An Giang: Nghịch lý xứ núi

24/09/2015 08:52

Theo dõi trên

Liên tiếp những ngày qua, mưa trên diện rộng và kéo dài, khiến cư dân xứ núi không kịp trở tay và ứng phó tình huống thời tiết phức tạp. Đây là đợt mưa lớn kể từ đầu mùa đến nay, ảnh hưởng đến các vườn xoài đang ra hoa và kết trái non, kể cả rau màu cũng bị thiệt hại.


Lúc cần lại cạn kiệt

Vườn mãng cầu ta của ông Trần Văn Chinh (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, Tri Tôn) đang vào mùa thu hoạch, cây trái xanh tươi. Song, gia đình ông không mấy phấn khởi, do thiếu nước ngay từ lúc trổ bông và kết trái. “Năm nay, do nắng hạn nên trái nhỏ hơn, hổng bóng bẩy bằng năm rồi. Tuy nhiên, năng suất có thể tăng, nhờ vườn có tuổi thọ, cây cho trái cũng nhiều” – ông Chinh trầm ngâm. Giá như đầu mùa có mưa lai rai, chắc chắn 16 công mãng cầu này bán không kịp, do loại giống mãng cầu dai vùng Tây Ninh mang về trồng được nhiều người ưa thích. Sản phẩm cung ứng khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Cư dân núi Cô Tô bảo rằng, ông Chinh là người mở ra mô hình “vườn đồi” hiệu quả nhất, song vườn dâu da xanh mấy chục công dưới chân đồi 614 cũng chào thua. “Cây trái gì cũng vậy, lúc trổ bông thì cần nước, ngặt một nỗi ngay thời điểm cần lại không có nước. Mình đành chịu thôi” – anh Trần Văn Đạt (vồ Hội nhỏ) phân trần. Năm nay, mùa dâu, bơ, mãng cầu, sầu riêng… trên núi đều thất bại. Còn ông Phạm Văn Út (điện Kín) nói: “Đó là chưa kể giá cả khi rộ mùa thường xuống thấp, trong khi nhân công thu hoạch, chi phí vận chuyển khó khăn”.

Cây trái, rau màu xứ núi đều lệ thuộc vào mùa mưa, có nước mới chăm sóc tốt. Định cư lâu năm, thực hiện mô hình “nông – lâm kết hợp” và trồng trọt dưới tán rừng, hầu hết ai cũng đều nắm vững quy luật này. Ông Trần Quang Trung (khu vực chùa Bồng Lai, núi Cô Tô) chia sẻ: “Thời tiết ngày nay thay đổi nhiều lắm. Không giống như trước kia. Lập vườn, trồng trọt rất khó khăn. Mùa màng bị thất bát hoài, khiến bà con cũng chán nản”. Theo ông Trung, điều trớ trêu nhất là nắng và mưa thất thường, khó điều chỉnh lịch thời vụ. Ai làm hồ chứa nước kiếm ăn được, bằng không coi như trắng tay.

Khi mưa thì ngập úng

Theo tập quán sản xuất xứ núi, cứ vào dịp 30-4, cư dân khắp các sườn, đồi đều xuống giống rau màu để đón những cơn mưa đầu mùa, giúp cây trái sinh trưởng tốt. Thời điểm thu hoạch rộ là vào giữa mùa mưa, rơi rớt chút ít cuối mùa mưa. Đó là “công thức” chung đối với điều kiện thời tiết thuận lợi. Ông Nguyễn Văn Cao (vồ Bồ Hong) cho hay, đất núi không giống như đồng bằng, hễ có mưa nhiều là ngập, không làm ăn gì được. “Cây trái các thứ hết mùa rồi, mưa xuống cũng như không. Bây giờ, núi Cấm chỉ còn có măng, mà mưa trễ thì măng cũng lên đâu kịp nữa” – ông Cao nói.

Núi Cấm không chỉ là “trung tâm du lịch hành hương”, mà còn nổi tiếng là xứ sở măng tre, với hàng trăm héc-ta. Do đặc tính thích nghi thời tiết, cư dân xứ núi xem đây là cây trồng hiệu quả nhất. Bởi lẽ, cây tre còn giúp chống xói mòn và bảo vệ đồi đất dốc. “Đất núi có nhiều chỗ tương đối tốt, ai cũng trồng cây ăn trái. Đối với khu vực sỏi đá nhiều, trồng tre bỏ đại tới mùa lấy măng. Mà, mưa trễ, gây ngập úng cũng vô tác dụng” – ông Đinh Văn Tươi (vồ Thiên Tuế) cho hay. Đất núi coi vậy mà khó, mưa lớn và kéo dài ngày, cây trồng dễ bị thiệt hại.

Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy (vồ Bồ Hong, núi Cấm) cho biết, trồng được vài công su, thời vụ canh theo mùa mưa, hy vọng bán dịp rằm tháng bảy và tháng tám. Song lúc su bò lên giàn, chuẩn bị có bông và kết trái thì lại gặp hạn (tháng năm, tháng sáu, tháng bảy). Bây giờ, mưa đổ xuống dồn dập, chắc chắn hư hao không ít, mùa màng cũng bị thất bát. “Hổng riêng giàn su của tui, mà nhiều giàn su xung quanh vồ Hồ Hong đều như vậy. Mưa gió thất thường, mùa su năm nay có nhiều khả năng thất bại” – bà Thủy dự báo. Cứ tình trạng mưa lớn, kéo dài như thế này, xứ núi cũng chịu cảnh bất lợi.

“Đất núi không giống như đồng bằng, muốn trồng trọt phải chờ mùa  mưa, mà mưa gió dồn dập cũng gây nhiều thiệt hại. Thời vụ trễ, chi phí đầu tư tăng, mần ăn không có lời, thậm chí còn lỗ nữa” – ông Trần Hoàng Anh (vồ Đầu, núi Cấm) bộc bạch.

Theo TRỌNG ÂN (Tin Tức Miền Tây)

Bạn đang đọc bài viết "An Giang: Nghịch lý xứ núi" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.