hàng tuần, xóm nhỏ của ấp Trung Bình Tiến (xã Vĩnh Trạch) lại vang tiếng đờn ca, hát hò rộn ràng. Đó là thời gian sinh hoạt định kỳ của CLB đờn ca tài tử xã Vĩnh Trạch. Là “món ăn tinh thần” không thể thiếu, các thành viên tham gia không ai bảo ai, đến rất đúng giờ để góp vui bằng chất giọng mượt mà, độc lạ của mình. Ông Võ Văn Tranh (sinh năm 1956, Phó Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử xã Vĩnh Trạch) tâm sự: “Thành lập từ năm 2010, số lượng thành viên khá ít. Địa điểm sinh hoạt tạm bợ với căn “chòi” tre lá đơn sơ. Dù nắng hay mưa, cứ đến ngày là mọi người quay quần cùng nhau vừa ca hát, vừa trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất giọng. Từ đó đến nay, các thành viên chưa bao giờ câu nệ chuyện sinh hoạt sơ sài. Thật ra, mọi người cũng hiểu để CLB duy trì đến hôm nay là cả quá trình cố gắng, nỗ lực của tất cả thành viên. Bởi, làm gì cũng vậy, kinh phí duy trì hoạt động là nỗi băn khoăn lớn nhất. mọi người ai có gì thì góp nấy trong mỗi lần sinh hoạt; người góp bánh, người góp nước, người dư dả hơn thì mời dùng cơm, có lúc cả CLB chỉ uống trà đá, vậy mà vẫn vui. Chỉ có thể gọi đó là tinh thần đoàn kết và sự đam mê cháy bỏng với bộ môn nghệ thuật đơn ca tài tử”.
Tất nhiên, để CLB “sống” được, cần sự hội tụ rất nhiều yếu tố. Nào là duy trì sinh hoạt đều đặn, giao lưu học tập trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị khác. Đặc biệt nhất là sự quan tâm của chính quyền địa phương. “Có một thời gian, CLB của chúng tôi tưởng chừng như không thể hoạt động tiếp. Nhưng vì niềm đam mê và sự chia sẻ của lãnh đạo địa phương, chúng tôi có thêm động lực để duy trì hoạt động đến hôm nay” - ông Tranh bày tỏ.
Hôm chúng tôi đến là buổi sinh hoạt thường niên của CLB. Với những giai điệu sâu lắng, ngọt ngào ca ngợi quê hương đất nước, về Bác Hồ, Bác Tôn, mọi người hát cho nhau nghe thành quả xây dựng nông thôn mới quê mình, về những người nông dân cần cù, đam mê làm từ thiện… Điểm độc đáo nhất của CLB đờn ca tài tử xã Vĩnh Trạch là các thành viên thường xuyên đưa những bài hát tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản; phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Nhờ có thầy đờn tài ba cũng là nghệ nhân ưu tú Tư Lem, nên CLB dễ dàng phát huy thế mạnh của mình. Thông qua các sáng tác mới của nghệ nhân Tư Lem, mọi người càng thêm yêu cuộc sống, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước trong công cuộc hội nhập, đổi mới, phát triển đất nước.
“Em có biết không, Vĩnh Trạch quê ta ngày xưa nghèo khổ, đường quanh co, cầu khỉ gập ghềnh. Mùa lũ nước lên sợ lúc đến trường… sợ khi trượt giò không có đồ thay. Anh ơi quê mình giờ láng bê-tông, cầu đúc vững êm, xe ôtô thông suốt…” (trích bài vọng cổ “Cây cầu đôi lứa” của nghệ nhân ưu tú Tư Lem) - ngân nga giữa trưa hè vùng quê làm nhiều người thích thú. Bởi, qua lời ca ngọt ngào, mọi người thấy được quê hương đang đổi thay từng ngày, hình ảnh thuở bé của chính mình. Từ việc nghe và cảm nhận hết ca từ của bài hát sẽ là động lực để mọi người cùng nhau chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Gần đây, niềm vui của mọi người được nhân lên gấp bội vì điểm sinh hoạt được sửa chữa chắc chắn, khang trang. Đó là sự đóng góp của tất cả các thành viên trong CLB, nhà hảo tâm, đặc biệt là của chính quyền địa phương. Với kinh phí xây dựng 24 triệu đồng, điểm sinh hoạt mới càng thôi thúc niềm đam mê đờn ca nơi các thành viên. Đến ngày sinh hoạt định kỳ, các thành viên CLB sắp xếp công việc gia đình và tranh thủ đến dự, vừa được thỏa mãn niềm đam mê ca hát, vừa khơi dậy phong trào văn hóa - văn nghệ ở địa phương. “Tham gia CLB từ những ngày đầu thành lập, tôi học được bài học quý báu về tình làng nghĩa xóm, về xây dựng nông thôn mới. Khả năng “cảm” nhạc và hát hò của tôi được nâng lên rất nhiều vì được anh em hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm” - chú Trần Văn Chanh (sinh năm 1964, thành viên CLB đờn ca tài tử xã Vĩnh Trạch) bày tỏ.
Với những thành viên dày dặn kinh nghiệm của CLB, việc làm thế nào để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ là băn khoăn nhất hiện nay. Bởi, đa phần các thành viên tham gia CLB đều có độ tuổi trung niên trở lên. Để môn nghệ thuật đờn ca tài tử không bị mai một, CLB đang nỗ lực vun bồi tình yêu với các bạn trẻ. “Em mới theo thầy Tư Lem học đờn gần tháng nay. Lúc đầu, em không mê đờn ca tài tử, chỉ nghĩ là học để cho biết. Nhưng từ ngày theo các cô chú sinh hoạt, em thấy rất vui và ý nghĩa” - em Trần Tuấn Vũ (ngụ xã Vĩnh Thành, Châu Thành) chia sẻ.
Phương Lan
Theo An Giang