An Giang: Phát triển du lịch miệt vườn, sông nước cù lao

20/07/2015 14:00

Theo dõi trên

Chợ Mới có hơn 100 cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng là điều kiện thuận lợi phát triển mô hình du lịch (DL) tâm linh. Riêng 3 xã cù lao Giêng có 24 cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng cùng tiềm năng về phong cảnh và lễ hội truyền thống. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái liên hoàn, san sát sẽ là nơi lý tưởng cho du khách thư giãn, thưởng thức “cây nhà lá vườn”, phát triển DL sông nước, khám phá tập quán sinh hoạt trên sông của người dân bản địa.

 
Khách du lịch “tự sướng” với thú vui bắt cá

Tấn Mỹ có nhiều tiềm năng để phát triển DL, như: Các di tích lịch sử cách mạng, nhiều hầm bí mật, cơ sở tôn giáo được xây dựng trên 200 năm, có kiến trúc nghệ thuật mang nét cổ kính; có lợi thế về phong cảnh thiên nhiên hữu tình vùng sông nước, có nhiều cây trái xum xuê, đồng ruộng, khí hậu mát mẽ. Đây là những yếu tố rất thuận lợi để phát triển các loại hình du khảo về nguồn, DL tâm linh, dã ngoại kết hợp DL sinh thái, sông nước. Cầu Tấn Mỹ-Mỹ Luông đưa vào sử dụng đã nối đất liền và cù lao, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan. Đây cũng là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, bởi vùng đất Tấn Mỹ còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ Huỳnh Cẩm Giang cho biết: “Toàn xã có hơn 300 héc-ta chuyển sang trồng vườn cây ăn trái, hơn 20 hộ dân cùng tham gia làm DL, xây dựng mô hình vườn sinh thái. Đặc biệt, 6 ngôi nhà cổ niên đại trăm năm được tu bổ và đầu tư vườn cây ăn trái, vệ sinh cảnh quan để tiếp khách DL”.

Đứng trước ngôi nhà cổ kiến trúc Pháp xây dựng từ năm 1920, ông Đặng Văn Hậu (cháu đời thứ 3) cho biết: “Đến nay, căn nhà vẫn còn nguyên vẹn. Quanh nhà, tôi trồng cây ăn trái đủ loại, đã tiếp nhiều đoàn khách người Pháp ghé tham quan”. Chú Trần Kim Biên, gần đó sở hữu căn nhà gỗ Nam Bộ 3 gian, mái ngói, cất từ năm 1930, cộng với 10 công xoài rợp bóng là nơi ăn, ngủ, nghỉ lý tưởng cho khách DL.

Là một trong 3 xã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Bình Phước Xuân đáp ứng kịp thời chủ trương của tỉnh về quy hoạch phát triển DL miệt vườn sông nước. Hiện, 100% diện tích sản xuất, với 1.235 héc-ta được nông dân đã chuyển từ lúa sang trồng màu và làm vườn. Với 3 héc-ta xoài 3 màu, cam xoàn, bưởi da xanh, được đầu tư khá bài bản, lối đi bê tông sạch sẽ, vườn nhà anh Nguyễn Hoàng Liệt (ấp Bình Quới) từ lâu đã là trạm dừng chân, đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức đặc sản miệt vườn.

Tham quan vườn xoài rộng hơn 2 héc-ta, ông Thái Văn Nhẫn (ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân) hào hứng: “Đón đầu làm DL, trong vườn tôi trồng xen cóc thái, mận, vú sữa để đa dạng sản phẩm. Sắp tới, sẽ đầu tư các tum tre, lá dọc theo mương trong vườn, làm đường đi và cất nhà ăn, nhà nghỉ, thả cá… sẵn sàng phục vụ khách DL”.

 

 
Du khách thưởng thức đặc sản miệt vườn

Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhận thức của người dân về phát triển DL ở địa phương ngày càng nâng cao nên nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư vườn cây ăn trái, nghề thủ công truyền thống, các cơ sở ăn uống, lưu trú; chủ động thực hiện các mô hình DL sinh thái cộng đồng để phục vụ khách DL. UBND huyện Chợ Mới chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng DL, mở rộng đường khu DL xã Tấn Mỹ; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng DL cho các chủ nhà vườn, nông dân 3 xã để phục vụ công tác phát triển DL. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư, các công ty DL trong và ngoài tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, duy trì phong trào đờn ca tài tử gắn với mô hình DL sinh thái cộng đồng; phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng Đề án phát triển DL 3 xã cù lao Giêng.

Cù lao Giêng mang đặc thù của vùng đất Nam Bộ được bao quanh và bồi đắp bởi con sông Tiền trĩu hạt phù sa, cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt (khoảng 65 tuyến), tổng diện tích của vùng hơn 6.649 héc-ta. “Nơi đây còn có quần thể kiến trúc cổ rất thuận lợi và thích hợp để phát triển DL sinh thái-văn hóa, là điểm đến lý tưởng nếu được đầu tư và khai thác hợp lý. Bởi, dù được mệnh danh là đệ nhất cù lao, nhưng thời gian qua, cù lao Giêng chỉ được biết đến như một địa điểm DL giàu tiềm năng, chưa phát triển xứng tầm nên cần sự đầu tư đúng mức của các ngành, các cấp bằng chính sách cụ thể, cũng như kế hoạch quy hoạch xây dựng trọng điểm phát triển nơi đây thành khu DL thật sự”- Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ Huỳnh Cẩm Giang đề xuất.

Theo HẠNH CHÂU/Tin Tức Miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "An Giang: Phát triển du lịch miệt vườn, sông nước cù lao" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.